Bản đồ Thăng Long thời Hồng Đức. (Ảnh: TTLTQG 1)
Từ “Cửa ô” trong tiếng Việt vốn được dịch từ Ô môn 塢門 trong tiếng Hán. Từ “môn” có nghĩa là “cửa”. Từ “ô” được cấu tạo bởi hai bộ phận: bộ phận chỉ ý (là bộ thổ) và bộ phận chỉ âm (ô). Theo các từ điển: Khang Hi tự điển, Từ nguyên, Từ hải, Hán ngữ từ điển đều giải thích ý nghĩa của từ “ô”, còn âm đọc là “ổ” là: khu đất trũng, chung quanh đắp cao tạo thành vật che chắn; là nơi cư trú của các loại vật (như ổ gà, ổ chó); là lũy đất bao vây làng xóm để ngăn chặn sự xâm phạm từ bên ngoài vào (thôn ổ, trúc ổ). Từ “ô” còn có ý nghĩa là cửa giao tiếp từ bên trong với bên ngoài.
Quang cảnh phố Jean Dupuis xưa. (Ảnh: EFEO – Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 1)
Tên gọi các cửa ô là căn cứ vào tên các thôn xã có cửa ô đặt vào. Mỗi cửa ô lại có đặc trưng riêng biệt nên bên cạnh đó còn có tên gọi dân gian như cửa ô Thịnh Quang còn gọi là ô Cầu Dừa.
Thời xưa, đây là các cửa ra vào kinh thành. Ban đêm, tại các cửa ô đều có tuần phiên canh gác. Một điểm đặc biệt khác là, phần lớn các cửa ô đều thông ra sông Hồng và sông Tô Lịch. Phía tây có 2 cửa, phía nam có 3 cửa ra sông Tô Lịch; lối ra sông Hồng có 11 cửa. Lý do là bởi thời đó, đường giao thông nối Thăng Long với các vùng khác chủ yếu là đường sông. Dọc sông Hồng có nhiều bến, phố xá đông đúc, nhiều hiệu buôn lớn của người Việt và người nước ngoài đã tập trung tại đây.
Dưới triều Nguyễn, Thăng Long – Hà Nội biến đổi về vai trò và nhiều lần được điều chỉnh quy hoạch không gian.
Theo “Bắc thành dư địa chí” soạn hồi đầu thế kỷ XIX, Hà Nội từng có 21 cửa ô. Khi nhà Nguyễn hạ cấp kinh thành Thăng Long xuống chỉ còn là Bắc thành thuộc tỉnh Hà Nội, số cửa ô chỉ còn 16.
Trong bản đồ Tòa thành Hà Nội (thành đất) do hai ông Lê Đức Lộc và Nguyễn Công Tiến vẽ năm 1831 có ghi vị trí và tên của 16 cửa ô. Ngoài ra, trên tòa thành đất bao bọc vòng ngoài còn xác định được 2 cửa ô là Trung Hiền (ở ngã tư Bạch Mai – Đại La – Trương Định – Minh Khai) và cửa ô Tây Dương (ở trước cây cầu Giấy bắc qua sông Tô).
Một góc chợ Bưởi xưa. (Ảnh: EFEO – Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 1)
Nhưng đến bản đồ tỉnh thành Hà Nội vẽ năm 1866, đời vua Tự Đức thì chỉ còn 15 Cửa ô và không còn Cửa ô Nhân Hòa. Điều đáng chú ý là nhiều cửa ô đã mang tên mới: Yên Hoa thành Yên Phụ, Yên Tĩnh thành Yên Định, Thạch Khối thành Nghĩa Lập, Phúc Lâm thành Tiền Trung, Tây Luông thành Trường Long (hoặc Cựu Lâu), Thanh Lãng thành Lãng Yên, Yên Ninh thành Thịnh Yên, Kim Hoa thành Kim Liên, Thịnh Quang thành Thịnh Hào. Tên gọi các cửa ô được đặt theo tên các thôn xã ở đó nên số lượng và tên gọi các cửa ô cũng thay đổi theo tên các làng xã xưa ở Hà Nội.
Và số lượng 15 cửa ô vẫn giữ nguyên trên bản đồ Hà Nội năm 1873, tên các cửa ô được thể hiện bằng hai ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Pháp và được đánh số từ 01 đến 15.