Trong mùa mưa bão, độ ẩm cao và không khí lạnh khiến các bệnh hô hấp dễ bùng phát. Các triệu chứng hô hấp ở người cao tuổi, người có bệnh nền có dấu hiệu kéo dài, khả năng gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe nếu không thăm khám kịp thời.
Chị Bùi Ngọc Anh Thư (21 tuổi, ngụ TP.HCM) chia sẻ: “Vào những ngày thời tiết thay đổi đột ngột, tôi thường bị ho, ngứa mũi, mắt, thậm chí bị mất mùi, hụt hơi và khó thở. Tình trạng này kéo dài nhiều ngày. Tôi lại phải làm việc trong môi trường máy lạnh nên cảm thấy rất khó chịu, dù tinh thần rất tỉnh táo nhưng cơ thể lại mệt mỏi”.
Nói về dấu hiệu bệnh hô hấp của mình những ngày qua, ông N.V.C (71 tuổi, ngụ Bình Dương) cho biết ông thường ho có đờm nhiều vào chiều tối. “Giấc ngủ của tôi không được sâu vì càng về đêm, tôi lại có những cơn ho ngắt quãng, cảm giác hơi thở không thông”, ông C. nói.
Tương tự, chị B.N.Y.N (30 tuổi, ngụ TP.HCM) nói rằng chị cũng có các triệu chứng tức ngực, khó thở kéo dài cả tuần nay. “Tôi cảm thấy các biểu hiện nghẹt mũi, sổ mũi và hít thở khó khăn trong thời gian gần đây. Điều đó gây cản trở sinh hoạt và ảnh hưởng đến tâm lý của tôi mỗi ngày khi làm việc”, chị N. nói.
Có thể thấy, sự thay đổi thất thường của thời tiết khiến những người có sức đề kháng yếu dễ gặp phải các vấn đề hô hấp.
Không được xem nhẹ các triệu chứng hô hấp
Theo thạc sĩ – bác sĩ Bùi Phạm Minh Mẫn, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM – cơ sở 3, nhiều người thường bỏ qua các biểu hiện ho, tức ngực, khó thở với suy nghĩ rằng chỉ là cảm lạnh thông thường.
Ho kéo dài kèm theo khó thở có thể là dấu hiệu của viêm phổi, một bệnh lý nguy hiểm cần được điều trị ngay. Nếu để lâu, viêm phổi có thể gây suy hô hấp, làm giảm khả năng thở và ảnh hưởng đến các cơ quan khác trong cơ thể.
Nếu người bệnh có tiền sử hút thuốc hoặc làm việc trong môi trường ô nhiễm, các triệu chứng hô hấp kéo dài có thể dẫn đến COPD. Đây là bệnh lý khiến phổi mất dần khả năng hoạt động bình thường, gây khó thở hơn theo thời gian.
Bác sĩ Minh Mẫn cho biết thêm, các bệnh về phổi, đặc biệt khi khó thở kéo dài, có thể tạo áp lực lên tim, dẫn đến các vấn đề về tim mạch như suy tim. Điều này đặc biệt nguy hiểm với người cao tuổi hoặc những người có bệnh nền về tim.
Người cao tuổi, người có bệnh nền cần chú ý điều gì?
Đối với người lớn tuổi, do sức đề kháng giảm dần theo tuổi tác, khiến họ dễ bị nhiễm trùng đường hô hấp, nên việc giữ ấm cơ thể và tránh các thay đổi đột ngột của thời tiết là rất quan trọng.
Ăn uống đủ chất, bổ sung vitamin C và thực phẩm giàu chất chống oxy hóa để tăng cường hệ miễn dịch là điều mà bác sĩ Minh Mẫn khuyến khích nhóm người cao tuổi thực hiện.
Với những ai có bệnh hô hấp mãn tính như hen suyễn, viêm phế quản, cần tránh ra ngoài khi trời mưa lớn hoặc khi không khí ẩm lạnh. Duy trì thói quen đeo khẩu trang khi ra ngoài, kiểm tra định kỳ các loại thuốc hít hay khí dung theo hướng dẫn của bác sĩ cũng là 2 việc mà người có bệnh nền nên đặc biệt lưu tâm.
Các biện pháp phòng ngừa bệnh hô hấp
Theo bác sĩ Minh Mẫn, để bảo vệ sức khỏe hô hấp lâu dài, cần để ý và thay đổi từ những điều nhỏ nhặt nhất trong cuộc sống thường ngày, trong đó môi trường sống là yếu tố đặc biệt mà mọi người cần quan tâm.
Giữ ấm cơ thể khi thời tiết thay đổi: Khi thời tiết lạnh, nhất là vào sáng sớm và ban đêm, nên mặc đủ ấm, đặc biệt bảo vệ vùng cổ, ngực và mũi. Khí lạnh đi vào phổi có thể gây co thắt đường thở, dẫn đến ho và khó thở.
Tránh độ ẩm quá cao trong nhà: Khi không khí quá ẩm, nấm mốc dễ phát triển gây kích ứng đường hô hấp. Nên thường xuyên mở cửa sổ thông thoáng hoặc sử dụng máy hút ẩm nếu có thể.
Giữ nhà cửa sạch sẽ: Dọn dẹp, lau chùi nhà ở thường xuyên để tránh bụi bẩn và nấm mốc. Việc sử dụng máy lọc không khí cũng giúp giữ cho không gian sống trong lành hơn.
Hạn chế dùng các chất kích thích: Không nên hút thuốc lá hoặc ở gần người hút thuốc, vì đó là tác nhân rất mạnh gây ra các vấn đề về hô hấp, như hen suyễn, viêm phổi, viêm phế quản mãn tính…
Tránh tiếp xúc với hóa chất độc hại: Các loại thuốc xịt côn trùng, thuốc diệt nấm và sản phẩm tẩy rửa mạnh thường chứa hóa chất gây hại cho phổi. Khi dùng, hãy đảm bảo mở cửa thông thoáng hoặc đeo khẩu trang để tránh hít phải khí độc.
Bác sĩ Minh Mẫn chia sẻ thêm, mọi người cần tuân thủ các biện pháp phòng ngừa, giữ gìn môi trường sống sạch sẽ và không chủ quan trước các triệu chứng ho, khó thở kéo dài. Việc chủ động chăm sóc sức khỏe sẽ giúp tránh được nhiều bệnh lý nghiêm trọng và sống khỏe mạnh hơn trong mùa mưa.
Nguồn: https://thanhnien.vn/bac-si-dung-chu-quan-voi-cac-trieu-chung-ho-hap-keo-dai-185241023205457099.htm