Quê tôi, một miền quê khi xưa được mệnh danh là vùng nghèo đói. Đó là vùng chiêm trũng ven bên dòng sông Lam, vùng đất có vẻ đẹp trầm buồn, hiu hắt.
Trong ký ức tôi hiện lên hình ảnh nhạt nhòa của những ngôi nhà tranh, vách đất đan xen những túp lều lụp xụp bên những con đường lầy lội bùn đất, vàng vàng phèn chua khi mùa mưa đến, bụi bay mù mịt trong gió Lào mỗi dịp hè sang.
Quê nghèo vậy nhưng có nhiều thứ khiến người ta phải nhớ: gốc đa, bến nước, sân đình, lũy tre chống đạn bom từ thời kháng chiến… Nhớ cái chất hoang sơ với bản tính chất phác, thân thiện, thật thà, chịu thương chịu khó của người dân quê. Và tôi, cũng rất nhớ quê bắt đầu từ những điều đơn sơ, giản dị mộc mạc rất gần gũi ấy. Tôi nhớ mẹ với chiếc đòn gánh uốn cong đè lên đôi vai gầy, nhớ dáng hình xương xương của cha mưa dầm, nắng dãi. Nhớ cái no khi mùa về, cái đói quay quắt những ngày giáp hạt.
Mùa nối mùa, gió đến và đi, chim muông bay về rồi di tản, không biết từ đâu đã gieo nên những mầm sống như vị cứu tinh cho cả làng tôi qua bao ngày gian khó. Những loài rau tập tàng hoang dại theo gió, theo chim về mọc ở các bãi sông, mé rừng, ven lối đi, trên ruộng lúa, nương khoai… trở thành “kho lương thực” dự trữ vô cùng quý giá của mọi người dân. Những vạt xuyến chi nở trắng muốt trong nắng bình minh, đám rau hến bên đường dịu êm dưới những cành cây tầm bóp tươi non mơn mởn; rồi rau sam, rau dền đất, rau má, dọc mùng, lá bát… tất cả trở thành thực phẩm nuôi sống con người. Mỗi loài rau có một vị riêng, ăn chưa quen thì còn ngai ngái, quen rồi thì nghiện, thì say và nhớ mãi. Rau xuyến chi luộc sơ, vắt xào tỏi nêm chút mắm tôm thì trở thành món ngon “tuyệt cú mèo”, vừa giòn giòn, đăng đắng và có vị ngọt kéo dài trên đầu lưỡi sau khi ăn. Rau sam, rau càng cua có vị chua thanh thanh, rau má thì thơm thơm, bổ và mát… Những lúc hiếm hoi thì gặp rau gì hái nấy về nấu một nồi canh đủ các loại rau gọi là canh tập tàng ăn với cà muối mặn, muối chua ngon miệng lắm, đói và thiếu chất nên bao nhiêu rau cũng hết. Những loài rau giản dị ấy có màu, có mùi vị đặc trưng đã góp phần tạo cho con người quê cái chất trong veo, mộc mạc, chân thành như chính ngọn nguồn của chúng.
“Đói lòng ăn bát canh rau
Đắng chua chát ngọt nhớ nhau trọn đời”.
Tôi rời xa quê, ở giai đoạn đất nước ta gặp muôn vàn những khó khăn, trắc trở. Kinh nghiệm ăn rau tập tàng của tôi đã được ươm vào trong đồng đội, đồng nghiệp và cả những người dân các miền quê nơi tôi đặt chân đến. Và cũng qua họ, tôi biết thêm được nhiều loài rau quý khác trên mọi miền của đất nước ta, nước bạn Lào, Campuchia… Biết nhiều loại rau và cũng chính là những vị thuốc quý hiếm mỗi khi trái gió trở trời.
Canh tập tàng bây giờ là “đặc sản”, ngọt hơn, ăn vào bổ dưỡng hơn nhưng nó không còn làm cho tôi thích thú, khát thèm như canh ngày xưa mẹ nấu. Những thịt, những cá và nhiều gia vị đã làm cho cái chát, cái đắng, cái ngon riêng có của rau khác đi rất nhiều. Nhưng dẫu sao khi ngồi trước tô canh rau tập tàng bốc khói thì ký ức ngày xưa lại trào về một cách mạnh mẽ trong tôi. Tôi như thấy dáng mẹ, hình cha và những vị rau tập tàng hoang dại ngày xưa xôn xao trở về trong trẻo. Tôi nhớ và yêu tha thiết cuộc sống của người dân quê tôi, cái vị đắng cuộc đời đã hun đúc nên những vị ngọt cho tôi ngày hôm nay.