Đa phần ý kiến bày tỏ sự đồng tình, theo nguyên tắc một đồng cũng phải sòng phẳng với ngân sách nhà nước, nhưng lại băn khoăn về cách thực hiện.
Đành rằng việc này đã được pháp luật quy định, cho phép ngành thuế thực hiện. Băn khoăn đó là việc thực hiện đã phù hợp khi mức độ áp dụng ngày càng nhiều, có ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp.
Làm việc nhiều năm tại sân bay, tôi chứng kiến không ít hành khách vướng phải quyết định tạm hoãn của ngành thuế, nhất là thời gian gần đây ngày càng phổ biến.
Thậm chí có những trường hợp chỉ nợ thuế vài trăm ngàn, một vài triệu. Nhiều trường hợp trong số đó khá bất ngờ, đến khi ra sân bay mới biết.
Họ nói rằng hoàn toàn không cố ý chây ì nộp thuế, do những nguyên nhân khách quan hoặc thay đổi địa chỉ tạm trú, có thể không nhận được thông báo tạm hoãn như cơ quan thuế nói.
Thậm chí có cả những người vì cả nể, đứng tên chủ hộ kinh doanh, chủ doanh nghiệp cho người thân giờ mới vỡ lẽ hậu quả mình phải chịu…
Theo Luật Quản lý thuế, tạm hoãn xuất cảnh đối với cá nhân, người đại diện theo pháp luật của người nộp thuế có thể được cơ quan thuế áp dụng, như là một biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về thuế.
Quyết định tạm hoãn xuất cảnh được gửi đến cơ quan quản lý xuất nhập cảnh và được nhập vào hệ thống của cơ quan này. Đơn vị kiểm soát xuất nhập cảnh tại cửa khẩu sẽ thực hiện tạm hoãn xuất cảnh nếu trên hệ thống có thông tin này.
Mục đích của việc này là để đảm bảo nguồn thu ngân sách được đầy đủ, đúng, kịp thời. Tuy nhiên cũng cần phải ưu tiên suy nghĩ cách làm để không ảnh hưởng, làm thiệt hại đến lợi ích của cá nhân, doanh nghiệp.
Hiện nay, đối với người nợ thuế khi bị tạm hoãn xuất cảnh đều được cơ quan kiểm soát xuất nhập cảnh tại cửa khẩu hướng dẫn về liên hệ với cơ quan thuế đã ra quyết định tạm hoãn xuất cảnh.
Quy trình này hiện đang gây ra những khó khăn cho người nợ thuế, đặc biệt trong trường hợp có hội nghị hoặc phải giải quyết công việc quan trọng, làm ảnh hưởng rất lớn và gây thiệt hại cho cá nhân, doanh nghiệp nợ thuế.
Thay vì thế, cần sửa đổi Luật Quản lý thuế và quy định liên quan đến quy trình đăng ký tạm hoãn xuất cảnh của cơ quan thuế, theo hướng cho phép các khoản nợ thuế với mức nào đó (chẳng hạn từ 200 triệu trở xuống) thì người nợ thuế có thể nộp số tiền nợ thuế đó ngay tại cửa khẩu.
Có thể đơn vị quản lý xuất nhập cảnh được ủy quyền tạm thu khoản nợ thuế đó (căn cứ theo quyết định tạm hoãn xuất cảnh của cơ quan thuế đã đăng ký với cơ quan quản lý xuất nhập cảnh, cơ quan thuế và xuất nhập cảnh phối hợp thiết lập quy trình này).
Cách làm này vừa đảm bảo được nguồn thu nợ thuế nhưng cũng không gây thiệt hại cho người nợ thuế, vẫn đảm bảo tính nghiêm minh của chính sách quản lý thuế và có tác dụng cảnh tỉnh đối với người nợ thuế.
Trong bối cảnh hiện nay, khi đã xác định lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, thì các doanh nghiệp, cá nhân nợ thuế cần phải được xem trọng, với các biện pháp quản lý phù hợp, đúng mức, với phương châm thu được nợ thuế nhưng cũng thúc đẩy và tạo điều kiện cho người nợ thuế có được động lực phát triển.
Đó mới là đích đến quan trọng của chính sách thu thuế đồng hành cùng doanh nghiệp, vì mục tiêu kiến tạo và phát triển.
Nguồn: https://tuoitre.vn/nop-no-thue-khi-xuat-canh-giai-phap-mem-can-lang-nghe-20241019084628681.htm