Tái tạo vùng đất ô nhiễm
Ngược dòng thời gian trở về trước cách đây khoảng 20 năm, xung quanh khu vực Yên Sở vốn là vùng rốn nước của TP. Theo đó, cứ mỗi khi có trận mưa lớn là hệ thống thoát nước không xử lý kịp, người dân nơi đây lại phải sống chung với cảnh ngập úng.
Đặc biệt, khu vực hồ Yên Sở, nơi đầm trũng cuối nguồn sông Sét, sông Kim Ngưu chứa đầy nước thải của TP đổ về, quanh năm dòng nước đen đặc, bốc mùi hôi thối…
Việc thường xuyên phải tiếp nhận nguồn nước thải từ thượng nguồn hai sông Sét và Kim Ngưu, khiến khu vực này không tránh khỏi vấn đề ô nhiễm môi trường, hoang hóa. Cũng bởi nguồn nước bị ô nhiễm nặng nên việc canh tác nông nghiệp của người dân địa phương rất bấp bênh. Đáng chú ý, trận lụt lịch sử của Hà Nội năm 2008, trạm bơm Yên Sở cũng chìm trong biển nước không thể hoạt động được, cả TP ngập sâu, khu vực Yên Sở vì thế càng chịu ảnh hưởng nặng nề hơn.
Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Hoàng Mai Trần Hoàng Kim cho biết, Hoàng Mai là địa bàn duy nhất trong số các quận nội thành có 4 con sông chảy qua gồm: sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét và sông Kim Ngưu. Các tuyến sông này đồng thời là các tuyến sông thoát nước chủ yếu của TP. Bởi vậy, ngay khi lập quy hoạch chi tiết, TP, cũng như quận Hoàng Mai quan tâm đến việc cần phải giải quyết vấn đề môi trường cho khu vực này.
Vào năm 2007, Gamuda Land Việt Nam được thành lập để trực tiếp triển khai và quản lý các dự án tại khu vực quận Hoàng Mai. Sau khi thành lập đơn vị này đã bắt tay vào công tác cải tạo, nạo vét, cũng như tiến hành các bước làm sạch nước 5 cụm hồ Yên Sở. Bên cạnh việc cải tạo, nạo vét các hồ, dự án nhà máy xử lý nước thải Yên Sở cũng được khởi công năm 2009 trên diện tích 91,959m2 công suất xử lý 200.000m3/đêm, nhằm mục tiêu đáp ứng nhu cầu xử lý nước thải của lưu vực sông Kim Ngưu và sông Sét. Việc đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải là bước ngoặt quan trọng, để giải quyết các vấn đề môi trường.
Sau đó, đến 2014 công viên Yên Sở chính thức được khánh thành và mở cửa miễn phí đón người dân. Đặc biệt, công viên Yên Sở với hệ sinh thái đa dạng được đánh giá là lá phổi xanh lớn nhất TP, thậm chí công trình này còn được Viện Kiến trúc cảnh quan Malaysia (ILAM) trao giải thưởng cao quý nhất về kiến trúc cảnh quan cho công viên.
“Người dân sinh sống tại khu vực Yên Sở nói riêng, người dân trên địa bàn quận Hoàng Mai nói chung đã rất vui, hào hứng và phấn khởi khi tận mắt thấy nơi đây thay da đổi thịt từng ngày; tận mắt chứng kiến cảnh từ đầm nước quanh năm ô nhiễm, bỏ hoang lại có thể hình thành lên một trong những công trình có hạ tầng xanh, công viên xanh lớn như vậy” – ông Trần Hoàng Kim nói.
Kỳ vọng đô thị xanh riêng biệt
Chị Nguyễn Phạm Hoàng Anh, sống tại phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy cho biết: “Vào dịp cuối tuần tôi cùng gia đình và bạn bè thường xuyên tìm về các địa điểm hồ nước, công viên xanh trên địa bàn TP và công viên Yên Sở là một trong những lựa chọn như thế”.
Qua thực tế có thể khẳng định công viên Yên Sở hiện là điểm đến nghỉ ngơi, thư giãn tuyệt vời để lấy lại nguồn cảm hứng, năng lượng sau một tuần làm việc, học tập căng thẳng của cư dân TP. Có thể nói giữa Thủ đô phồn hoa, đông đúc, vẫn có một nơi mang đến khoảng không xanh, khung cảnh thiên nhiên yên bình như công viên Yên Sở thật đáng trân trọng. Hiện mỗi ngày có hàng trăm người đến công viên thưởng ngoạn, thư giãn ngắm cảnh. Trong đó, những ngày cuối tuần hay lễ Tết có tới cả nghìn lượt du khách đã tìm đến đây.
“Công viên Yên Sở không chỉ có đặc điểm thu hút vì nhiều cây xanh, mà tán của các cây tại đây cũng rất rộng và mát nên mùa nào cũng có thể đưa bạn bè, người thân đến đây chơi được. Dù vui chơi cả ngày qua trưa nhiệt độ hơi gắt nhưng đây vẫn là nơi hợp lý cho buổi cắm trại hay tụ tập ăn uống cuối tuần. Đặc biệt, nếu các gia đình có trẻ nhỏ thì hứa hẹn chúng cũng sẽ rất thích vì không gian trong lành của nơi này” – chị Hoàng Anh chia sẻ.
Còn đối với anh Nguyễn Đình Biên, sinh sống tại số 151 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai cho biết, vì thường xuyên lui tới công viên Yên Sở nên tôi cũng tìm hiểu sâu về công viên này và rất ấn tượng về sự đa dạng của hệ thống cây xanh, hệ thống thảm thực vật tại đây với 124 loài cây.
Bên cạnh đó, trong khu đô thị Gamuda Gardens có 38 loài cây gỗ lớn, 86 loài cây bụi; cây trồng chậu nhỏ và trải thảm, thậm chí trong số này có nhiều cây gỗ quý như gõ đỏ, giáng hương, nhiều loài cây cho hoa đẹp như muồng hoàng yến, muồng đen, muồng hoa vàng, phượng vỹ, lim xẹt…
“Là một cựu sinh viên Trường Đại học Kiến trúc, sau khi ra trường làm về thiết kế kiến trúc, quy hoạch tôi thấy quần thể công viên Yên Sở là một trong những khu vực hiếm trên địa bàn TP sở hữu trong mình hệ thống hồ điều hòa rộng lớn; hệ thống xử lý nước thải hiện đại và tạo dựng được không gian sống thân thiện với tự nhiên, cũng như được sống trong môi trường bao phủ bởi cây xanh, một không gian sống thoáng đãng, trong lành cho cộng đồng dân cư…” – anh Nguyễn Đình Biên chia sẻ.
Cũng về vấn đề này Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Hoàng Mai Trần Hoàng Kim cho biết: Từ định hướng của các bản quy hoạch, chủ đầu tư đã nhạy bén nhìn ra được tiềm năng phát triển của vùng đất cửa ngõ phía Nam Thủ đô, từ đó có giải pháp tại vùng rốn nước Yên Sở.
Điều này không chỉ cải thiện điều kiện sống cho người dân khu vực mà còn mang lại bộ mặt khác hẳn thời điểm đầu thành lập quận Hoàng Mai, bởi khi đó khu vực phía Nam Hà Nội được đánh giá là vùng kém phát triển với hạ tầng xã hội còn thiếu nhiều và hạ tầng giao thông chưa được kết nối đồng bộ.
Trải qua hơn 20 năm xây dựng quận Hoàng Mai đã có bước phát triển tích cực một điểm sáng hạ tầng đô thị phía Nam Thủ đô. Nổi bật trong số đó là nhiều khu đô thị mới hiện đại, văn minh đã hình thành, góp phần tăng hiệu quả sử dụng đất đô thị, giải quyết nhu cầu nhà ở và cùng với hệ thống hạ tầng ngày càng hoàn thiện đã điểm tô hình ảnh một Hoàng Mai hiện đại, ngày càng nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/xanh-hoa-vung-ron-nuoc.html