Dự kiến 3 môn thi với tuyển sinh THPT
Bộ GD&ĐT công bố dự thảo Quy chế tuyển sinh THCS và THPT. Trong đó không còn quy định các Sở GD&ĐT phải tổ chức bốc thăm để chọn ngẫu nhiên môn thi thứ ba vào lớp 10 như đề xuất của Bộ trước đó. Theo dự thảo, có 3 phương thức tuyển sinh vào lớp 10 THPT gồm: Thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển. Việc lựa chọn phương thức tuyển sinh thuộc thẩm quyền của địa phương.
Đối với việc tổ chức thi tuyển, dự thảo Quy chế quy định chung việc thực hiện 3 môn thi, gồm Toán, Ngữ văn và 1 môn thi thứ ba hoặc bài thi tổ hợp do Sở GD&ĐT, cơ sở giáo dục đại học có trường THPT lựa chọn và được công bố trước ngày 31/3 hằng năm.
Môn thi thứ ba được lựa chọn trong số các môn học có đánh giá bằng điểm số trong chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS. Việc lựa chọn môn thi thứ ba có sự thay đổi qua các năm nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện trong giai đoạn giáo dục cơ bản. Bài thi tổ hợp các môn học được lựa chọn trong số các môn học có đánh giá bằng điểm số trong chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS.
Ngoại ngữ là một trong 8 môn bắt buộc tất cả học sinh đều phải học ở THPT
Nêu ý kiến về dự thảo Quy chế quy định “môn thi thứ ba hoặc bài thi tổ hợp do Sở GD&ĐT, cơ sở giáo dục đại học lựa chọn”, thầy Nguyễn Xuân Khang – Chủ tịch Hội đồng Trường Marie Curie (Hà Nội) cho rằng: “Quy định này nếu ban hành chính thức sẽ dẫn đến các Sở GD&ĐT phải “bốc thăm”, “may nhờ rủi chịu”. Thật sự không nên!”.
Thầy Khang cho biết, với quan điểm thi tuyển THPT gọn nhẹ, không gây áp lực và tốn kém thì số môn thi có thể là 2 hoặc 3 môn. Nếu là 2 môn thì chọn Toán và Ngữ văn. Nếu là 3 môn thì chọn Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ.
“Lý do môn thi thứ ba vào lớp 10 nên chọn ngoại ngữ vì ngoại ngữ là một trong 8 môn bắt buộc tất cả học sinh đều phải học ở THPT. Sau này, nếu môn tiếng Anh được quy định là ngoại ngữ 1, bắt buộc tất cả học sinh từ lớp 3 – 12 phải học thì môn thứ ba là tiếng Anh. Theo Kết luận số 91 của Bộ Chính trị, từng bước đưa tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai trong trường học, thì việc chọn môn thứ ba là ngoại ngữ là cần thiết, không nên bàn luận thêm.
Đối với việc tuyển sinh trường THPT chuyên, ngoài hai môn thi bắt buộc toán và ngữ văn như học sinh không chuyên, môn thứ ba là môn thi chuyên, có đề thi riêng để chọn học sinh có năng khiếu về môn chuyên đó”, thầy Khang nêu quan điểm.
Cùng quan điểm, một hiệu trưởng trường THCS tại Hà Nội chia sẻ, đọc dự thảo không còn cụm từ “bốc thăm môn thứ ba” nữa nhưng Bộ GD&ĐT lại bắt môn thi thứ ba phải thay đổi hằng năm thì các Sở GD&ĐT khó có cách nào khác ngoài bốc thăm để chọn môn thi thứ ba. “Phương án tốt nhất là cho học sinh được tự lựa chọn môn thi thứ ba. Tuy nhiên, bất cập của phương án này đó là sẽ gây khó khăn cho công tác ra đề thi, chấm thi.
Vì vậy, theo tôi, nên để cố định 3 môn: Ngữ văn (đại diện cho tổ hợp Khoa học xã hội), Toán (là môn đánh giá tư duy), tiếng Anh để hội nhập quốc tế. Bên cạnh đó, việc cố định 3 môn thi vừa gọn gàng, vừa công bằng và không có yếu tố may rủi. Còn các môn khác thuộc tổ hợp Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội, các em vẫn học trên lớp. Khi lên cấp ba, các em sẽ được phân hóa lựa chọn theo sở trường môn học của mình để phục vụ thi đại học và hướng nghiệp sau này. Đừng thêm phức tạp và đừng tạo thêm gánh nặng cho các em học sinh”.
Cô Vũ Phương Thúy – một giáo viên chủ nhiệm lớp 9 tại tỉnh Phú Thọ cho rằng, sự thay đổi nào cũng sẽ đem đến sự tiến bộ nhưng cần có lộ trình để phụ huynh, học sinh có sự chuẩn bị. “Nên cố định 3 môn Ngữ văn, Toán và tiếng Anh trong kỳ thi vào lớp 10 (những địa phương đang triển khai với 3 môn này thì vẫn nên duy trì) sẽ giúp phụ huynh yên tâm, học sinh bớt áp lực”.
Thầy Trần Mạnh Tùng – giáo viên Toán ở Hà Nội cho hay, trước mắt nên tổ chức thi vào lớp 10 với 3 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn và tiếng Anh vì đây đều là những môn học “xương sống” cần cho tất cả học sinh, cần cho việc học ở bậc THPT. Ngoài ra, thi bắt buộc tiếng Anh ở thời điểm này cũng phù hợp với kết luận số 91 của Bộ Chính trị về việc đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học, hướng tới xây dựng thế hệ công dân toàn cầu.
Nguồn: https://danviet.vn/ly-do-nen-chon-ngoai-ngu-la-mon-thi-thu-ba-vao-lop-10-20241021144543547.htm