Ông Mười cười hiền, ánh mắt tươi vui, lộ rõ nét thời gian: “Tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận có hàng chục ngàn người con 2 tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau đang công tác, học tập và sinh sống. Dù đã chọn mảnh đất phồn hoa ấy là quê hương thứ hai, nhưng hai tiếng “quê hương” vẫn bồi hồi khi nhắc nhớ. Mỗi chuyến đi, luôn có sự góp mặt của họ với nhiều vai trò: nhà tài trợ, đơn vị đồng hành… hoặc là nhà hảo tâm đóng góp, gửi gắm yêu thương về chốn quê xưa với cả tấc lòng”.
“Tôi dành tình cảm lo an sinh xã hội nhiều cho quê nhà là một phần mong muốn được trả công ơn mà đồng bào nuôi dưỡng tôi từ trong kháng chiến đến khi trưởng thành. Mặt khác, tôi cho rằng bà con vùng căn cứ kháng chiến xứng đáng được hưởng những phúc lợi. Nhưng đi nhiều mới thấy, đời sống bà con còn thiếu thốn quá nên chăm lo được gì thì sẽ cố gắng”, vị tướng bình dị bộc bạch.
AHLLVTND, Thiếu tướng Hồ Việt Lắm thăm hỏi, tặng quà Mẹ VNAH Phan Thị Kính (91 tuổi) ngụ xã Khánh Lộc. |
Chính lòng trắc ẩn ấy, thời điểm trước khi nhận sự tín nhiệm làm Trưởng ban Liên lạc, hơn 30 năm gắn bó với ngành công an, ông đã vận động vì quê hương mà theo nhẩm tính: “Chắc khoảng 50-70 cây cầu, mấy chục căn nhà, hàng trăm suất quà tặng…”, ông không nhớ xuể. Ðến khi tiếp nhận vị trí đầu tàu của Ban Liên lạc, ông đổi mới hoạt động, tập trung nguồn lực vì an sinh xã hội; tích cực vận động các tổ chức nhân đạo, từ thiện trong và ngoài nước, tạo nguồn giúp đỡ nhiều địa phương ở Cà Mau, Bạc Liêu.
Cũng là người dành nhiều tình cảm cho quê hương Bạc Liêu – Cà Mau, được anh em trong Ban Liên lạc ví von ông như một vị “nhạc trưởng”, ông Trần Quốc Cường, Phó trưởng ban, Tổng thư ký Ban Liên lạc, tâm đắc: “Có đi xa xứ mới thấm thía hai tiếng gọi “đồng hương”. Vậy nên, khi đồng hương cần giúp đỡ, Ban Liên lạc rất sẵn sàng giúp như những người thân. Chúng tôi thiết tha vận động hay xin thứ gì cũng là cho bà con mình”.
Hồi nhớ lại thời điểm dịch Covid-19 diễn biến căng thẳng tại TP Hồ Chí Minh, tỷ lệ tử vong cao do người dân chưa được tiêm vắc-xin nên được yêu cầu ở yên trong nhà. Dịch bệnh kéo dài, hàng trăm ngàn con người ở nhiều tỉnh, thành phố, trong đó 2 tỉnh Bạc Liêu – Cà Mau được thống kê với con số hơn 40.000 người, trong đó người Cà Mau chiếm gần 2/3. Thấu hiểu cảnh đời tha phương cầu thực phải ở nhà thuê, nhà trọ, do dịch bệnh mất việc, nhất là những người phải nuôi con nhỏ, phụ nữ mang thai, già yếu, bệnh tật… Ban Liên lạc thành lập ngay Ban Cứu trợ và sau đó hơn một tháng tiếp tục thành lập Ban Cứu trợ khẩn cấp.
Thiếu tướng Hồ Việt Lắm cảm thán: “Các anh em đâu có ai tiêm vắc-xin, vậy mà không ngại hiểm nguy, bất kể ngày đêm, đi vào tất cả các con đường, ngõ ngách, ở đâu có bà con đồng hương xin cứu trợ là có mặt. Kịp thời đưa lương thực, thực phẩm đến giúp nhiều cảnh đời; có nhiều trường hợp rất khẩn cấp, có trường hợp đã cứu được mạng người. Ðó không chỉ là lòng nhân đạo thiện nguyện, là hành động đẹp mà còn là hơi ấm của tình đồng hương”.
Từ năm 2017 đến nay, Ban Liên lạc đã vận động xây dựng hơn 150 cây cầu, hơn 400 căn nhà tình thương, cùng nhiều tập, xe đạp học sinh và xe lăn cho người có hoàn cảnh khó khăn, tổng trị giá trên 120 tỷ đồng. (Trong ảnh: Khánh thành cầu Ðồng Hương 126 tại xã Tân Duyệt, huyện Ðầm Dơi). |
Tuy vậy, ông lại cho rằng, sức mạnh chiến thắng đại dịch chính là sự đoàn kết, sẻ chia từ tất cả những tấm lòng của người dân Việt Nam, trong đó có tấm lòng quý báu của những đồng hương đóng góp, chia ngọt sẻ bùi để Ban Liên lạc làm cầu nối, nơi trung chuyển, đem yêu thương lan toả, tiếp sức bà con. Minh chứng rõ nhất là những chuyến xe nghĩa tình từ nhiều địa phương của 2 tỉnh đều đặn lăn bánh chở muôn vàn yêu thương lên TP Hồ Chí Minh; rồi khi nới lỏng giãn cách, hàng chục ngàn người hồi hương tránh dịch, bằng sự đóng góp của tình đồng hương, Ban Liên lạc khởi hành những “Chuyến xe nghĩa tình”, khởi động chương trình “Hơi thở đồng hương” nhằm cung cấp ôxy cao áp miễn phí tận nơi cho lực lượng y tế 2 tỉnh điều trị bệnh nhân Covid-19; còn có chương trình “Sữa đồng hương cho bé”…
Huyện Trần Văn Thời là địa phương được Ban Liên lạc hỗ trợ nhiều hoạt động an sinh xã hội với tổng trị giá hơn 10 tỷ đồng trong nhiều năm liền. Ông Võ Quốc Thống, Phó chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với tấm lòng của những đồng hương, mạnh thường quân và nhà hảo tâm trong, ngoài nước dành cho người dân huyện nhà. Mới đây, Ban Liên lạc còn kết nối tổ chức tư vấn, chăm sóc sức khoẻ, đây là món quà quý báu dành cho người dân trong huyện.
Nhắc đến hoạt động khám, cấp thuốc chữa bệnh, chăm sóc y tế sẽ rất thiếu sót nếu không nhắc đến tấm lòng Thầy thuốc Ưu tú, Bác sĩ CKII Trần Văn Khanh, Phó ban Liên lạc, Chủ nhiệm CLB Thầy thuốc (thuộc Ban Liên lạc), Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Ðức). Hiện nay, các y, bác sĩ bệnh viện này được xem là ân nhân của nhiều mảnh đời bất hạnh khắp nơi trong cả nước, trong đó có bà con khốn khó của 2 tỉnh quê nhà.
Ðơn cử như trường hợp anh Huỳnh Hữu Tình, sinh năm 1996, ngụ ấp Bào Tròn, xã Ðông Thới, huyện Cái Nước, bị tai nạn lao động, phải cắt bỏ hoàn toàn 2 tay, 2 chân. Ban Liên lạc đã phối hợp cùng CLB Thầy thuốc và Bệnh viện Lê Văn Thịnh mở cuộc vận động các nhà hảo tâm, bà con đồng hương giúp đỡ anh Huỳnh Hữu Tình lắp thành công cả tay và chân giả với tổng đóng góp được hơn 431 triệu đồng. Ðến nay, anh Tình đã trở lại cuộc sống đời thường như một phép màu kỳ diệu.
Không chỉ hồi sinh một cuộc đời, mà từ hơi ấm tình đồng hương còn có thể hồi sinh nhiều mảnh đời mồ côi vì đại dịch Covid-19. Một chương trình ca nhạc “Quê hương và những tấm lòng” lần 2 với chủ đề “Tìm mẹ trong mơ” – “Ðại nhạc hội của những trái tim nhân ái” vừa được Ban Liên lạc tổ chức hồi cuối tháng 10 tại TP Hồ Chí Minh với tổng kinh phí ủng hộ quỹ giúp đỡ 150 trẻ mồ côi do đại dịch Covid-19 ở 2 tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau là hơn 6,4 tỷ đồng. Một lần nữa minh chứng rằng “hai tiếng quê hương, vạn tấm lòng”, thật sự trân quý!
Băng Thanh