Hiện nhiều trường tiểu học ở Bình Dương đã liên kết với các cơ sở giáo dục tư nhân tổ chức lớp bán trú và dạy học hai buổi/ngày, nhằm đáp ứng yêu cầu dạy học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Ngày 22/10, tại buổi họp báo về tình hình kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh chín tháng của năm 2024, ông Nguyễn Văn Phong, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Dương, đã thông tin về mô hình liên kết giữa các trường tiểu học và cơ sở giáo dục ngoài nhà trường để mở lớp bán trú và dạy học hai buổi/ngày, một vấn đề đang thu hút sự quan tâm của dư luận địa phương.
Theo ông Nguyễn Văn Phong, hiện nay nhiều trường tiểu học trên địa bàn tỉnh đã liên kết với các cơ sở giáo dục tư nhân để tổ chức lớp bán trú và dạy học hai buổi/ngày nhằm đáp ứng yêu cầu dạy học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Tuy nhiên, do tốc độ tăng dân số cơ học quá nhanh, công tác quy hoạch và xây dựng trường lớp không theo kịp, dẫn đến việc vẫn còn 30 trên tổng số 149 trường tiểu học tại Bình Dương chỉ tổ chức dạy học một buổi/ngày.
Điều này tạo ra nhu cầu lớn từ phía phụ huynh muốn gửi con trong buổi còn lại. Từ đó hình thành các cơ sở giữ trẻ bán trú và ôn tập ngoài nhà trường. Hiện toàn tỉnh có 73 cơ sở giữ trẻ bán trú đang hoạt động.
Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Dương đã chỉ đạo phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thị xã, thành phố tham mưu Ủy ban Nhân dân địa phương tổ chức bán trú và ôn tập ngoài nhà trường cho học sinh học một buổi/ngày.
Đồng thời, các phòng Giáo dục và Đào tạo cũng được yêu cầu kiểm tra, giám sát và cấp phép hoạt động cho các cơ sở này nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh.
Trong năm học 2022-2023, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tiến hành kiểm tra các cơ sở tại thành phố Thuận An và Dĩ An.
Theo kế hoạch, năm học 2024-2025, Sở sẽ tiếp tục kiểm tra chuyên đề này để đảm bảo công tác quản lý và an toàn.
Một vấn đề phức tạp hiện nay là sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quyết định 2499/QĐ-BGDĐT ngày 26/8/2019, công bố hết hiệu lực một số điều trong Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT về dạy thêm, học thêm, việc cấp phép cho các cơ sở bán trú trở nên khó khăn.
Một số địa phương còn e ngại trong công tác kiểm tra và cấp phép, dẫn đến việc nhiều cơ sở hoạt động tự phát, không đảm bảo an toàn.
Sở Giáo dục và Đào tạo Bình Dương đang soạn thảo văn bản trình Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Nhân dân tỉnh để có chỉ đạo cụ thể về việc kiểm tra, cấp phép và quản lý các cơ sở bán trú ngoài nhà trường.
Bình Dương hiện có mức tăng trung bình từ 20.000-30.000 học sinh mỗi năm. Từ năm 2020, tỉnh đã triển khai xây dựng hệ thống trường lớp theo Công văn 5449/UBND-KT ngày 5/11/2020 của Ủy ban Nhân dân tỉnh. Theo đó, 174 công trình giáo dục sẽ được xây dựng, cải tạo, nâng cấp và mở rộng trong giai đoạn 2021-2025.
Đến nay, 66 công trình đã hoàn thành. Bên cạnh đó, công tác xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục cũng được đẩy mạnh với sự tham gia của các nhà đầu tư tư nhân. Hiện toàn tỉnh có 338 trường tư thục, chiếm 47,4% tổng số trường học.
Ngoài ra, các dự án khu công nghiệp, nhà ở xã hội, tái định cư cũng phải dành một phần quỹ đất để xây dựng trường học, đáp ứng nhu cầu học tập của cư dân.
Với sự gia tăng dân số nhanh chóng, quy hoạch đất cho giáo dục tại Bình Dương đến năm 2050 dự kiến sẽ là 1.500ha, theo Quy hoạch tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, được phê duyệt vào tháng 8/2024.
Sở Giáo dục và Đào tạo đang hoàn thiện Đề án phát triển trường lớp để trình Tỉnh ủy xem xét và phê duyệt./.
Năm học 2023-2024, toàn quốc có 318 trường phổ thông dân tộc nội trú tại 48 tỉnh/thành và 1.213 trường phổ thông dân tộc bán trú ở 29 tỉnh/thành; chất lượng đào tạo được nâng lên qua từng năm học.
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/binh-duong-trien-khai-mo-hinh-lien-ket-mo-lop-ban-tru-tai-cac-truong-tieu-hoc-post986688.vnp