‘Chúng ta thường được khuyên nên ngủ đủ giấc, từ 7 – 9 tiếng mỗi đêm, nhưng đi ngủ giờ nào là tốt nhất cho sức khỏe?’. Hãy bắt đầu ngày mới với tin tức sức khỏe để xem thêm nội dung bài viết này!
Bắt đầu ngày mới với tin tức sức khỏe, bạn đọc còn có thể xem thêm các bài viết: Đừng chủ quan với các triệu chứng hô hấp kéo dài; Lo âu kéo dài gây tổn hại tim như thế nào?; Thực phẩm cần tránh khi bị huyết áp cao…
Chuyên gia chỉ ra thời điểm tốt nhất để đi ngủ
Chúng ta thường được khuyên nên ngủ đủ giấc, từ 7 – 9 tiếng mỗi đêm, nhưng đi ngủ giờ nào là tốt nhất cho sức khỏe?
Cô Kate Booker, chuyên gia chăm sóc sức khỏe người Anh, cho biết giấc ngủ chất lượng nhất diễn ra từ 22 giờ trở đi, nghĩa là vào khoảng giờ này bạn đã phải ngủ.
Vì vậy, cố gắng đi ngủ vào khoảng trước 22 giờ là tốt nhất để có nhiều thời gian nhất cho giấc ngủ sâu trong nửa đầu đêm.
Đi ngủ muộn hơn, các giai đoạn ngủ sâu sẽ ngắn lại và thời gian hơn cho giấc ngủ REM (còn gọi là giấc ngủ mơ) sẽ dài hơn.
Giấc ngủ sâu, còn được gọi là giấc ngủ sóng chậm, kéo dài khoảng 20 – 40 phút và diễn ra trước giấc ngủ REM.
Các chuyên gia đồng ý rằng giấc ngủ sâu rất quan trọng đối với quá trình phục hồi và phát triển của cơ thể, tăng cường hệ thống miễn dịch, tái tạo tế bào, tăng cường cơ, xương, làm chậm hoạt động của não và giảm huyết áp.
Giấc ngủ sâu thường đến sớm hơn và chuyên gia Booker cho biết thời gian ngủ ngon nhất là từ 22 giờ đến 2 giờ sáng. Do đó, đi ngủ sớm hơn đồng nghĩa với chất lượng giấc ngủ cao hơn. Bạn đọc có thể xem thêm nội dung bài viết này trên trang sức khỏe ngày 24.10.
Lo âu kéo dài gây tổn hại tim như thế nào?
Lo âu là phản ứng tự nhiên của cơ thể khi đối diện trước các nguy cơ trong cuộc sống. Lo âu nếu kéo dài không chỉ khiến tâm trí dễ rơi vào trạng thái quá tải mà còn tác động tiêu cực đến thể chất. Ngoài ra, lo âu cũng tác động không nhỏ đến sức khỏe tim và mạch máu.
Các chuyên gia cho biết lo âu, căng thẳng kéo dài là một trong những yếu tố chính làm tăng nguy cơ đau tim. Những sự kiện gây lo âu, căng thẳng kéo dài sẽ làm tăng nhịp tim và đẩy huyết áp lên cao.
Tim và hệ thống mạch máu sẽ chịu áp lực liên tục. Qua thời gian, những tổn thương ở tim và mạch máu sẽ tích lũy dần, làm tăng nguy cơ xuất hiện các vấn đề về tim.
Ngoài ra, lo âu và căng thẳng dù không trực tiếp gây ra bệnh tim mạch nhưng có thể làm trầm trọng hơn các vấn đề tim mạch sẵn có. Cơ chế của hiện tượng này là do lo âu, căng thẳng sẽ gây ra các cơn co thắt mạch máu. Qua thời gian, lớp lót thành mạch máu sẽ bị hỏng, dẫn đến hình thành cục máu đông. Cục máu đông phát triển đến mức đủ lớn và gây tắc nghẽn mạch máu, dẫn đến đau tim.
Ngoài ra, một nguy cơ sức khỏe khác mà những người bị lo âu, căng thẳng kéo dài cần chú ý là cơn hoảng loạn. Cơn hoảng loạn thường xuất hiện các triệu chứng như đau ngực, khó thở và hồi hộp. Các triệu chứng này lại khá giống với cơn đau tim. Do đó, người bệnh cần biết cách nhận diện dấu hiệu của đau tim để được đưa đến bệnh viện cấp cứu kịp thời. Nội dung tiếp theo bài viết này sẽ có trên trang sức khỏe ngày 24.10.
Thực phẩm cần tránh khi bị huyết áp cao
Huyết áp cao là một căn bệnh phổ biến. Huyết áp cao lâu ngày có thể gây tổn thương các mạch máu, tim và các cơ quan khác trong cơ thể.
Chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát huyết áp. Các loại thực phẩm như trái cây, rau xanh và ngũ cốc nguyên hạt rất tốt cho tim mạch. Ngược lại, khi ăn những thực phẩm chứa nhiều muối sẽ làm tăng huyết áp.
Bà Lindsey DeSoto, chuyên gia dinh dưỡng làm việc tại Mỹ, đã chỉ ra những thực phẩm cần tránh khi bị huyết áp cao.
Thực phẩm có vị mặn. Muối có chứa natri. Khi vào cơ thể, natri sẽ giữ nước lại. Lượng nước tăng lên sẽ làm tăng thể tích máu, khiến tim phải làm việc nhiều hơn để bơm máu đi khắp cơ thể. Áp lực máu lên thành mạch tăng cao chính là nguyên nhân gây ra huyết áp cao.
Thực phẩm giàu chất béo bão hòa. Chất béo bão hòa, thường có trong thịt mỡ, đồ chiên rán và các sản phẩm từ sữa béo, có thể gây hại cho tim mạch.
Khi ăn quá nhiều chất béo bão hòa, cơ thể sẽ tích tụ chất béo trong động mạch, làm hẹp mạch máu và gây khó khăn cho việc lưu thông máu. Điều này có thể dẫn đến tăng huyết áp và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch.
Thực phẩm giàu đường bổ sung. Đường bổ sung là những loại đường được thêm vào thực phẩm trong quá trình sản xuất, khác với đường tự nhiên có sẵn trong trái cây.
Tiêu thụ thực phẩm chứa nhiều đường bổ sung cũng có thể gây tăng đột biến đường huyết, làm căng thẳng thêm sức khỏe tim mạch của bạn và kích hoạt viêm. Hãy bắt đầu ngày mới với tin tức sức khỏe để xem thêm nội dung bài viết này bạn nhé!
Nguồn: https://thanhnien.vn/ngay-moi-voi-tin-tuc-suc-khoe-phat-hien-khung-thoi-gian-con-nguoi-ngu-ngon-nhat-185241023225912216.htm