Tham gia buổi ngoại khoá, các em được tham quan khuôn viên Phòng Cảnh sát PCCC&CHCN, được lực lượng cảnh sát hướng dẫn cách nhận biết các dấu hiệu của đám cháy, các nguy cơ xảy ra tai nạn, các tín hiệu báo cháy, cách báo động và liên lạc với lực lượng chức năng khi xảy ra sự cố cháy nổ, cách phòng tránh, sơ cứu các tai nạn, sự cố thường gặp…
Không chỉ tuyên truyền lý thuyết, Phòng Cảnh sát PCCC&CHCN còn tạo điều kiện cho các em học sinh quan sát trực tiếp, hướng dẫn các em sử dụng các dụng cụ PCCC như mặt nạ, bình oxy, búa, kìm cộng lực, vòi nước chữa cháy… và tham quan xe cứu hoả, thực hành dập tắt đám cháy với bình chữa cháy.
Tham gia buổi hoạt động ngoại khoá, các em học sinh được hướng dẫn cách sử dụng các dụng cụ PCCC.
Các em học sinh được hướng dẫn sử dụng vòi nước chữa cháy. |
Em Hồ Trương An Thuyên, học sinh lớp 3C, chia sẻ: “Hôm nay em hiểu được, khi xảy ra sự cố cháy, trước tiên phải báo hiệu cho mọi người biết; tìm cách thoát hiểm; dùng khăn, vải ướt để che mũi và miệng nhằm tránh hít khói bụi; di chuyển trong đám cháy cần cúi thấp người để bảo vệ cơ thể. Ngoài ra, em và các bạn được giao lưu, tìm hiểu về công việc của các chú lính cứu hoả. Em rất thích tham gia các buổi ngoại khoá như thế này”.
Thầy Huỳnh Trí Tâm, giáo viên Tổng phụ trách Ðội của trường, cho biết: “Thay vì tổ chức ở lớp, nhà trường cho các em trực tiếp đến cơ quan Phòng Cảnh sát PCCC&CHCN Công an tỉnh để các em được nhìn tận mắt, sờ tận tay, được cảm nhận từ thực tế, vừa học vừa chơi, vừa thực hành, qua đó các em sẽ khắc sâu kiến thức lâu hơn, nhiều hơn. Thời gian tới, trường sẽ tiếp tục duy trì tổ chức các buổi ngoại khoá tuyên truyền, tập huấn trang bị kiến thức, kỹ năng PCCC, phòng ngừa, ứng phó khi xảy sự cố cho đội ngũ giáo viên và học sinh của trường”.
Công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về PCCC&CHCN luôn được ngành chức năng phối hợp thực hiện thường xuyên. Ðối với các đối tượng khác nhau sẽ có cách tuyên truyền khác nhau, phù hợp với từng nhóm đối tượng. Với học sinh tiểu học, các em còn nhỏ chưa thể thực hiện được nhiều thao tác nên kiến thức cần ngắn gọn, dễ hiễu. Mục tiêu chủ yếu hướng đến là giúp các em học được kỹ năng nhận biết nguy hiểm, báo hiệu cho người lớn, biết cách thoát hiểm, cách tự bảo vệ cơ quan hô hấp, bảo vệ cơ thể khi xảy ra sự cố.
Cảnh sát PCCC&CHCN hướng dẫn học sinh sử dụng bình cứu hoả dập tắt đám cháy.
Ðại uý Nguyễn Hoàng Kha, Bí thư Ðoàn Thanh niên Phòng Cảnh sát PCCC&CHCN Công an tỉnh, cho biết: “Công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng PCCC là nhiệm vụ quan trọng và được thực hiện thường xuyên, liên tục, mở rộng cả về phạm vi lẫn đối tượng tuyên truyền. Ðể công tác này đạt hiệu quả hơn, Phòng Cảnh sát PCCC&CHCN luôn sẵn sàng phối hợp với các trường, các cơ quan, đơn vị tổ chức các lớp tập huấn cung cấp kỹ năng PCCC&CHCN, nhằm giúp mọi người biết được vai trò, vị trí, trách nhiệm của mình đối với công tác PCCC, khi xảy ra sự cố cháy nổ thì biết cách xử lý tình huống, cách thoát nạn”.
Hoạt động trải nghiệm là môn học bắt buộc trong chương trình giáo dục tiểu học. Thay vì dạy lý thuyết suông, thì việc tổ chức hoạt động ngoại khoá để các em học sinh được học chủ động, rèn luyện kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp, xử lý tình huống… sẽ giúp các em hứng thú hơn, ghi nhớ lâu hơn, phát triển cả về tri thức lẫn kỹ năng. Ðây là cách đổi mới giáo dục mà các trường luôn muốn hướng đến./.
Thái Trinh