(CLO) Cựu Tổng thống Albania Ilir Meta đã bị cảnh sát bắt giữ vì các cáo buộc tham nhũng, theo thông tin từ luật sư của ông vào thứ Hai.
Ông Meta, 55 tuổi, từng là tổng thống từ năm 2017 đến 2022 và hiện đang lãnh đạo Đảng Tự do đối lập. Khi ông đang trở về thủ đô Tirana từ Kosovo, cảnh sát đã chặn xe của ông, theo những hình ảnh được quay lại. Cảnh sát cho biết họ đã buộc phải sử dụng vũ lực để bắt giữ ông.
Albania, một trong những quốc gia nghèo nhất châu Âu, đã gặp nhiều khó khăn về chính trị và tham nhũng kể từ đầu thập niên 1990. Những vấn đề này đã cản trở nỗ lực gia nhập Liên minh châu Âu (EU) của nước này.
“Ông Meta bị buộc tội tham nhũng thụ động, không khai báo tài sản và rửa tiền”, luật sư Genc Gjokutaj của ông Meta phát biểu sau khi gặp thân chủ.
Trước đó, ông Meta đã nhiều lần phủ nhận mọi cáo buộc sai phạm. Luật sư của ông cũng khẳng định rằng những cáo buộc mang mục đích chính trị trước kỳ bầu cử quốc hội vào tháng 4 tới.
Bà Monika Kryemadhi, vợ cũ của ông Meta, cũng cho biết trên Facebook rằng bà đang phải đối mặt với những cáo buộc tương tự và bị yêu cầu phải báo cáo với cảnh sát định kỳ. Bà gọi điều này là “một trò hề”.
Theo thông cáo từ Văn phòng Công tố Chống Tham nhũng (SPAK) – cơ quan đã đệ trình các cáo buộc, khi ông Meta còn giữ chức Bộ trưởng Kinh tế, ông đã kiếm được “một khoản tiền đáng kể” từ một phi vụ thu hồi nợ cho một công ty nước ngoài.
Ngoài ra, Meta và bà Kryemadhi cũng được cho là đã kiếm tiền từ một thương vụ với một công ty viễn thông. Trong thời gian giữ chức Chủ tịch Quốc hội, Meta và Kryemadhi – khi đó cũng là một nghị sĩ, đã nhận một biệt thự từ một doanh nhân để đổi lấy sự giúp đỡ, bao gồm cả việc sửa đổi luật tại quốc hội.
Các cáo buộc khác bao gồm các khoản thanh toán bất hợp pháp cho một công ty vận động hành lang ở Mỹ, mua một căn hộ trị giá 335.000 euro, và không khai báo hơn 100.000 euro chi phí cho các dịch vụ y tế tại các phòng khám tư nhân.
Truyền thông địa phương cũng cho biết hai người khác liên quan đến Meta và Kryemadhi cũng đã bị buộc tội.
Ông Meta, người từng giữ chức Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội, không phải là nhân vật đối lập duy nhất bị cáo buộc hình sự. Tháng trước, Sali Berisha, lãnh đạo của nhóm đối lập lớn nhất – Đảng Dân chủ, cũng bị truy tố về tội tham nhũng.
Đảng Dân chủ cáo buộc Thủ tướng Edi Rama đang tiến hành một cuộc “trả thù” chính trị, điều mà ông Rama phủ nhận. Ông Rama đã nắm quyền từ năm 2013 và có kế hoạch tranh cử nhiệm kỳ thứ tư vào năm tới.
Cao Phong (theo Reuters)
Nguồn: https://www.congluan.vn/cuu-tong-thong-albania-bi-bat-vi-toi-tham-nhung-post317856.html