Cải thiện đời sống đồng bào
Tại huyện Thuận Nam, đầu tư hạ tầng giao thông là một trong số rất nhiều hạng mục công trình mà địa phương đã và đang ưu tiên triển khai trong thời gian qua, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội (KT-XH) vùng đồng bào DTTS trên địa bàn. Trong giai đoạn 2019 – 2023, huyện Thuận Nam đã dành trên 126 tỷ đồng triển khai đầu tư 7 công trình giao thông, 11 công trình thủy lợi, nông nghiệp và 15 công trình, dự án khác. Từ đó, mở ra cơ hội kết nối giao thương liên vùng, góp phần tăng hiệu quả sản xuất nông nghiệp, nâng cao đời sống đồng bào DTTS.
Nguồn vốn từ các chương trình, dự án đầu tư bước đầu phát huy tốt hiệu quả, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống đồng bào DTTS và miền núi, tỷ lệ hộ nghèo huyện Thuận Bắc giảm trung bình 4 – 5%/năm…
Ông Nguyễn HùngPhó Chủ tịch UBND huyện Thuận Bắc
Anh Tạ Yên Chĩnh, người dân thôn Tân Hà, xã Phước Hà, huyện Thuận Nam chia sẻ: Thời gian gần đây, xã Phước Hà được đầu tư đồng bộ về hạ tầng, điện, đường, trường, trạm. Người dân được tham gia nhiều lớp tập huấn nâng cao kiến thức chăn nuôi, trồng trọt và tham quan các mô hình phát triển kinh tế ở các địa phương khác. Từ đó, áp dụng vào sản xuất, vươn lên phát triển kinh tế.
Trong nỗ lực kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo, tăng hộ khá thúc đẩy phát triển kinh tế cho người dân vùng đồng bào DTTS, với phương châm “Trao cần câu hơn trao con cá”, huyện Thuận Nam đã nghiên cứu, tìm nhiều giải pháp hỗ trợ sinh kế, tạo việc làm cho người dân. Trong đó, chủ yếu tập trung phát triển các mô hình chuyển đổi luân canh giống cây trồng, vật nuôi; tập huấn kỹ thuật trồng lúa nước, bưởi da xanh, mít Thái; hỗ trợ bò giống và đẩy mạnh ứng dụng khoa học – kỹ thuật vào sản xuất; tư vấn tạo việc làm mới cho khoảng 11.036 lao động…
Phó Chủ tịch UBND huyện Thuận Nam Nguyễn Thị Xuân Cường cho biết: Tổng nguồn lực hỗ trợ đầu tư từ các chương trình, dự án cho vùng đồng bào DTTS trên địa bàn huyện Thuận Nam trong giai đoạn 2019 – 2023 là hơn 329 tỷ đồng. Huyện đã thực hiện đầu tư hạ tầng, đào tạo nghề, hỗ trợ vốn phát triển sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm, nhà ở, công trình phụ trợ cho đồng bào DTTS. Đồng thời, triển khai thực hiện các chính sách về giáo dục, chăm lo sức khỏe Nhân dân; bảo tồn, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào DTTS… Nhờ vậy, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt. Toàn huyện có 2/3 xã vùng DTTS được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Số hộ nghèo đồng bào DTTS trên địa bàn huyện hiện còn 521 hộ.
An cư lạc nghiệp
Tại huyện Thuận Bắc – một trong những địa phương đã và đang triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG 1719 của tỉnh Ninh Thuận, nguồn vốn đầu tư hỗ trợ đất ở, nhà ở giúp người dân an cư lạc nghiệp, ổn định cuộc sống. Đồng bào DTTS được hỗ trợ con giống gia súc, thiết bị nông nghiệp, tạo sinh kế, có điều kiện vươn lên thoát nghèo.
Theo ông Nguyễn Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Thuận Bắc: Từ nguồn vốn Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững và Chương trình MTQG 1719, huyện đã phân bổ trên 20.100 triệu đồng, triển khai thực hiện 61 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất; giúp 7.130 lượt hộ vay vốn tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, với tổng số tiền 294.270 triệu đồng để đầu tư mở rộng sản xuất.
Trong giai đoạn từ 2022 – 2024, thực hiện Dự án 1, Chương trình MTQG 1719, huyện Thuận Bắc được đầu tư 18.383 triệu đồng. Đến nay đã giải ngân 18.012 triệu đồng, hỗ trợ 725 hộ đồng bào DTTS thuộc diện nghèo trên địa bàn 5 xã đặc biệt khó khăn (gồm xã Phước Chiến, Phước Kháng, Bắc Sơn, Công Hải, Lợi Hải). Hỗ trợ mua sắm nông cụ chuyển đổi nghề 5.171 triệu đồng; hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho hộ nghèo 527,9 triệu đồng. Đã có 273 hộ đồng bào DTTS nghèo được hỗ trợ vay vốn chuyển đổi nghề với tổng kinh phí 17.530 triệu đồng.
Đồng thời, huyện đã huy động các nguồn lực xã hội trên 64.200 triệu đồng đầu tư phát triển kinh tế – xã hội vùng DTTS và miền núi. Bảo đảm 100% tuyến đường từ trung tâm huyện đến các xã đều được bê tông xi măng, bê tông nhựa nóng. Trên 98% số hộ vùng đồng bào DTTS và miền núi được sử dụng điện lưới quốc gia và nước sạch sinh hoạt…
“Nguồn vốn từ các chương trình, dự án đầu tư bước đầu phát huy tốt hiệu quả, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống đồng bào DTTS và miền núi, tỷ lệ hộ nghèo huyện Thuận Bắc giảm trung bình 4 – 5%/năm…”, ông Nguyễn Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Thuận Bắc khẳng định.
Để đảm bảo chính sách đến được với đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh, mới đây, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Ninh Thuận đã tổ chức giám sát thực hiện Chương trình MTQG 1719 năm 2024 tại một số địa phương.
Qua giám sát, bà Phạm Thị Bích Hà, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Ninh Thuận, ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trong việc triển khai thực hiện chương trình trong thời gian qua. Đồng thời, nhấn mạnh trong thời gian tới, đề nghị các địa phương tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả nguồn vốn chương trình, tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tiếp tục đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, phát hiện, phổ biến các mô hình, điển hình giảm nghèo có hiệu quả để nhân rộng.
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư Ninh Thuận, trong 8 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh Ninh Thuận đã giải ngân 78% tổng vốn đầu tư phát triển. Trong đó, vốn Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững đạt 80%, vốn Chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi đạt 77%. Thông qua các chương trình, đã góp phần quan trọng giúp đồng bào DTTS và vùng núi phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.
Nguồn: https://baodantoc.vn/ninh-thuan-quan-tam-phat-trien-toan-dien-vung-dong-bao-dtts-1728384599716.htm