Những chiếc vòng đeo tay…lạ lùng
Việc phát hiện khu mộ táng này là từ thời sơ sử, cách đây khoảng 3.500 năm, có quy mô lớn nhất từ trước tới nay với hơn 100 ngôi mộ. Nhiều bộ hài cốt còn khá nguyên vẹn cùng những đồ gốm tùy táng ở ngay dưới chân di cốt đã hé lộ nhiều thông tin cho các nhà khảo cổ, đặc biệt là tục nhổ răng cửa và đeo vòng đá lên tới tận khuỷu tay.
PGS TS. Nguyễn Lân Cường cho biết, ông đã làm khảo cổ 60 năm nhưng đây là lần đầu tiên thấy một khu di chỉ mà có nhiều mộ táng đến như vậy, đặc biệt là một số tập tục lần đầu tiên thấy ở Việt Nam. Một số bộ di cốt, các nhà khảo cổ đều thấy bị mất răng cửa số 2 và số 4, một số bộ hài cốt nhổ toàn bộ răng cửa. Còn cách họ đeo vòng cũng vậy, rất lạ và độc đáo.
“Tôi làm bao nhiêu năm khảo cổ nhưng chưa bao giờ thấy người ta đeo vòng đá tận trên khuỷu tay, thậm chí cả trên bắp tay. Ở Ấn Độ thì có rồi nhưng ở Việt Nam đây là lần đầu tiên có tục đeo vòng như thế”, PGS TS. Nguyễn Lân Cường cho biết.
Cùng chung sự bất ngờ, GS. TS Lâm Mỹ Dung (trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, các di cốt khai quật cho thấy có một tục rất lạ, đó là tục nhổ răng cửa ở cả hàm trên và hàm dưới của người ở thời kỳ Phùng Nguyên muộn và Đồng Đậu sớm. Vì vậy, chúng ta có thể so sánh với các di cốt ở Xóm Dền, Mán Bạc đều là những di cốt tương đương niên đại tức là khoảng 3.500 năm cách ngày nay.
Còn về tục đeo vòng, theo GS. TS Lâm Mỹ Dung, ở đây có hai tục đeo vòng, một là đeo trước khi chôn, và cũng có trường hợp khi chôn rồi mới đặt thêm vòng cho các cụ. Đó cũng là những chi tiết rất được các nhà khảo cổ chú ý.
Về những đồ gốm tùy táng dưới chân di cốt, ông Cường cho rằng sẽ giúp các nhà khảo cổ nghiên cứu xem họ ở thời kỳ nào. Ví như trong một ngôi mộ, dựa vào đồ gốm tùy táng là gốm Phùng Nguyên hay Đồng Đậu thì chúng tôi nhận định đây là giai đoạn cuối Phùng Nguyên và Đồng Đậu sớm.
Tuy nhiên, PGS TS. Nguyễn Lân Cường cho rằng, tất cả các thông tin này chỉ là sơ bộ ban đầu.
Dấu vết kiến trúc của nhà dài
Trong các di vật khảo cổ lần này, cùng với vũ khí, công cụ lao động và rất nhiều đồ trang sức…thì dấu vết của kiến trúc nhà, nơi cư trú của người Việt cổ thời kỳ tiền Đông Sơn cũng được hé lộ. Đó là hàng loạt vết lỗ chôn cột lần đầu tiên được tìm thấy duy nhất ở khu Di chỉ Vườn Chuối, cho thấy người Việt cổ dường như đã từng sống trong những ngôi nhà dài, có kiến trúc như các ngôi nhà dài ở Tây Nguyên.
GS. TS Lâm Mỹ Dung cho biết, các nhà nghiên cứu đã dựng lại được cấu trúc của hai kiến trúc nhà dài. Những kiến trúc của nhà dài này có khá nhiều đặc điểm giống như nhà dài của đồng bào Tây Nguyên hiện nay.
“Dựa vào một số hiện vật bước đầu chúng tôi đoán định, trong giai đoạn tiền Đông Sơn có hai nhóm mộ, nhóm mộ thứ nhất là Phùng Nguyên muộn, Đồng Đậu sớm và nhóm mộ thứ hai là nhóm mộ Đồng Đậu – Gòn Mun. Trong một quy luật chung thì tất cả những ngôi mộ tiền Đông Sơn này đồ gốm tùy táng theo đều được đặt dưới chân. Chỉ có một ngôi mộ đồ gốm đặt dưới vai, theo đoán định ngôi mộ này sang giai đoạn Gò Mun”, GS.TS Lâm Mỹ Dung cho biết đồng thời chia sẻ thêm rằng, thực tế khai quật cho thấy, các mộ ở đây thường theo một quy luật, đầu thì ở trên cao, chân ở dưới thấp.
GS. TS Lâm Mỹ Dung cũng cho biết, đây chỉ là báo cáo sơ bộ, còn rất nhiều ngôi mộ mới chỉ xuất lộ ra thôi, chúng ta chưa làm tiếp. Vì thế cũng còn nhiều bí ẩn đang nằm dưới lòng đất, cần được tiếp tục nghiên cứu.
“Lần khai quật này cho thấy tầm quan trọng của Di chỉ có nhiều tầng văn hóa lại sát ngay Hà Nội, trong một khu vực bị đô thị hóa rất nhanh”, GS. TS Lâm Mỹ Dung cho biết đồng thời cũng chia sẻ thêm, việc nghiên cứu hậu khai quật rất quan trọng. Không phải chúng ta khai quật khi thấy hiện vật là xong. Sắp tới phải có những động thái về mặt pháp lý cũng như sự chung tay của cộng đồng và các nhà khoa học để chúng ta có thể giữ lại Di chỉ khảo cổ học này. Khai quật, phát triển khảo cổ học bền vững, dành tài nguyên cho thế hệ mai sau.
Công viên di sản – tại sao không?
Vườn Chuối đã được khai quật tính đến nay là 10 lần. Qua những lần khai quật các nhà nghiên cứu, khảo cổ học cũng đoán định ra được việc cư dân đã đến khu vực này sinh sống. Từ cách người ta cải tạo mặt bằng, đặc biệt là đời sống sinh hoạt của cư dân tiền Đông Sơn và Đông Sơn cách đây hơn 3.000 năm.
Với tầm quan trọng như vậy nên Di chỉ Vườn Chuối đã nhận được nhiều sự quan tâm của cộng đồng cũng như các nhà khoa học.
“Lần đầu tiên cũng lâu lắm rồi chúng ta mới có một địa điểm khai quật trên diện tích rất rộng, 6.000 m2, đấy có thể nói là niềm mơ ước của các nhà khảo cổ, để nhận diện ra được một khu vực làng cổ có quá trình chiếm cư trên 3.000 năm. Với một diện tích rộng như vậy nên chúng tôi đã nhận diện khá nhiều dấu tích sinh hoạt và dấu vết cải tạo mặt bằng cũng như sự biến đổi về môi trường đã tác động thế nào đến cuộc sống con người”, GS. TS Lâm Mỹ Dung chia sẻ.
Khu Di chỉ Vườn Chuối từng được khai quật vào năm 1969, trải qua nhiều lần khai quật tiếp theo, đến năm 2021 đã được khoanh vùng bảo vệ, và đợt khai quật này là đợt khai quật lớn nhất, khẳng định giá trị đặc biệt quý hiếm của di chỉ này bởi nó mang trong mình rất nhiều những câu chuyện trải dài theo cả nghìn năm dựng nước, xuyên qua 4 nền văn hóa lớn là Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun và Đông Sơn. Hiện ngoài Vườn Chuối, cả nước chỉ còn di tích Đồng Đậu ở Phú Thọ còn lưu lại dấu tích của thời sơ sử này.
Những kết quả khai quật lần này đã bổ sung đầy đủ chứng cứ khẳng định rằng, con người đã có mặt rất sớm ở khu vực Hà Nôi ngày nay, tức là cách đây khoảng 3.500 năm.
Tại cuộc hội thảo báo cáo kết quả khảo cổ tại di chỉ Vườn Chuối ngày 18/10, các nhà khoa học đã khẳng định giá trị to lớn của di chỉ khảo cổ này đồng thời kiến nghị các phương án gìn giữ, bảo tồn và phải thúc đẩy nhanh việc làm hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích cấp thành phố cho di chỉ. Một số nhà khoa học gợi ý, sau khi xếp hạng di tích, hoàn toàn có thể biến nơi đây thành công viên văn hóa khảo cổ.
Nguồn: https://daidoanket.vn/nhung-he-lo-bat-ngo-tu-di-chi-vuon-chuoi-10292633.html