(CLO) Họp phiên toàn thể tại Hội trường sáng 8/11, Quốc hội đã nghe các báo cáo về dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi).
Luật Quản lý thuế được Quốc hội thông qua ngày 29/11/2006, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2007, từ đó đến nay Luật Quản lý thuế đã được sửa đổi, bổ sung ba lần vào các năm 2012, 2014 và năm 2016Sau hơn 10 năm thực hiện, Luật Quản lý thuế đã đạt được nhiều kết quả như: thống nhất chính sách về quản lý thuế, trên cơ sở đó công tác quản lý thuế đã được thay đổi theo cơ chế người nộp thuế tự khai, tự nộp và tự chịu trách nhiệm về thực hiện nghĩa vụ thuế. Xác định nhiệm vụ quản lý thuế, theo đó Cơ quan thuế thực hiện quản lý thuế thực hiện theo chức năng, đồng thời cũng kết hợp với quản lý đối tượng và hướng tới quản lý rủi ro theo kinh nghiệm quốc tế. Là cơ sở để thực hiện cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính trong công tác quản lý thuế (số giờ nộp thuế của Việt Nam đã giảm 420 giờ, từ 537 giờ xuống còn 117 giờ, đạt được mục tiêu của Chính phủ đề ra). Tạo ra sự đồng bộ nâng cao tính minh bạch đồng thời tăng cường vai trò kiểm tra, thanh tra, giám sát của cơ quan nhà nước…
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác quản lý thuế nói chung và quy định pháp luật về quản lý thuế nói riêng cũng có những hạn chế bất cập nhất định, trong đó nổi lên là việc thường xuyên bổ sung, sửa đổi văn bản luật đã ảnh hưởng đến công tác quản lý thuế; một số văn bản pháp luật khác cũng có nội dung quy định về quản lý thuế, vì vậy chưa tạo ra sự thống nhất trong các văn bản quy định pháp luật. Phạm vi điều chỉnh của Luật Quản lý thuế chưa bao quát hết các khoản thu khác trong NSNN, mặt khác hoạt động kinh doanh của khu vực kinh tế cá thể, hộ gia đình hoặc khu vực kinh tế phi chính thức chưa được quy định đầy đủ. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thuế đã được đẩy mạnh, tuy nhiên cũng có một số nội dung như cơ sở dữ liệu thương mại, giao dịch điện tử… cũng chưa được quy định một cách toàn diện. Trong điều kiện Việt Nam hội nhập, các hoạt động thương mại, đầu tư quốc tế ngày càng có vai trò quan trọng, cùng với chính sách ưu đãi về thuế để thu hút đầu tư đã nảy sinh rủi ro về xói mòn cơ sở thuế và chuyển lợi nhuận…
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình về dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, qua đánh giá thực trạng việc thực thi Luật Quản lý thuế và qua nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, Chính phủ thấy rằng việc sửa đổi Luật Quản lý thuế ở thời điểm hiện nay là hết sức cần thiết, với các lý do: Để hoàn thiện thể chế quản lý thuế, thực hiện cải cách hành chính, tạo ra môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, tạo điều kiện phát triển các thành phần kinh tế. Tiếp cận tới các chuẩn mực và thông lệ quốc tế để góp phần thu hút đầu tư trong nước, nước ngoài, tạo cơ sở để xây dựng hệ thống quản lý thuế hiện đại trong điều kiện hội nhập. Tạo hành lang pháp lý cho việc ứng dụng công nghệ thông tin cho công tác quản lý thuế, trong đó có việc áp dụng rộng rãi phổ biến quản lý thuế điện tử, giao dịch điện tử công khai, minh bạch. Khắc phục những hạn chế, bất cập hiện nay đồng thời rà soát và thống nhất giữa Luật quản lý thuế và các văn bản pháp luật có liên quan.
Dự thảo luật được xây dựng nhằm mục đích tạo cơ sở cho quản lý thuế hiện đại, tiếp cận tới những chuẩn mực, thông lệ quốc tế tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế, cho cơ quan quản lý thuế thực hiện nghiêm quyền, nghĩa vụ của người nộp thuế; quyền và trách nhiệm của cơ quan quản lý thuế theo quy định pháp luật, tích cực phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Dự thảo Luật được xây dựng với bố cục gồm 17 chương, 152 điều quy định việc quản lý các loại thuế, các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước do cơ quan quản lý thuế quản lý thu.
Đối tượng áp dụng gồm: người nộp thuế; cơ quan quản lý thuế; công chức quản lý thuế gồm công chức thuế, công chức hải quan; cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Báo cáo thẩm tra dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) do Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày khẳng định, hồ sơ trình dự án Luật đã đảm bảo yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và thống nhất với tên gọi Luật Quản lý thuế (sửa đổi), vì phạm vi sửa đổi lần này khá rộng, bổ sung nhiều nội dung mới phức tạp, quan trọng. Tuy nhiên, để có cơ sở thẩm tra, đánh giá và để các ĐBQH có căn cứ, xem xét cho ý kiến đối với từng nội dung, đề nghị Chính phủ cần thuyết minh rõ hơn về cơ sở, nguyên nhân và lý do cần bổ sung các quy định mới và bỏ những quy định không còn phù hợp trong Luật hiện hành.
Báo cáo thẩm tra cho rằng, so với Luật hiện hành thì dự thảo Luật sửa đổi còn nhiều quy định chưa cụ thể. Luật hiện hành có 20 điều giao Chính phủ quy định chi tiết, dự thảo lần này có khoảng ¼ số điều của Luật (36/152 điều) và 13 khoản giao Chính phủ quy định chi tiết, trong khi đó có khoảng 15 Điều trong Luật hiện hành không giao Chính phủ quy định chi tiết nay lại được bổ sung giao Chính phủ quy định chi tiết, trong khi Tờ trình của Chính phủ không giải thích lý do. Do vậy, đề nghị Chính phủ cần giải trình rõ lý do cụ thể.
Báo cáo thẩm tra cũng làm rõ những nội dung lớn liên quan đến dự án luật về: nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý thuế; khai thuế; khoanh nợ, xóa tiền thuế nợ, tiền chậm nộp, tiền phạt; tổ chức kinh doanh dịch vụ đại lý thuế; hiệu lực thi hành; điều khoản chuyển tiếp;…
Nguồn: https://www.congluan.vn/quoc-hoi-nghe-bao-cao-ve-du-thao-luat-quan-ly-thue-sua-doi-post55876.html