Lần đầu Lễ hội Trà Đường Hoa được tổ chức quy mô lớn
Lễ hội Trà Đường Hoa là sự kiện văn hoá, xã hội, du lịch nhằm quảng bá thương hiệu trà Đường Hoa được huyện Hải Hà (Quảng Ninh) tổ chức thường niên kể từ năm 2018. Nhưng đây là lần đầu lễ hội được tổ chức với quy mô lớn.
Theo dự kiến ban đầu, Lễ hội Trà Đường Hoa năm 2024 được diễn ra hai ngày 14 và 15/9 tại cánh đồng chè thôn 8, xã Quảng Long, huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của bão số 3 (7/9) nên huyện đã hoãn thời gian tổ chức.
Thời gian tổ chức được chuyển sang ngày 26 và 27/10 tại xã Quảng Long, huyện Hải Hà. Lễ hội được tổ chức với 2 phần. Trong đó, phần lễ sẽ có các nghi lễ rước nước đầu nguồn, rước cây chè cổ thụ. Phần hội sẽ gồm nhiều hoạt động như: Giải đua xe đạp khám phá đồi chè và hồ Trúc Bài Sơn (xã Quảng Sơn), khai mạc không gian triển lãm giới thiệu sản phẩm trà và các sản phẩm OCOP ẩm thực của địa phương.
Trong khuôn khổ lễ hội sẽ diễn ra giải đua xe đạp khám phá đồi chè một số xã trên địa bàn huyện Hải Hà. Ảnh minh hoạ.
Trong khuôn khổ lễ hội còn có các hoạt động như: Triển lãm ảnh đẹp về Hải Hà, đồng diễn dân vũ trên nương chè, trình diễn nghệ thuật pha trà, thi hái chè, trình diễn trang phục áo dài, giải chạy xung quanh đồi chè.
Cũng trong chương trình, huyện Hải Hà còn tổ chức Chung kết Hội thi giọng hát hay huyện Hải Hà lần thứ II – 2024 và nhiều hoạt động thể thao dân gian truyền thống như: Kéo co, đẩy gậy và khai mạc giải bóng chuyền hơi các Câu lạc bộ miền Đông.
Hoạt động thi hái chè thu hút nhiều người xem và tham gia. Ảnh: Nguồn huyện Đầm Hà.
Lễ hội được tổ chức nhằm thu hút du khách, phát triển du lịch và tạo cơ hội cho các doanh nghiệp đầu tư vào khu vực. Đây cũng là dịp để nâng cao chất lượng sản phẩm Trà Đường Hoa và các sản phẩm OCOP, xây dựng các sản phẩm nông nghiệp, sinh thái đồi chè, qua đó thúc đẩy phát triển du lịch và kinh tế địa phương.
Từng là thức uống chính thức tại Hội nghị Paris năm 1973
Cây chè Đường Hoa đã có lịch sử phát triển 60 năm tại vùng đất Hải Hà. Theo Lịch sử Đảng bộ xã Quảng Long, năm 1963, trong nỗ lực tái cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi của Nông trường, cây chè trung du lá nhỏ được đưa từ Nông trường Quân Chu (tỉnh Bắc Thái khi đó) về để trồng thử nghiệm. Từ 5.000m2 chè đầu tiên ấy, cây chè chính thức được trồng đại trà trong suốt chục năm sau đó.
Đất trồng chè ở Hải Hà là những chân đồi thấp, lưng tựa núi, mặt hướng ra biển, nắng gió hài hoà, có mạch nước ngầm và lớp mặt tơi xốp, đó là yếu tố để cây chè Đường Hoa có hương vị không lẫn vào đâu được.
Trong những năm 70 của thế kỷ XX, hàng nghìn tấn chè Đường Hoa được chế biến và giao nộp cho Nhà nước nhằm phục vụ công nhân mỏ, nhân dân và xuất khẩu sang các nước Đông Âu.
Năm 1973, sản phẩm chè Đường Hoa của Hải Hà được Bộ Nông trường chọn làm sản phẩm mang đến Hội nghị Paris. Tại hội nghị này, cộng đồng quốc tế biết đến một thức uống của người Việt – chè Đường Hoa, đắng chát mà ngọt thơm, thanh thảo mà đượm vị, rất ôn nhu mà quyết liệt, khác biệt hoàn toàn với đồ uống phương Tây.
Đồi chè Đường Hoa xanh mát tốt tươi. Ảnh: Anh Tuấn (Phòng VHTT huyện Hải Hà).
Nổi tiếng là vậy, nhưng vùng chè ấy lại từng có một thời gần như bị xóa sổ. Đó là giai đoạn những năm 2014-2017, khi doanh nghiệp ngừng thu mua, giá chè xuống thấp, bà con đổ chè ra đường, hàng trăm hecta chè bỏ hoang, không ai chăm sóc, thu hái…
Ngoài ra, một số diện tích trồng chè bị người dân phá bỏ để trồng cây lâm nghiệp, cây dược liệu đã ảnh hưởng lớn đến diện tích trồng chè toàn huyện Hải Hà lúc bấy giờ.
Cây chè Đường Hoa mang lại đời sống khấm khá cho người nông dân Hải Hà. Ảnh: Cấn Đình Loan.
Do đó, để giữ gìn và phát triển thương hiệu chè Đường Hoa, huyện Hải Hà đã triển khai đề án tổng thể phát triển vùng chè tập trung chất lượng cao giai đoạn 2016-2020.
Theo đó, huyện Hải Hà hỗ trợ các mô hình đầu tư thâm canh diện tích chè kinh doanh theo quy trình VietGAP; dành nguồn lực cho sửa chữa, cải tạo, nâng cấp nhà xưởng; chuyển giao quy trình kỹ thuật, công nghệ chế biến; khuyến khích trồng những giống chè mới, có năng suất, chất lượng cao, khả năng chống chịu tốt với sâu bệnh như Ngọc Thúy, Hương Bắc Sơn, Kim Tuyên…
Đồng thời, Hải Hà cũng tăng cường sự phối hợp giữa người trồng chè với doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và các cơ quan quản lý để tạo sản lượng và giá trị ổn định cho cây chè.
Việc sản xuất chè ở Hải Hà đã tạo sinh kế ổn định cho 2.000 hộ dân với trên 5.000 lao động ở Hải Hà. Trong ảnh: Các lao động địa phương đang làm việc tại cơ sở sản xuất chè Dũng – Nga. Ảnh: Sông Bùi
Nhờ đó, từ đầu năm 2017, việc tiêu thụ chè của Hải Hà đã có dấu hiệu được cải thiện, các doanh nghiệp đã xuất được số lượng lớn sang các thị trường Nga, Trung Đông và Thổ Nhĩ Kỳ…
Để tiếp tục nâng cao vị thế cây chè, địa phương tiếp tục triển khai Dự án tái cơ cấu lại ngành chè huyện Hải Hà giai đoạn 2022-2025.
Theo đó, huyện Hải Hà khuyến khích người dân thâm canh chè theo tiêu chuẩn VietGAP, tạo vùng nguyên liệu cho chế biến cho chất lượng cao, chú trọng khâu thu hoạch chè búp tươi, hình thành thói quen thu hái chè đạt tiêu chuẩn “1 tôm 2-3 lá”… Đến nay, toàn huyện hiện có gần 40ha chè có chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAP. Huyện cũng có 3 cơ sở sản xuất chế biến chè quy mô lớn, 8 cơ sở vừa và nhỏ, 7 hộ sản xuất theo quy mô gia đình.
Với những nỗ lực từ chính quyền đến người dân và doanh nghiệp, thương hiệu Chè Đường Hoa nức tiếng một thời không chỉ là sản phẩm OCOP chủ lực huyện Hải Hà mà còn là 1 trong 12 sản phẩm OCOP chủ lực của tỉnh Quảng Ninh. Không chỉ xuất khẩu thô, các sản phẩm chè được chế biến tinh cũng đang ngày càng được người tiêu dùng trong nước ưa chuộng.
Nguồn: https://danviet.vn/quang-ba-thuc-uong-chinh-thuc-tai-hoi-nghi-paris-qua-le-hoi-tra-duong-hoa-nam-2024-20241019090411051.htm