Theo đó, 5 trường quân đội bổ sung hàng trăm chỉ tiêu năm 2024 kể từ ngày 21/10.
Cụ thể, với nhóm đào tạo đại học quân sự: Đối tượng thí sinh đăng ký xét tuyển bổ sung theo nhóm xét tuyển quy định tại Điểm b, Khoản 3, Điều 27 Thông tư số 31; tuyển bổ sung thí sinh đủ điều kiện sơ tuyển các trường thuộc nhóm 1, gồm các học viện: Hậu cần, Hải quân, Biên phòng, Phòng không – Không quân (hệ Chỉ huy tham mưu) và các trường sĩ quan: Lục quân 1, Lục quân 2, Chính trị, Đặc công, Pháo binh, Tăng Thiết giáp, Phòng hóa, Thông tin, Công binh.
Số lượng chỉ tiêu tuyển bổ sung với nhóm này là 62, mức điểm nhận hồ sơ 21,7-28,55.
Thứ hai, với nhóm đào tạo ngành quân sự cơ sở, chỉ tiêu tuyển sinh là 73, mức điểm nhận hồ sơ 10,75-18 điểm.
Thí sinh cần đủ điều kiện sơ tuyển vào đào tạo đại học, cao đẳng ngành Quân sự cơ sở tại Trường Sĩ quan Lục quân 1 và Trường Sĩ quan Lục quân 2 theo đúng vùng miền tuyển sinh.
Thời gian tiếp nhận hồ sơ xét tuyển bổ sung trực tiếp tại trường hoặc qua bưu điện từ ngày 21/10 đến ngày 27/10. Đến ngày 31/10, các trường xét tuyển, báo cáo đề xuất điểm trúng tuyển về Ban Tuyển sinh quân sự Bộ Quốc phòng (qua Cục Nhà trường).
Theo quy định, thí sinh xét tuyển bổ sung phải là người đã từng tham gia sơ tuyển và được 1 trường Quân đội gửi thông báo đủ điều kiện sơ tuyển nhưng chưa trúng tuyển hoặc chưa xác nhận nhập học vào bất cứ nơi nào; có đủ tiêu chuẩn sức khỏe theo quy định của trường dự tuyển.
Đặc biệt, thí sinh tham gia xét tuyển bổ sung phải là người đã tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, có tổng điểm xét tuyển và tiêu chí phụ (nếu có) bằng hoặc cao hơn điều kiện trúng tuyển đợt 1 của trường dự tuyển.
Theo Ban tuyển sinh quân sự (Bộ Quốc phòng) tại họp báo hồi tháng 6 vừa qua, lượng thí sinh xét tuyển vào khối trường quân đội giảm trong 3 năm liên tiếp. Việc tuyển sinh của khối trường quân đội những năm gần đây gặp nhiều khó khăn.
Qua khảo sát cho thấy, khoảng 10 nguyên nhân khiến việc tuyển sinh vào khối quân đội giảm. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu nhiều thí sinh mắc tật khúc xạ, trong khi chỉ 3 trường khối quân sự gồm: Học viện kỹ thuật quân sự, Học viện Quân y và Học viện Khoa học Quân sự cùng một số ngành ở Học viện Phòng không – Không quân nhận thí sinh bị tật khúc xạ, nên lượng thí sinh bị thu hẹp.
Thứ hai, cơ cấu kinh tế dịch chuyển, các ngành bên ngoài có cơ hội tốt, các em không muốn vào quân đội mà muốn làm công ăn lương ở các khu công nghiệp, làm 8 tiếng rồi về với gia đình và nhận mức lương 7-8 triệu đồng/tháng.
Trong khi đó, lương quân đội rất thấp so với mức năng lực, thời gian, công sức, áp lực công việc rất vất vả.
Thứ 3, trước đây phần lớn các gia đình có nhiều con, nhiều gia đình cho vào quân đội để đỡ tốn chi phí nhưng hiện nay, các gia đình ít con, kinh tế phát triển, gia đình đủ sức nuôi con ăn học nên việc miễn chi phí không còn là yếu tố quan trọng khiến các em không còn mặn mà với việc vào học khối trường quân đội.
Nguồn: https://dantri.com.vn/giao-duc/5-truong-quan-doi-bo-sung-hang-tram-chi-tieu-nam-2024-20241019162104155.htm