Lãnh đạo TP Hải Phòng kiểm tra công tác khắc phục thiệt hại sau bão. (Ảnh: Nguyên An) |
(PLVN) – Nắm bắt được những thiệt hại, khó khăn của doanh nghiệp (DN) trên địa bàn sau bão số 3, TP Hải Phòng đã liên tiếp tổ chức các hội nghị, các buổi làm việc để lắng nghe, chia sẻ, tìm các giải pháp tháo gỡ cho DN.
Ông Lê Trung Kiên, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng (BQL) cho biết, có khoảng 250/589 DN trong các khu công nghiệp (KCN, chiếm khoảng hơn 40%) bị thiệt hại sau bão số 3 với số tiền ước gần 1.600 tỷ đồng. BQL đã thành lập nhiều đoàn công tác trực tiếp khảo sát, kiểm tra, nắm bắt tình hình tại DN, kịp thời chỉ đạo, phối hợp các cơ quan liên quan và hướng dẫn, động viên DN khắc phục hậu quả do bão gây ra; nhanh chóng đảm bảo cung cấp nguồn điện, nước, giao thông thông suốt.
BQL đã tổ chức cuộc họp với đại diện lãnh đạo các Cty bảo hiểm, đề nghị đẩy nhanh quá trình thẩm định đánh giá thiệt hại sau bão số 3 với các DN tại các KCN trên địa bàn; tạo điều kiện để các DN hoàn thành quá trình thẩm định bồi thường bảo hiểm trong thời gian sớm nhất có thể. Đồng thời, BQL làm việc với các Cty kinh doanh hạ tầng KCN để tìm hướng, giải pháp hỗ trợ các DN thứ cấp trong KCN bị thiệt hại sau bão.
Với các DN bị hư hại thiết bị máy móc, BQL cung cấp các thông tin, phối hợp Cục Hải quan tạo điều kiện và rút ngắn thời gian thông quan, nhập khẩu các vật tư, vật liệu, thiết bị máy móc để cung cấp cho các DN kịp thời sửa chữa các hạng mục công trình bị ảnh hưởng sau bão. Gửi thông tin đến các cơ quan Thuế, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Hải Phòng, Ngân hàng Chính sách xã hội, BHXH… để các cơ quan chức năng kịp thời phối hợp hỗ trợ.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Tổng cục Thuế, Cục Thuế Hải Phòng khẩn trương triển khai các hướng dẫn chi tiết về chính sách miễn, giảm thuế cho các DN bị thiệt hại. Các loại thuế được áp dụng miễn giảm bao gồm thuế thu nhập DN, thuế giá trị gia tăng, thuế tài nguyên, thuế sử dụng đất…
Theo lãnh đạo Cục Thuế, quy định về hồ sơ miễn, giảm thuế đòi hỏi người nộp thuế phải cung cấp các chứng từ liên quan giá trị thiệt hại, gồm tài liệu từ cơ quan tài chính hoặc cơ quan giám định độc lập. Cục Thuế cam kết sẽ đồng hành trong suốt quá trình này, bảo đảm mọi thủ tục được xử lý nhanh chóng, chính xác; luôn sẵn sàng hỗ trợ tối đa.
Lãnh đạo Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước cho biết, theo báo cáo của các tổ chức tín dụng thì có 13.181 khách hàng trên tổng dư nợ bị ảnh hưởng sau bão với hơn 27.097 tỷ đồng, trong đó Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh Hải Phòng có tới 11.769 khách hàng với tổng dư nợ bị ảnh hưởng 530 tỷ đồng. Tập trung ở các ngành nghề nông – lâm – thủy sản; thương mại và dịch vụ; công nghiệp và xây dựng. Riêng các lĩnh vực khác, kinh doanh nhỏ lẻ, y tế, giáo dục chỉ chiếm 0,1% dư nợ bị ảnh hưởng của bão.
Để triển khai các giải pháp hỗ trợ, chi nhánh Ngân hàng Nhà nước cũng đã chỉ đạo các đơn vị triển khai các biện pháp về thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, xem xét miễn giảm lãi vay cho các khách hàng bị thiệt hại; xây dựng các chương trình tín dụng mới với lãi suất phù hợp, tiếp tục cho vay mới với khách hàng để khôi phục sản xuất kinh doanh sau bão.
Theo thống kê, tăng trưởng GRDP 9 tháng của TP tăng 9,77%, đứng thứ 8 cả nước và thứ 2 khu vực Đồng bằng sông Hồng. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 14,09%; thu ngân sách nhà nước 87.822 tỷ đồng, tăng 34,3% so với cùng kỳ. Thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) đạt 1,78 tỷ USD, giảm 41,73% so với cùng kỳ (bằng 89% kế hoạch năm)…
Mới đây, tại Hội nghị Thành ủy Hải Phòng lần thứ 17, Ban Chấp hành Đảng bộ TP thống nhất phấn đấu năm 2024 giữ vững tốc độ tăng trưởng GRDP hai con số. Để bảo đảm mục tiêu này, Bí thư Thành ủy Lê Tiến Châu đề nghị toàn TP tập trung các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các DN phục hồi sản xuất sau bão Yagi, tạm dừng các cuộc thanh, kiểm tra, hỗ trợ thực hiện thủ tục thanh toán bảo hiểm với các thiệt hại sau bão, hỗ trợ chính sách tín dụng, thủ tục xuất nhập khẩu.
Ban Cán sự Đảng UBND TP chỉ đạo thành lập các tổ công tác làm việc với các DN, để thăm hỏi, động viên, giải quyết các khó khăn, vướng mắc. Cùng với đó, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu hoàn thành kế hoạch năm; ưu tiên giải quyết thủ tục cho các dự án, nhiệm vụ liên quan giải phóng mặt bằng, đấu giá đất; khẩn trương giải ngân nguồn vốn ủy thác 150 tỷ đồng từ ngân sách TP sang Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay phục hồi sản xuất nông nghiệp, thủy sản…
Bí thư Thành ủy yêu cầu Ủy ban MTTQ TP và các tổ chức chính trị – xã hội giám sát công tác hỗ trợ khắc phục hậu quả cơn bão số 3; tập trung vận động các tầng lớp Nhân dân tham gia xây dựng các công trình nông thôn mới kiểu mẫu, nông thôn mới nâng cao theo kế hoạch của TP…
Nguồn: https://baophapluat.vn/hai-phong-nhieu-bien-phap-ho-tro-doanh-nghiep-bi-anh-huong-do-bao-so-3-gay-ra-post528574.html