Hà Nội từ bao đời đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho văn học nghệ thuật, trong đó có âm nhạc. Có một số lượng không nhỏ các ca khúc nổi tiếng về Hà Nội đều được phổ từ những bài thơ. Có thể kể đến nhiều ca khúc của nhạc sĩ Phú Quang như: Hà Nội ngày trở về (thơ Thanh Tùng), Em ơi Hà Nội phố (thơ Phan Vũ), Im lặng đêm Hà Nội (thơ Phạm Thị Ngọc Liên), Chiều phủ Tây Hồ (thơ Thái Thăng Long), Mơ về nơi xa lắm (thơ Thái Thăng Long), Hà Nội khi thu chớm đông sang (thơ Chu Hoạch), Lãng đãng chiều đông Hà Nội (thơ Tạ Quốc Chương). Và những ca khúc khác được đông đảo công chúng cả nước biết tới như: Hà Nội mùa vắng những cơn mưa (Trương Quý Hải phổ thơ Bùi Thanh Tuấn), Có phải em mùa thu Hà Nội (Trần Quang Lộc phổ thơ Tô Như Châu).
Có một điều dễ nhận thấy là trong hầu hết các ca khúc kể trên, nhạc sĩ và tác giả lời thơ đều là những người bạn quen biết nhau, thậm chí rất thân tình. Có chơi với nhau, yêu mến nhau thì mới dễ có những đồng điệu, đồng cảm, mới phổ thơ của nhau để làm dày thêm những kỷ niệm của tình bằng hữu. Thế nhưng ngày hôm nay, tôi muốn kể với độc giả một trường hợp phổ thơ thật đặc biệt, khi người nhạc sĩ chưa biết một chút nào về thông tin tác giả bài thơ, đương nhiên chưa một lần gặp mặt. Vậy mà một ca khúc thật hay về Hà Nội đã ra đời. Đó là bài hát Viết cho mùa đông của nhạc sĩ Nhị Độ, phổ thơ Trần Thị Bích Thủy.
Báo Hà Nội mới cuối tuần thập niên 90 của thế kỷ trước luôn có một trang thơ. Và trong số báo ra ngày 14 tháng 3 năm 1998 có bài thơ mang tên Viết cho mùa đông của tác giả Trần Thị Bích Thủy. Nguyên văn bài thơ như sau:
Xa rồi anh mới thấy yêu hơn
Cái rét ngọt của mùa đông Hà Nội
Cây sấu già bên đường ngơ ngác
Cho một chiều lá ngả nghiêng rơi
Mùa đông nào là mùa đông xa em
Xa từng góc phố thân quen
Xa quán cà phê Nguyễn Du nồng nàn hoa sữa
Em sẽ cùng ai ngồi đó
Khi thành phố vào đêm
Những nỗi buồn ở phía không em
Là tiếng dương cầm vang qua từng ô cửa
Nốt nhạc cuối cùng ngân trong gió
Chút se mùa cũng đủ để rưng rưng
Anh nhớ về một mùa đông
Hoa sữa vương muộn màng nơi góc phố
Heo may còn trải dài trên lối nhỏ
Hà Nội trong anh đã trở gió mùa.
Rất ngẫu nhiên, trang báo có bài thơ đến tay nhạc sĩ Nhị Độ, khi ấy anh đang là sinh viên khoa Báo chí, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ca khúc phổ thơ đã nhanh chóng được hình thành, giữ lại gần như nguyên vẹn phần lời bài thơ. Giai điệu Mi thứ mượt mà, ngọt ngào dẫn dắt người nghe vào một câu chuyện tình yêu đầy cảm xúc của một lứa đôi xa cách. Nhiều anh em bè bạn cùng lớp với Nhị Độ đều yêu thích bài hát. Viết cho mùa đông tiếp tục lan tỏa rộng hơn, đến với sinh viên các khoa khác trong trường đại học và rồi cứ thế được nhiều bạn trẻ biết đến. Năm 2000, kỷ niệm 10 năm thành lập khoa Báo chí, Nhị Độ đã ôm đàn lên sân khấu đệm cho người bạn cùng lớp của mình là Nguyễn Trường Giang hát ca khúc Viết cho mùa đông trong tiếng vỗ tay sôi động của bè bạn, thầy cô và sau đó là nỗi xúc động rưng rưng của những người nghe. Sau khi tốt nghiệp khoa Báo chí, năm 2004, Nhị Độ về công tác tại Ban Âm nhạc, Đài Tiếng nói Việt Nam. Ca khúc Viết cho mùa đông đã được nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Trưởng ban âm nhạc khi ấy, ký duyệt để đưa vào sản xuất. Nhạc sĩ Doãn Nguyên chịu trách nhiệm phối khí cho ca khúc. Từ Mỹ gọi điện về cho tôi, nhạc sĩ Doãn Nguyên bồi hồi nhớ lại: “Khi đó tôi thực sự bất ngờ vì không nghĩ Nhị Độ trẻ như thế. Nhiều nhạc sĩ khi viết bản phối sẽ chỉ quan tâm đến nhạc mà không để ý mấy về lời. Nhưng trong trường hợp này tôi đọc rất kỹ lời ca khúc bởi đây là một bản nhạc phổ thơ. Nhị Độ đã chạm được vào hồn thơ để viết nên một giai điệu thật trong sáng, mềm mại, đúng là rung động của người chớm yêu. Tôi đã cố tình dùng thật nhiều dàn dây trong bản phối để tăng thêm độ bay bổng, da diết. Đây là một ca khúc thành công của Nhị Độ ngay từ chặng đầu sáng tác nhạc”.
Ca khúc sau khi viết phối khí xong đã được NSƯT Đức Long thể hiện cùng dàn nhạc. Bản thu âm của NSƯT Đức Long tại phòng thu M – phòng thu tốt nhất của Đài Tiếng nói Việt Nam khi ấy nhanh chóng được lan truyền trên mạng xã hội, được nhiều trang web âm nhạc đăng tải lại, cùng với các nền tảng khác như Youtube, Facebook… Điều làm Nhị Độ băn khoăn canh cánh mãi, đó là vẫn chưa biết Trần Thị Bích Thủy là ai. Khi nghe có người nói đây là một tác giả sống trong Đà Lạt, Nhị Độ đã vài lần bay vào Đà Lạt dò tìm thông tin mà vẫn bặt vô âm tín.
Nhiều năm qua đi, anh em bè bạn cùng Nhị Độ vẫn hát vang ca khúc Viết cho mùa đông trong mỗi lần hội ngộ, mỗi khi trà dư tửu hậu. Dù sau này Nhị Độ có viết thêm hàng trăm ca khúc khác song anh không bao giờ quên dấu ấn đặc biệt của Viết cho mùa đông. Sau Nguyễn Trường Giang, một người bạn nữa thể hiện rất hay ca khúc này là nhà thơ – nhà báo Khánh Văn Trần Nhật Minh, cựu sinh viên K44 Báo chí trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Thật vô tình, hoàn cảnh của Nhật Minh sau khi ra trường giống y như nhân vật trữ tình trong ca khúc. Tốt nghiệp khoa Báo chí, Nhật Minh vào TP Hồ Chí Minh công tác tại báo Khoa học phổ thông. Bạn gái anh, khi ấy, vẫn còn đang tiếp tục học năm cuối tại trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Vậy là không biết bao nhiêu lần ca khúc đã vang lên qua điện thoại khi Nhật Minh hát cho người yêu anh ở Hà Nội. Bao nhiêu giọt nước mắt nhớ thương đã rơi xuống cho nỗi cách xa.
Bài hát với giai điệu ngọt ngào sâu lắng, với ca từ thật đẹp cứ thế thấm đẫm trong lòng anh em bè bạn của Nhị Độ. Mọi người đều thầm cảm ơn tác giả bài thơ mà không biết nàng ở đâu. Không chỉ Nhật Minh mà nhiều anh em bè bạn khác của Nhị Độ như nhà thơ nhà báo Nguyễn Quang Hưng, nhà thơ Trương Xuân Thiên, nhạc sĩ Dương Hồng Kông, và tôi nữa đều cố gắng tìm kiếm thông tin về Trần Thị Bích Thủy suốt bao nhiêu năm qua. Thế rồi may sao vào những ngày giữa tháng 9 này, tôi vô tình biết được người phụ trách trang thơ báo Hà Nội mới cuối tuần ngày ấy chính là nhà thơ – nhà báo Vương Tâm. Nhắn tin hỏi ông về trang thơ và bài thơ của Trần Thị Bích Thủy, ông nhanh chóng gửi tôi trang Facebook của nữ tác giả. Nhắn tin và trò chuyện với Bích Thủy, tôi bất ngờ khi biết Thủy cũng là cựu sinh viên khoa Báo chí, k37, Đại học Tổng hợp Hà Nội. Và Thủy chưa hề biết bài thơ của mình được phổ nhạc dù chị là người phụ trách lĩnh vực kiểm duyệt nội dung, bản quyền cho dịch vụ di động của mạng Vinaphone, trong đó có dữ liệu âm nhạc lên tới hàng chục nghìn bài hát. Sau khi nghe bản thu âm của NSUT Đức Long và cả clip do nhà thơ – nhà báo Khánh Văn Trần Nhật Minh thể hiện, Thủy vô cùng xúc động và mong có một ngày nào đó được gặp nhạc sĩ Nhị Độ.
Tôi đã sắp lịch cho cuộc hẹn đầy ấm áp và cảm động này, đúng trong một ngày Hà Nội trở gió mùa. Ngày hôm nay, Viết cho mùa đông đã vang lên nhiều lần trong sự chứng kiến của anh em bè bạn. Chúng tôi hát cho cả hai người bạn đã đi xa, đó là Nguyễn Trường Giang và Trần Nhật Minh, hai người bạn ấy cũng từng ao ước được gặp tác giả lời thơ mà chưa bao giờ gặp được.
Vậy là sau 26 năm trời, lần đầu tiên người phổ nhạc và người làm thơ được gặp nhau trong niềm xúc động dâng trào của cả hai bên. Tôi tin cuộc gặp gỡ này sẽ tạo thêm động lực lớn để Nhị Độ sớm xuất bản CD của mình. Còn Bích Thủy sẽ tìm lại sổ thơ ngày xưa với nhiều bài thơ chưa công bố cũng như viết thêm những bài thơ mới. Và như Thủy nói, bản viết tay bài thơ Viết cho mùa đông vẫn còn nguyên vẹn…
Nguồn: https://daidoanket.vn/26-nam-cho-mot-lan-hoi-ngo-10292586.html