Báo cáo của Ủy ban kinh tế nước toàn cầu (GCEW) công bố ngày 17/10 nhấn mạnh những cảnh báo nghiêm trọng về cuộc khủng hoảng nước hiện nay.
GCEW cho rằng, con người đang đánh giá thấp giá trị của nước đối với nền kinh tế và việc bảo vệ hệ sinh thái. (Nguồn: PUB) |
Theo GCEW, khủng hoảng nước đe dọa hơn một nửa sản lượng lương thực và khiến GDP toàn cầu giảm trung bình 8% vào năm 2050, trong đó các quốc gia thu nhập thấp có thể chịu thiệt hại đến 15%.
Hiện nay, gần 3 tỷ người cùng hơn 50% sản lượng lương thực thế giới nằm trong những khu vực bị khô hạn hoặc có nguồn nước bất ổn. Một nửa dân số toàn cầu đang đối mặt tình trạng thiếu nước, khoảng 2 tỷ người không có điều kiện tiếp cận nguồn nước uống an toàn và 3,6 tỷ người thiếu các dịch vụ vệ sinh cơ bản. Nghiêm trọng hơn, mỗi ngày có tới 1.000 trẻ em tử vong do không có nước sạch.
Ông Johan Rockström, Giám đốc Viện nghiên cứu tác động khí hậu Potsdam (PIK) chia sẻ: “Ngày nay, 1/2 dân số thế giới đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nước. Khi nguồn tài nguyên thiết yếu này ngày càng khan hiếm, an ninh lương thực và sự phát triển của con người sẽ bị đe dọa”.
GCEW cho rằng, con người đang đánh giá thấp giá trị quan trọng của nước đối với nền kinh tế và việc bảo vệ hệ sinh thái, dẫn đến sử dụng lãng phí nguồn tài nguyên này trong nhiều ngành công nghiệp và khiến các hoạt động như trồng trọt đối mặt nguy cơ thiếu nguồn cung nước.
Bà Ngozi Okonjo-Iweala, Tổng giám đốc Tổ chức thương mại thế giới (WTO), đồng Chủ tịch Ủy ban toàn cầu về kinh tế và khí hậu, nhìn nhận cuộc khủng hoảng nước toàn cầu là “một thảm kịch nhưng cũng là cơ hội để chuyển đổi nền kinh tế nước – bắt đầu bằng việc định giá đúng giá trị của nước”.
Theo GCEW, mỗi người cần từ 50-100 lít nước mỗi ngày để đáp ứng nhu cầu cơ bản về sức khỏe và vệ sinh, nhưng để đáp ứng cuộc sống đầy đủ dinh dưỡng, mỗi người cần ít nhất 4.000 lít nước mỗi ngày.
Nguồn: https://baoquocte.vn/khu-ng-hoa-ng-nuoc-khien-the-gioi-co-the-mat-8-gdp-va-hon-50-san-luong-luong-thuc-290583.html