(CLO) Để doanh nghiệp hiểu rõ hơn về chính sách thuế, đại diện Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan đã trao đổi, giải đáp vướng mắc của các DN tham dự về những nội dung xoay quanh chính sách thuế hỗ trợ DN phát triển, về triển khai hóa đơn điện tử…
Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Tài chính về đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến cơ chế, chính sách tài chính, đồng thời góp phần tích cực hỗ trợ doanh nghiệp (DN) nắm chắc và thực hiện tốt chính sách, Tạp chí Tài chính- Bộ Tài chính vừa tổ chức hội thảo “Các giải pháp và chính sách thuế hỗ trợ DN phát triển và đẩy mạnh hội nhập” tại TP. Hà Nội.
Tham dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo Vụ Pháp chế (Bộ Tài chính), Vụ Quản lý thuế DN lớn, Ban Cải cách và hiện đại hóa (Tổng cục Thuế), Cục Thu thuế xuất nhập khẩu, Ban cải cách hiện đại hóa (Tổng cục Hải quan). Hội thảo còn thu hút nhiều chuyên gia kinh tế, nhà khoa học cùng gần 100 đại biểu đến từ các DN, đơn vị trên địa bàn TP. Hà Nội và nhiều địa phương khác…
Hội thảo năm nay tập trung tuyên truyền, phổ biến về các giải pháp và kết quả của Bộ Tài chính trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020; phân tích và trao đổi về những nội dung quan trọng của các chính sách thuế, quy định mới về hóa đơn điện tử…
Theo ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính) đã thực hiện nhiều giải pháp khá cụ thể để cải cách thể chế, chính sách, thủ tục hành chính với những ứng dụng về công nghệ thông tin trong cung cấp dịch vụ cho người nộp thuế và thực hiện công khai minh bạch các thủ tục hành chính thuế.
Ví dụ về việc ban hành Thông tư 119/2014/TT-BTC sửa đổi 7 thông tư, đơn giản hoá mẫu biểu, tờ khai thuế giá trị gia tăng (GTGT) giúp DN không phải gửi cơ quan thuế nhiều mẫu biểu; việc thu hẹp sự khác biệt giữa kế toán và thuế; bỏ tờ khai thuế thu nhập doanh nghiệp tạm tính theo quý.
“Ví dụ khác là việc nâng mức doanh thu để khai thuế giá trị gia tăng theo quý từ 20 tỷ đồng lên 50 tỷ đồng. Nhờ quy định này, mỗi năm DN giảm từ 12 xuống còn 4 lần khai thuế giá trị gia tăng, nhất là với DN vừa và nhỏ. Từ đó, năm 2014, số giờ thực hiện thủ tục hành chính thuế giảm được 290 giờ, giảm được 8 lần khai thuế giá trị gia tăng và 4 lần khai thuế thu nhập doanh nghiệp tạm tính quý”, ông Phụng nói.
Về những nỗ lực trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP của Bộ Tài chính, ông Trương Huỳnh Thắng, đại diện Vụ Pháp chế (Bộ Tài chính) cho biết thêm, để triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ, Bộ Tài chính đã khẩn trương ban hành Kế hoạch hành động với 32 giải pháp được cụ thể hóa thành 54 sản phẩm đầu ra nhằm mục tiêu bảo đảm quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh của DN, giảm chi phí kinh doanh và cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho DN. Tính đến 10/9/2018, Bộ Tài chính đã hoàn thành 100% kế hoạch đối với các nhiệm vụ của 8 tháng đầu năm 2018.
Đồng thời, Bộ Tài chính đã triển khai nhiều nội dung cải cách đồng bộ, toàn diện, hướng tới cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính (TTHC), tạo thuận lợi cho DN như: Đẩy mạnh cải cách thể chế trong lĩnh vực tài chính với cách làm sáng tạo và linh hoạt (một Luật sửa nhiều luật, một Nghị định sửa nhiều Nghị định và một Thông tư sửa nhiều thông tư); Đổi mới phương thức quản lý từ tiền kiểm, sang hậu kiểm (tuy có tăng áp lực, trách nhiệm lên cơ quan quản lý nhưng tạo thuận lợi cho người dân và DN); Hiện đại hóa quản lý ví dụ như áp dụng hệ thống thông quan điện tử tự động VNACSS/VCIS trong lĩnh vực Hải quan, hệ thống kê khai nộp thuế điện tử.
Những nỗ lực cải cách của Bộ Tài chính đã đóng góp quan trọng vào cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và được xã hội, cộng đồng DN đánh giá cao. Báo cáo chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ TTHC năm 2018 (APCI 2018) do Hội đồng tư vấn cải cách TTHC của Chính phủ công bố cho thấy, nhóm TTHC thuế có chi phí tuân thủ TTHC thấp nhất, nhóm TTHC hải quan đứng thứ ba trong 08 nhóm TTHC được đưa vào đánh giá. Theo khảo sát của Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam, có đến 71% người nộp thuế được hỏi hài lòng với kết quả cải cách của cơ quan thuế trong những năm qua.
Tuy nhiên đã có nhiều kết quả, nhưng theo chuyên gia, Bộ Tài chính phải tiếp tục rà soát, kiến nghị cắt giảm, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính, trên cơ sở đó kiến nghị sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật cho phù hợp với thực tiễn triển khai.
Nêu giải pháp nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập, TS Nguyễn Viết Lợi, Viện tưởng Viện chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính) cho biết, thời gian tới cần thực hiện tốt các luật về thuế đã được Quốc hội thông qua nhằm giúp doanh nghiệp thực hiện chính sách một cách hiệu quả; bổ sung quy định doanh nghiệp sản xuất hàng hóa, cung ứng dịch vụ chịu thuế suất thuế giá trị gia tăng 5% nếu có số thuế giá trị gia tăng đầu vào chưa được khấu trừ hết sau 12 tháng hoặc 4 quý thì được hoàn thuế giá trị gia tăng để doanh nghiệp tích tụ vốn đưa vào sản xuất. Đồng thời, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử.
Đối với lĩnh vực thuế, hải quan cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thuế; ban hành chế độ quản lý rủi ro đối với các doanh nghiệp thuộc đối tượng thanh tra/kiểm tra về thuế; tiếp tục sửa đổi quy định về hồ sơ hoàn thuế, phần mềm hỗ trợ tự động xây dựng báo cáo hồ sơ hoàn thuế; triển khai đồng bộ ứng dụng công nghệ thông tin…
PV
Nguồn: https://www.congluan.vn/hoan-thien-tuyen-truyen-chinh-sach-thue-ho-tro-doanh-nghiep-post55878.html