TPO – Bộ GD&ĐT đã công bố hệ thống các đề thi tham khảo cho kì thi tốt nghiệp THPT 2025 dành cho các học sinh học theo chương trình mới. Theo nhiều giáo viên, chuyên gia đánh giá, đề năm nay khá lạ và “choáng”.
ThS. Nguyễn Thành Công, trường THPT Chuyên Đại học Sư phạm nhận định, với hầu hết các môn thi, phản hồi chung của các thầy cô và học sinh là “khó”, để đạt được điểm cao không hề dễ như các năm trước.
Riêng với môn Sinh, thầy Công cho rằng, về độ rộng kiến thức, phủ rộng trong cả 3 năm học lớp 10, 11 và 12; có các câu hỏi giao thoa nội dung kiến thức của cả 2 năm học; kiến thức lớp 12 vẫn chiếm chủ đạo với tỉ lệ hơn 80%; kiến thức lớp 10 và 11 chiếm tỉ trọng ít hơn.
Do đề thi xây dựng theo chương trình mới theo định hướng phát triển năng lực, đề thi mang tính chất đánh giá năng lực thí sinh một cách mạnh mẽ. Nhiều câu hỏi của đề thi đưa vào yếu tố thực tiễn, các sự kiện, tình huống xảy ra trong phòng thí nghiệm, trong các đơn vị nghiên cứu hay ngoài tự nhiên và hoạt động sản xuất con người.
“Tuy nhiên, theo ý kiến chủ quan của tôi nên đưa các vấn đề thực tế, có thật, đã và đang xảy ra trong hiện tại và trong tương lai, đòi hỏi thí sinh đưa ra giải pháp hoặc lựa chọn các giải pháp để giải quyết vấn đề. Hạn chế việc nghĩ ra thực tiễn””- thầy Công nêu quan điểm.
Đề thi môn Sinh lần đầu tiên giảm “yếu tố tính toán” đến mức tối thiểu, đưa kiến thức về bản chất môn Sinh. Tuy nhiên, không vì thế mà độ khó của đề thi suy giảm. Sự khó thể hiện ở phần câu hỏi đúng, sai và các câu hỏi điền dữ liệu thể hiện ở mức độ hiểu sâu về kiến thức, tư duy logic kèm theo kĩ năng tính toán; nhưng sự lắt léo về tính toán thì không còn nhiều nữa.
Với mục tiêu của đề thi nhằm xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học, qua sự gia tăng độ khó của đề thi chúng ta thấy có mấy vấn đề.
Thầy Công cho rằng, điểm thi tốt nghiệp sẽ giảm, loại bỏ hiện tượng mưa điểm 10; tuy nhiên, việc phối hợp điểm thi tốt nghiệp và điểm học bạ để xét tốt nghiệp sẽ giúp cho tỉ lệ tốt nghiệp được duy trì, không ảnh hưởng.
Điểm thi giảm, đỉnh của phổ điểm sẽ không tiến đến gần 10 hay 30 nữa, có một khoảng xa từ đỉnh cho đến số tối đa, điều này giúp phân hoá thí sinh tốt hơn cho các đơn vị đào tạo khác nhau xét tuyển, tránh được tình trạng 29 điểm vẫn trượt đại học.
“Mức độ phân hoá cao hơn, các trường đại học sẽ duy trì hoặc quay lại xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp do độ chính xác cao hơn, các hình thức xét bằng học bạ hoặc học bạ phối hợp sẽ suy giảm. Có thể, Chính phủ sẽ có văn bản để hướng dẫn các đại học dùng điểm tốt nghiệp xét tuyển, tạo ra sự công bằng giữa các vùng miền và đối tượng thí sinh”- thầy Công nhận định.
PGS.TS Nguyễn Văn Khánh, giảng viên cao cấp Trường Đại học sư phạm Hà Nội, thành viên ban phát triển chương trình phổ thông 2018, cũng là chủ biên chương trình môn Vật lý về đề thi tham khảo tốt nghiệp THPT 2018 cho rằng, từ năm 2025, nhằm đánh giá tốt hơn năng lực người học, giảm xác suất đoán mò ở các câu hỏi thi, kì thi tốt nghiệp THPT có sự thay đổi về định dạng đề thi.
Theo quyết định của Bộ GD&ĐT hồi tháng 3 vừa qua, trừ các môn ngoại ngữ, cấu trúc đề thi các môn thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan có ba phần. Phần I gồm các câu hỏi nhiều lựa chọn (multiple choice item) quen thuộc; Phần II gồm các câu hỏi đúng/sai (yes/no item) và Phần III là các câu hỏi có câu trả lời ngắn (short answer item).
“Đề tham khảo cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 mà Bộ GD&ĐT công bố ngày 18/10 đã có cấu trúc theo định dạng này”- Ông Khánh nhấn mạnh
Trước nhận định đề môn Vật lý tham khảo là “hay”, ” lạ”, ông Đào Tuấn Đạt- giảng viên Vật lý đại cương tại Đại học Bách Khoa Hà Nội, cố vấn học thuật trường THPT Anhxtanh (Đống Đa, Hà Nội) cho rằng, một trong những lý do làm nhiều người nhận định như vậy có lẽ bởi các đề tham khảo vừa công bố có cấu trúc định dạng câu hỏi nhiều lựa chọn quen thuộc, có thêm dạng câu hỏi đúng/sai và trả lời ngắn.
Ngoài ra, do nhiều năm chú trọng vào việc rèn luyện các câu hỏi thiên về tính toán nên các đề tham khảo vừa công bố đã giảm bớt số câu hỏi yêu cầu tính toán phức tạp, tạo cho chúng ta cảm giác đề có vẻ “hay” và “lạ”.
“Các đề tham khảo mà Bộ GD&ĐT vừa công bố, là những đề thi đã trải qua các công đoạn thử nghiệm và đánh giá trên một số đối tượng học sinh. Sau khi phân tích phổ điểm sau thử nghiệm, các đề này đã được điều chỉnh để có độ khó phù hợp cho kỳ thi tốt nghiệp THPT theo yêu cầu của CT GDPT 2018”- ông Đạt cho biết.
Nguồn: https://tienphong.vn/de-tham-khao-tot-nghiep-thpt-2025-co-that-la-hay-la-khien-nhieu-nguoi-choang-post1684894.tpo