Từ TP Buôn Ma Thuột, chúng tôi phải vượt quãng đường hơn 100km mới vào tới buôn Plao Siêng (xã Ea Rbin, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk).
Ngôi nhà sàn của mấy mẹ con Sanh nằm lọt thỏm giữa cánh đồng trong buôn. Giữa trời nắng gắt, cô tân sinh viên đang hái rau, lấy củi để nấu bữa trưa cho cả nhà trước khi sắp xếp hành trang chuẩn bị nhập học ngành sư phạm tiếng Jrai ở Trường đại học Tây Nguyên.
2 lần mất bố, người bố không sinh nhưng tấm lòng biển cả
Chị Lý Thị Pà (40 tuổi, mẹ Sanh) mất chồng khi còn rất trẻ, một mình quần quật làm lụng nuôi 3 đứa con.
Ở trong xóm, có người đàn ông cũng mất vợ. Thấy chị Pà khổ nên thường qua giúp việc nặng nhọc.
Có lẽ vì hai số phận đều chịu mất mát, thấu hiểu nhau nên hai người tái hôn.
“Chị em mình rất hạnh phúc, vì bố kế rất hiền lành, siêng năng và thương tụi mình như con ruột. Vất vả mấy bố cũng luôn lo lắng cho anh chị em đủ ăn, đủ mặc và đều được đi học”, Sanh kể.
Nhắc đến bố dượng, nước mắt Sanh lại ướt đẫm bởi ông là người ủng hộ việc bạn tiếp tục học cao lên, khác với quan niệm của phần lớn người Mông ở buôn Plao Siêng: con gái học nhiều làm gì, chỉ nên ở nhà lấy chồng sinh con.
“Hồi về ở với mẹ, rồi khó khăn quá cả nhà dắt díu nhau vào huyện Lắk này mới làm khai sinh. Vậy nên, họ mình đang mang cũng là theo họ của bố kế là Vừ A Páo.
Ở vùng đất mới, bố mẹ lại có thêm 3 em nữa. Bố vẫn động viên tất cả các con phải cố gắng học hành. Mình học tốt nhất nên bố cũng khuyến khích mình học lên cao, thay đổi cuộc đời”, Sanh nhớ lại.
Niềm vui ngắn chẳng tày gang, bố Páo mắc bệnh ruột thừa nhưng âm thầm chịu đựng và tiếp tục làm việc. Một chiều mưa năm 2019, anh Páo đang đau nhưng gắng lên sửa mái tôn tránh cơn mưa bão sắp tới.
Mái tôn vẫn chưa sửa xong thì anh đã đau không còn chút sức lực. Tối đó mọi người quây quần bên giường bố lo lắng. Phép màu đã không xảy ra.
Hôm ấy cũng là giây phút cuối cùng mà các con được ở cạnh bố. Lại một lần nữa Vừ Thị Sanh mất đi người bố yêu thương mình hết mực, Sanh kể câu chuyện nghẹn ngào.
Và “người mẹ” thứ hai
Bố mất, một mình mẹ Sanh với 3 sào ruộng và đàn 6 đứa con nheo nhóc. Khổ quá, mẹ khuyên Sanh nên nghỉ học để đi làm thuê phụ lo cho ba em còn quá nhỏ.
“Lúc đó mình đã khóc rất nhiều dù hiểu hoàn cảnh quá khó khăn. Mình lên lớp kể, chia tay các bạn và cô chủ nhiệm (cô Phạm Thị Hồng, 33 tuổi, giáo viên Trường THCS Trần Quốc Toản – PV). Nhưng cô đã khuyên mình nỗ lực vượt khó khăn để học tiếp”, cô tân sinh viên đang rất cần được tiếp sức đến trường nhớ lại.
Trưa đó, cô Hồng đến nhà động viên chị Pà để Sanh được tiếp tục đi học, chi phí học tập sẽ nhờ các nhà hảo tâm hỗ trợ. Nhờ cô khuyên, mẹ đồng ý cho Sanh tiếp tục đến trường, hoàn thành hết chương trình cấp 2.
“Nhưng lên lớp 10, trường cách xa nhà đến hơn 40km, hầu như việc học tiếp của mình là vô vọng. Lúc đó cô Hồng lại đến nhà, xin mẹ để mình tiếp tục được đến trường.
Cô gọi điện cho đồng nghiệp ở Trường THPT Nguyễn Chí Thanh (xã Krông Nô, huyện Lắk) cho mình được ở nội trú trong ký túc xá. Tiền học phí cũng được miễn giảm, cô hỗ trợ thêm.
Nhờ sự động viên của cô mà mình đã hoàn thành chương trình phổ thông, quyết tâm học đại học để thay đổi cuộc đời”, Sanh hạnh phúc.
Cô gái Mông có đôi mắt đẹp và nghị lực kiên cường
Sanh kể, trong những ngày xa nhà đi học cấp 3, Sanh đã xin làm phụ bếp ở căng tin của trường.
Sanh quét nhà, dọn bàn, rửa bát hằng ngày cho cô chủ nên được cho ăn ngày 3 bữa. Không phải lo cái ăn, chỉ tập trung học để hoàn thành ước mơ.
Khi đậu đại học, thêm một lần nữa, nhờ sự động viên của cô Hồng, Sanh mới có thêm động lực để bước tiếp.
“Vào đại học là niềm mơ ước lớn lao của mình. Nhưng hoàn cảnh gia đình quá thiếu thốn nên những ngày qua mẹ rất lo lắng”, Sanh vừa nhìn nhìn lên những tia nắng xiên qua khe hở của tường ván, mái tôn chiếu lên hàng giấy khen, vừa tâm sự.
Nói “mẹ rất lo lắng” nhưng nhìn vào gương mặt Sanh, người đối diện biết rằng cô cũng có nỗi lo không thua gì mẹ.
Tân sinh viên Vừ Thị Sanh
Nhiều bạn bè cùng trang lứa với mình muốn đi học như mình nhưng bố mẹ không cho đành phải nghỉ. Nhà mình nghèo nhưng may mắn mình đã hoàn thành chương trình phổ thông, đã đậu đại học. Mình muốn trở về làm cô giáo để thay đổi nhận thức của các bậc cha mẹ về việc học. Cũng mong sẽ giúp thế hệ đàn em nghèo khó giống như mình, vượt qua được hoàn cảnh để học, để thay đổi và có tương lai tốt đẹp hơn
Nữ sinh đầu tiên ở buôn Plao Siêng vào đại học
Kể thêm về học trò của mình, cô giáo Phạm Thị Hồng cho biết nắm được hoàn cảnh của Sanh từ hồi bạn học cấp 2. Cô thấy ở Sanh sự ham học, nỗ lực để vượt khó nhưng hoàn cảnh gia đình vô cùng bức bách, luôn đứng trước nguy cơ phải nghỉ học.
“Mình hạnh phúc vì đã góp phần hỗ trợ, đồng hành với em Sanh để em có thể hoàn thành chương trình phổ thông. Sanh là cô gái Mông đầu tiên ở buôn Plao Siêng học hết cấp 3 và giờ đã vào đại học.
Em chính là niềm hy vọng của chúng tôi trong việc giúp người dân ở buôn làng này nhận thức về vai trò của học tập cho phát triển, để mong mai này trong buôn có nhiều sinh viên như Sanh”, cô Hồng tâm sự.
Ngày 25-8, cô Hồng khệ nệ với đủ thứ đồ cùng học trò Vừ Thị Sanh đi làm thủ tục nhập học. Biết trò không có tiền, cô Hồng chủ động đăng ký cho Sanh ở ký túc xá, ứng nộp các chi phí trước qua mạng.
“May mắn là mình quen nhiều bạn đồng nghiệp hồi học chung Trường đại học Tây Nguyên và được hỗ trợ nên các thủ tục cũng thuận lợi. Giờ quan trọng nhất là bản thân Sanh phải mạnh mẽ, nỗ lực để hoàn thành ước mơ của mình”, cô Hồng tâm sự.
Tấm gương của buôn làng
Nói về hoàn cảnh của cô tân sinh viên này, ông Đặng Xuân Kiên – chủ tịch UBND xã Ea R’bin – xác nhận gia đình của Sanh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn khi cha mất, nhà đông anh em, ruộng vườn ít.
Đã vậy, do di cư từ phía Bắc vào không có hộ khẩu nên gia đình Sanh dù rất khó khăn nhưng không thể làm sổ hộ nghèo. Trước khi Sanh thi tốt nghiệp THPT, ông Kiên phải cử cán bộ nhập khẩu cho cô vào gia đình khác, chở ra huyện làm căn cước công dân.
“Cháu Sanh đã vượt qua được những khó khăn trước mắt để tiếp tục theo đuổi việc học.
Cháu Sanh cũng là 1 trong 2 học sinh ở buôn Plao Siêng hoàn thành chương trình phổ thông và là người duy nhất đậu đại học. Cháu là tấm gương cho nhiều gia đình, bạn trẻ còn nhiều khó khăn ở địa phương”, ông Kiên nói.
Mời bạn đồng hành cùng Tiếp sức đến trường
Chương trình Tiếp sức đến trường 2024 của báo Tuổi Trẻ khởi động ngày 8-8, dự kiến trao 1.100 suất học bổng với tổng kinh phí hơn 20 tỉ đồng (15 triệu đồng cho tân sinh viên khó khăn, 20 suất học bổng đặc biệt trị giá 50 triệu đồng/suất trong suốt 4 năm học và thiết bị học tập, quà tặng…).
Với phương châm “Không để bất kỳ bạn trẻ nào vì nghèo khó mà không thể đến với giảng đường”, “Tân sinh viên gặp khó, có Tuổi Trẻ” – như một lời cam kết sẵn sàng hỗ trợ tân sinh viên trong hành trình 20 năm qua của Tuổi Trẻ.
Chương trình được sự đóng góp, ủng hộ của Quỹ “Đồng hành nhà nông” – Công ty cổ phần phân bón Bình Điền, Quỹ khuyến học Vinacam – Công ty cổ phần Tập đoàn Vinacam và các Câu lạc bộ “Nghĩa tình Quảng Trị”, Phú Yên;
Câu lạc bộ “Tiếp sức đến trường” Thừa Thiên Huế, Quảng Nam – Đà Nẵng, Tiền Giang – Bến Tre và Câu lạc bộ Doanh nhân Tiền Giang, Bến Tre tại TP.HCM, Công ty Dai-ichi Life Việt Nam, ông Dương Thái Sơn và những người bạn cùng các doanh nghiệp và đông đảo bạn đọc báo Tuổi Trẻ…
Ngoài ra, Công ty cổ phần Tập đoàn Vinacam còn tài trợ 50 máy tính xách tay cho tân sinh viên đặc biệt khó khăn, thiếu thiết bị học tập trị giá khoảng 600 triệu đồng, Công ty TNHH Nestlé Việt Nam tài trợ 1.500 ba lô trị giá khoảng 250 triệu đồng.
Hệ thống Anh văn Hội Việt Mỹ tài trợ 50 suất học bổng ngoại ngữ miễn phí trị giá 625 triệu đồng. Thông qua Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng TMCP Bắc Á tài trợ 1.500 quyển sách về giáo dục tài chính, hướng dẫn kỹ năng quản lý tài chính cho tân sinh viên…
Doanh nghiệp, bạn đọc có thể ủng hộ học bổng cho tân sinh viên vui lòng chuyển vào tài khoản báo Tuổi Trẻ:
113000006100 Ngân hàng Công Thương (VietinBank), chi nhánh 3 TP.HCM.
Nội dung: Ủng hộ “Tiếp sức đến trường” cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể tỉnh/thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.
Bạn đọc, quý doanh nghiệp ở nước ngoài có thể chuyển khoản về báo Tuổi Trẻ:
Tài khoản USD 007.137.0195.845 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM;
Tài khoản EUR 007.114.0373.054 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM
với Swift code BFTVVNVX007.
Nội dung: Ủng hộ “Tiếp sức đến trường” cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể tỉnh/thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.
Ngoài tài trợ kinh phí học bổng, bạn đọc có thể ủng hộ thiết bị học tập, chỗ ở, việc làm… cho tân sinh viên.
Nguồn: https://tuoitre.vn/co-gai-h-mong-2-lan-mat-bo-thanh-nu-sinh-vien-dai-hoc-dau-tien-cua-buon-plao-sieng-20241022085701179.htm