Tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền về quản lý biên giới Việt Nam-Lào- Ảnh 3.Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Nam (Việt Nam) và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Sekong (Lào) tuần tra song phương đoạn biên giới từ mốc 691 đến 702. Ảnh: Internet.
 

Từ năm 2008 đến năm 2016, thực hiện Dự án tăng dày, tôn tạo mốc quốc giới, Việt Nam và Lào đã phối hợp xác định và xây dựng được 905 vị trí, tương ứng với 1.002 cột mốc và cọc dấu (không kể 2 mốc tại ngã 3 biên giới với Trung Quốc và Campuchia).

Tăng dày, tôn tạo mốc quốc giới Việt Nam và Lào là một hoạt động hợp tác quan trọng giữa hai quốc gia nhằm quản lý, bảo vệ biên giới chung, đảm bảo an ninh và chủ quyền lãnh thổ của cả hai nước. Đây là một phần trong các hiệp định song phương liên quan đến việc xây dựng, tôn tạo, và quản lý hệ thống mốc quốc giới. Việc xây dựng thêm mốc và tôn tạo các mốc cũ giúp xác định rõ ràng đường biên giới quốc gia, từ đó giảm thiểu tranh chấp lãnh thổ.

Việc tăng dày và tôn tạo mốc quốc giới không chỉ là vấn đề kỹ thuật mà còn mang ý nghĩa chính trị, ngoại giao sâu sắc, thể hiện tinh thần tôn trọng lẫn nhau, đoàn kết và hợp tác giữa hai nước Việt Nam và Lào. Đây cũng là một bước quan trọng trong việc đảm bảo sự phát triển bền vững và hòa bình ở khu vực Đông Nam Á.

Việc xác định rõ mốc quốc giới là nền tảng cho việc phát triển giao thương, thương mại và đầu tư giữa hai bên. Điều này có thể thúc đẩy kinh tế khu vực biên giới, tạo ra cơ hội việc làm và tăng cường đời sống cho người dân. Dự án cũng mở ra cơ hội cho việc tăng cường giao lưu văn hóa giữa nhân dân hai nước, tạo điều kiện cho việc học hỏi và hiểu biết lẫn nhau.

Việc tôn tạo mốc quốc giới còn đóng góp vào việc bảo vệ các khu vực sinh thái nhạy cảm, từ đó giúp bảo tồn tài nguyên thiên nhiên của hai quốc gia. Hợp tác trong việc quản lý và bảo vệ tài nguyên khu vực biên giới sẽ giúp hai bên cùng phát triển bền vững. Dự án góp phần nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của biên giới quốc gia, từ đó khuyến khích họ tham gia tích cực trong công tác bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.

Tổ chức các chương trình tuyên truyền về ý nghĩa của mốc quốc giới sẽ giúp cộng đồng hiểu rõ hơn về trách nhiệm của mình trong việc giữ gìn an ninh trật tự khu vực biên giới. Dự án có thể giúp cập nhật và hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến biên giới, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động quản lý và hợp tác biên giới. Dự án tăng dày, tôn tạo mốc quốc giới giữa Việt Nam và Lào không chỉ đóng góp vào việc bảo vệ chủ quyền quốc gia mà còn thúc đẩy hợp tác phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa. Đây là bước đi cần thiết để củng cố mối quan hệ hữu nghị, hiểu biết và tin cậy giữa hai nước, đồng thời góp phần vào sự ổn định và phát triển bền vững của khu vực biên giới. 

Trong quá trình thực hiện dự án này, hai bên đã phối hợp tổ chức 63 cuộc họp các cấp, gần 100 đoàn công tác liên ngành song phương tiếp cận các khu vực mốc và hàng nghìn cuộc họp, làm việc của Đội Liên hợp cắm mốc, nhằm trao đổi, thống nhất kế hoạch, biện pháp triển khai, thực hiện từng hạng mục của dự án.

Liên quan đến vấn đề hợp tác song phương, Việt Nam và Lào đã thống nhất định hướng về quy hoạch phát triển cửa khẩu biên giới giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, làm cơ sở để hai bên có kế hoạch, lộ trình mở, nâng cấp cửa khẩu phù hợp với tình hình phát triển kinh tế, xã hội của mỗi nước.

Tính đến thời điểm hiện tại, giữa 2 nước đã có 33 cửa khẩu đang hoạt động trên toàn tuyến, bao gồm 9 cửa khẩu quốc tế, 6 cửa khẩu chính và 18 cửa khẩu phụ. Ngoài ra, hai bên còn có thêm 29 lối mở để đáp ứng nhu cầu qua lại và góp phần thúc đẩy hợp tác – phát triển giữa hai bên biên giới…

Lực lượng chức năng của 2 nước Việt Nam – Lào thường xuyên trao đổi, nắm bắt thông tin, phối hợp giải quyết các vấn đề biên giới một cách kịp thời và hiệu quả. Tuy vậy, trên tuyến biên giới, hoạt động của các loại tội phạm còn diễn biến phức tạp, nhất là tội phạm liên quan đến ma túy, tội phạm mua bán người, hoạt động buôn lậu, tình trạng di dịch cư trái phép… đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình an ninh, chính trị, văn hóa, xã hội tại khu vực biên giới.

Nhằm duy trì môi trường hòa bình, ổn định, giữ vững quốc phòng, an ninh, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế, xã hội giữa Việt Nam với Lào, các cấp, các ngành các địa phương khu vực biên giới cần tăng cường và tiếp tục đổi mới, đa dạng hóa về nội dung, hình thức tuyên truyền, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, chú trọng tuyên truyền bằng ngôn ngữ của các dân tộc sinh sống ở khu vực biên giới và tuyên truyền đối ngoại về công tác biên giới trên đất liền.

Đổi mới phương thức tham gia xây dựng biên giới vững mạnh toàn diện, có chiều sâu, nhất là trong nắm tình hình địa bàn; đẩy mạnh phong trào quần chúng bảo vệ đường biên, cột mốc. Phát huy hơn nữa những kết quả tích cực đã đạt được trong triển khai nhiệm vụ, đảm bảo công tác phối hợp giữa các lực lượng trong công tác tuyên truyền, giáo dục được chặt chẽ, kịp thời, đa chiều, toàn diện…/.

Kim Oanh