(CLO) Tiếp tục chương tình làm việc tại kỳ họp thứ 6, sáng 12/11, đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công.
Thảo luận về hai dự án luật, đại biểu cho rằng Luật Quản lý thuế (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công có mối tương quan với nhau, nếu quản lý thuế tốt, chống thất thu thì mới có tiền để đầu tư công, ngược lại, đầu tư công mà hiệu quả thì người nộp thuế mới thấy đồng lòng, đầu tư công mà lãng phí dẫn đến việc thu thuế khó khăn. Thường vụ Quốc hội cần xem xét mối tương quan này.
Làm sao để triển khai nhanh dự án đầu tư công?
Thảo luận tại tổ ĐBQH tỉnh Sóc Trăng, Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể nêu lên thực tế khi triển khai dự án gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Yêu cầu đặt ra bao giờ cũng phải làm nhanh, bảo đảm tiến độ, bảo đảm chất lượng, nhưng phải tuân thủ đúng thủ tục.
“Chúng ta cũng đã có những bài học xương máu, rất nhiều dự án, nhiều công trình làm nhanh, bỏ qua một số giai đoạn mà chúng ta nghĩ rằng giai đoạn đó chỉ mang tính thủ tục, không ảnh hưởng gì đến chất lượng công trình, nhưng khi thanh tra, kiểm toán thì không được”, ông Thể nói và khẳng định, quan trọng là tìm ra giải pháp nào để triển khai nhanh dự án.
Chỉ ra quy trình của một dự án đầu tư công với quá nhiều giai đoạn, thủ tục “dài lê thê”, phê duyệt dự án mất cả năm trời, ông Thể cho rằng nếu sửa luật mà không cải thiện được quy trình này thì có chăng chỉ làm rõ thêm được trách nhiệm của một số bộ, ngành, cơ quan, còn quy trình thì vẫn vậy.
“Như thế thì chúng ta sẽ mất nhiều thứ, thứ nhất là thời gian, thứ hai là đội giá, trượt giá. Khi đã trượt giá, nếu làm đúng theo quy mô được phê duyệt thì không đủ tiền, cắt gọn cũng không được. Có tiền không làm được thì lãng phí, bên cạnh đó, trượt giá nên đến khi thanh, quyết toán, tiền sẽ cao hơn rất nhiều”, đại biểu nói.
Trên cơ sở đó, đại biểu Nguyễn Văn Thể đề nghị quy định rõ quy mô dự án như thế nào thì trình lên Quốc hội. Còn những dự án nhỏ thì Quốc hội nên quản lý theo mục tiêu, giao trách nhiệm cho Chính phủ quyết, rồi báo cáo lại Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Sau đó, mỗi kỳ họp Quốc hội, Chính phủ có trách nhiệm báo cáo tổng hợp lên Quốc hội.
Còn theo đại biểu Trần Hoàng Ngân (Thành phố Hồ Chí Minh), việc sửa đổi Luật Đầu tư công phải giảm quy trình thủ tục trong xét dự án đầu tư công nhưng cũng không có nghĩa là quá dễ dãi với dự án đầu tư công. Đối với nguồn vốn, phải quan tâm đến nguồn để đầu tư công, để quyết định dự án đó do Quốc hội quyết định hay HĐND quyết định chứ không phải quan tâm đến số vốn của dự án. Nếu ngân sách địa phương thì nên để HĐND quyết định, dù công trình đó có số vốn lên đến 30.000-40.000 tỷ đồng, nhưng dự án dù chỉ 1.000-2.000 tỷ đồng mà thực hiện bằng nguồn ngân sách của Trung ương thì nên để Quốc hội quyết định.
Thu thuế các hình thức kinh doanh mới sao cho hợp lý?
Thảo luận về dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nhận định, thu thuế trong nền kinh tế chia sẻ là vấn đề nóng hổi và rất khó, bởi hiện nay các nước cũng đang chưa định hình rõ loại hình này. Nước thì phạt, nước thì cấm, nước thì đánh thuế kiểu này, nước đánh thuế kiểu kia.
Chia sẻ khi đi nghiên cứu ở nhiều nước, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cho biết, đa phần các nước khuyên chúng ta nên để kinh tế chia sẻ tự phát triển, không nên can thiệp quá mạnh. Bởi vì, đây là loại hình quá mới, phát triển và thay đổi rất nhanh. “Nếu chúng ta ủng hộ loại hình truyền thống thì chúng ta không khuyến khích công nghệ phát triển và không khuyến khích kinh tế chia sẻ, không ủng hộ số đông là người tiêu dùng có lợi. Nhưng, nếu ủng hộ công nghệ thì ảnh hưởng đến kinh doanh truyền thống”, ông Dũng băn khoăn.
Từ thực tế đó, người đứng đầu Bộ KH&ĐT cho hay, các nước đưa ra lời khuyên nên có phương thức thoả thuận giữa Nhà nước và DN công nghệ trong vấn đề thu thuế. Theo đó, ấn định DN phải đóng mức thuế bao nhiêu một cách linh hoạt. Như thế, sẽ có tác dụng hơn trong việc khuyến khích DN hoạt động.
“Nguyên tắc quản lý thuế của chúng ta thiết kế hiện nay hơi nặng về quản lý thu. Tôi thì hướng đến khía cạnh tạo nguồn thu và khuyến khích nguồn thu. Nếu chỉ quản thu thôi nhưng không khuyến khích nguồn thu thì kìm hãm sự phát triển”, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT chia sẻ.
Đại diện cơ quan soạn thảo Luật, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cũng băn khoăn: “Bây giờ nói thu thuế người kinh doanh, bán hàng trên các sàn thương mại điện tử nhưng nhận dạng nó là gì, thì quy định pháp luật hiện nay không có!”
Thời gian qua, tuy gặp nhiều khó khăn, nhưng cơ quan thuế đã rất cố gắng rà soát hàng trăm nghìn tài khoản kinh doanh trên mạng xã hội, từ đó vận động, gửi thư thuyết phục người kinh doanh nộp thuế.
Đại biểu Trần Thị Phương Hoa (Hà Nội) đề nghị cần áp dụng hóa đơn điện tử để giảm phiền hà, tăng tính công khai, minh bạch trong việc nộp thuế. Còn đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) cho rằng chuyển giá, trốn thuế vẫn là vấn đề bức xúc, gây thất thu ngân sách nhà nước, Luật cần bổ sung các biện pháp, chế tài nghiêm minh hơn nữa, đi đôi với đó tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát. Việc ấn định thuế cũng là một sơ hở trong công tác quản lý, cần quy định trong trường hợp khoán thuế sai phải chịu trách hiệm xử lý như thế nào. Tương tự, quy định cụ thể về thẩm quyền xóa nợ thuế, đi đôi với quyền hạn của từng cấp trong xóa nợ phải quy định trách nhiệm để bảo đảm tính nghiêm minh.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân phân tích, trong hệ thống luật về thuế hiện có trên 10 luật thuế nên khi sửa Luật Quản lý thuế, ban soạn thảo cần nghiên cứu các điều khoản, nếu liên quan đến các luật hiện hành cần chỉnh sửa cho phù hợp, tránh trường hợp phải ban hành một luật sửa đổi nhiều luật sẽ dẫn đến không tương thích. Các từ ngữ trong dự án Luật Quản lý thuế sửa đổi hiện có độ vênh với một số luật, cần có điều khoản bảo đảm sự phối hợp và xem xét giữa các luật này.
PV
Nguồn: https://www.congluan.vn/quoc-hoi-thao-luan-luat-quan-ly-thue-va-dau-tu-cong-post55874.html