Tiềm năng phát triển thương mại biên giới
Hà Giang là một tỉnh miền núi, biên giới có vị trí chiến lược quan trọng, đặc biệt trong việc bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ, phát triển rừng và an ninh nguồn nước… Tỉnh là cửa ngõ phía Bắc, kết nối thuận lợi với 2 tỉnh Quảng Tây và Vân Nam của Trung Quốc, với trên 277 km đường biên giới.
Bên cạnh đó, Hà Giang hiện có 54% người lao động đã qua đào tạo; nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú cả về kim loại và phi kim; có tiềm năng phát triển thủy điện vừa và nhỏ; có nguồn nguyên liệu nông, lâm sản, cây dược liệu đủ đáp ứng cho công nghiệp chế biến phát triển.
Nơi đây sở hữu nhiều tiềm năng du lịch phong phú, danh lam, thắng cảnh, di tích, lễ hội truyền thống và địa danh lịch sử, trong đó nổi bật là du lịch trải nghiệm, sinh thái.
Hà Giang có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển thương mại biên giới. Ảnh: TTXVN |
Xác định được các lợi thế này, mấy năm trở lại đây, Hà Giang đã chủ động ban hành nhiều kế hoạch, đề án và các cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư phát triển thương mại biên giới và đạt được những thành quả nhất định.
Cụ thể, 9 tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của tỉnh Hà Giang đạt 244,946 triệu USD, tăng 2,82% so với cùng kỳ, đạt 79,52% kế hoạch năm 2024. Trong đó, xuất khẩu đạt 110,19 triệu USD, tăng 0,7% so với cùng kỳ; nhập khẩu 35,24 triệu USD, giảm 20,9% so với cùng kỳ.
Chỉ tính riêng trong tháng 9, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 29,602 triệu USD, tăng 5,5% so với cùng kỳ, trong đó, xuất khẩu đạt 11,583 triệu USD; nhập khẩu đạt 10,605 triệu USD; hàng hóa chuyển cửa khẩu là 7,411 triệu USD.
Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu như: Quặng Antimon, chè vàng, chè xanh, chè đen khô, ván bóc, quả ớt khô, hạt tiêu đen trắng khô, chuối xanh, quả thanh long tươi, sầu riêng, quả vải tươi… Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là năng lượng điện, than cốc, ô tô cần cẩu, thiết bị thủy điện…
Để thực hiện tốt mục tiêu trong 3 tháng cuối năm, các ngành chức năng trên địa bàn tỉnh Hà Giang tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền; tăng cường trao đổi, triển khai thực hiện các chính sách biên mậu; chính sách xuất nhập khẩu; phối hợp giải quyết kịp thời các vướng mắc phát sinh trong quá trình thông quan xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân hai nước giao lưu, hợp tác cùng phát triển.
Đồng thời, đưa hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa phát triển theo hướng tăng trưởng xanh, nâng cao năng suất, sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa; tập trung chỉ đạo triển khai các giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia các hoạt động xúc tiến, tiếp xúc với các tham tán thương mại để mở rộng, tìm kiếm thị trường tiêu thụ; duy trì, phát triển các thị trường trọng điểm.
Hiện nay, có 5 chợ biên giới đang hoạt động trong khu vực biên giới, khu vực cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Hà Giang (cả Việt Nam và Trung Quốc). Về phía Việt Nam, có 2 chợ đang hoạt động là chợ Xín Cái (huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang) và chợ thị trấn Phố Bảng (huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang), đều được thành lập tự phát do nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa, thăm thân của cư dân hai bên biên giới.
Trong đó, chợ Xín Cái được họp theo tuần và bao gồm khoảng 200 – 300 người mỗi phiên, số lượng công dân Trung Quốc qua lại biên giới để vào chợ mỗi phiên trung bình khoảng 50 người. Chợ Phố Bảng gồm khoảng 300 – 350 người mỗi phiên họp theo tuần và có khoảng 50 công dân Trung Quốc qua lại biên giới để vào chợ mỗi phiên. Giấy tờ sử dụng qua lại biên giới của các công dân bao gồm sổ thông hành xuất, nhập cảnh vùng biên giới; hộ chiếu.
Mặc dù, có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển thương mại biên giới. Tuy nhiên, hạ tầng thương mại biên giới tại Hà Giang vẫn còn nhiều hạn chế vì địa hình đồi núi, hiểm trở, chia cắt, không gian phát triển hạn chế; nền kinh tế nhỏ, cơ cấu kinh tế nông nghiệp là chủ đạo, hạ tầng giao thông khó khăn, nguồn nhân lực trình độ, năng suất lao động thấp; hạ tầng giao thông rất khó khăn; nhiều lĩnh vực như kinh tế biên mậu, du lịch phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thiếu bền vững.
Xây dựng các mô hình hỗ trợ đặc thù
Để đẩy mạnh phát triển thương mại biên giới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hà Giang đã tập trung xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Hà Giang tại Quyết định số 1339/QĐ-TTg ngày 13/11/2023.
Các xe vận tải tham gia xuất nhập khẩu hàng hóa tại Cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy (Hà Giang). Ảnh: BHG |
Quy hoạch tỉnh Hà Giang giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1339/QĐ-TTg ngày 13/11/2023 đã xác định được vai trò và tầm quan trọng của việc phát triển kinh tế, hạ tầng thương mại biên giới. Trong 3 khâu đột phá được đưa ra, việc phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, hạ tầng thương mại cửa khẩu, hạ tầng khu, cụm công nghiệp, hạ tầng số là khâu được chú trọng.
Quy hoạch tỉnh Hà Giang thể hiện rõ định hướng phát triển về kinh tế cửa khẩu, thương mại biên giới, đáp ứng xu hướng mở cửa và hội nhập quốc tế, đầu mối trung chuyển, xuất nhập khẩu hàng hóa, giao lưu phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch và văn hóa.
Điều này có ý nghĩa không chỉ giúp Hà Giang bứt phá, phát triển mà Hà Giang còn có sứ mệnh kết nối cho các địa phương trong vùng cũng như các địa phương trong cả nước cùng phát triển.
Ông Hoàng Gia Long – Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải Hà Giang cho biết, mấy năm qua, cùng với việc từng bước đầu tư, cải tạo, nâng cấp các tuyến đường ra cửa khẩu, đường liên kết vùng, Hà Giang đã rất tích cực phối hợp hoàn thiện các thủ tục đề nghị Bộ Giao thông – Vận tải trình Chính phủ đưa vào quy hoạch đường cao tốc nối Hà Giang với cao tốc Nội Bài – Lào Cai, có chiều dài gần 150 km (từ cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy tới điểm giao IC14 trên cao tốc Nội Bài – Lào Cai) và tuyến cao tốc cửa khẩu Thanh Thuỷ – Tuyên Quang.
Mặc dù, Quy hoạch tỉnh Hà Giang đã được phê duyệt nhưng chặng đường trước mắt để triển khai thực hiện quy hoạch là vô cùng quan trọng và còn nhiều thách thức, khó khăn; đồng thời đây cũng chính là cơ hội quý để mở đường cho Hà Giang phát triển.
Nhiều ý kiến cho rằng, Hà Giang cần bám sát các chỉ đạo, điều hành của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhằm triển khai thực hiện kịp thời, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp của tỉnh về phát triển trên các lĩnh vực kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh. Đồng thời, tăng cường hợp tác, liên kết phát triển kinh tế với các tỉnh vùng Trung du và miền núi phía Bắc và vùng Đồng bằng sông Hồng.
Tiếp đến, vấn đề quan trọng là phải huy động tốt các nguồn lực để thực hiện. Tỉnh phải tranh thủ tối đa sự hỗ trợ nguồn lực của Trung ương, kết hợp với sự huy động các nguồn lực từ nội sinh; đồng thời tăng cường huy động các nguồn lực từ bên ngoài, từ các tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp và người dân thông qua việc quảng bá, xúc tiến và thu hút đầu tư để thực hiện quy hoạch.
Trong quá trình triển khai quy hoạch, Hà Giang cần đặc biệt chú ý đến việc sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn lực, các tài nguyên, nhất là đất đai. Chủ động nghiên cứu, xây dựng hoàn thiện cơ chế chính sách đột phá; xác định có trọng tâm, trọng điểm và ưu tiên đầu tư các công trình có tính chất chiến lược, các dự án động lực, có tính lan tỏa lớn và có tác động trực tiếp đến mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội.
Cùng với đó, Hà Giang cần khẩn trương xây dựng Kế hoạch thực hiện quy hoạch, xác định nội dung trọng tâm, tiến độ và nguồn lực thực hiện các chương trình, dự án trong quy hoạch; rà soát, lập, điều chỉnh, triển khai các quy hoạch chi tiết, các quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành theo quy định, bảo đảm thống nhất, đồng bộ với quy hoạch tỉnh.
Ngoài ra, tập trung đào tạo phát triển nguồn nhân lực, thu hút nhân tài, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển. Cùng đó, chú trọng việc duy trì, phát huy bản sắc văn hóa đặc sắc của Hà Giang; phát triển con người, nâng chất lượng cuộc sống của người dân; quản lý tổng hợp, thống nhất các nguồn tài nguyên và bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.
Mặt khác, địa phương cần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp tập trung cải cách hành chính; đổi mới tác phong, lề lối làm việc, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính. Bên cạnh đó, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho các thành phần kinh tế; trong đó, đặc biệt quan tâm thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển nhanh và bền vững.
Với tinh thần “Đoàn kết, dân chủ, kỷ cương, đổi mới, phát triển” cùng với khát vọng vươn lên, tỉnh Hà Giang sẽ ngày càng phát triển, hoàn thành tốt các nhiệm vụ đã đề ra, hướng tới mục tiêu đến năm 2030, tỉnh Hà Giang phát triển xanh, bản sắc, bền vững và toàn diện; góp phần tạo nên cuộc sống nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.
Nguồn: https://congthuong.vn/ha-giang-no-luc-thu-hut-dau-tu-phat-trien-thuong-mai-bien-gioi-353760.html