Chia sẻ trực tuyến về kỳ thi đánh giá tư duy năm 2025, PGS.TS Vũ Duy Hải – Trưởng ban Tuyển sinh và Hướng nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội – cho biết: “Kỳ thi giữ ổn định về cấu trúc, nội dung và hình thức thi”.
Những thay đổi đáng kể nhất liên quan tới vấn đề công nghệ nhằm giúp hỗ trợ thí sinh làm bài thi tốt hơn và thuận tiện trong việc nộp hồ sơ xét tuyển đại học.
Cụ thể, cấu trúc bài thi giữ nguyên 3 phần với tổng điểm tối đa là 100. Trong đó, 2 phần thi Tư duy toán học và Tư duy khoa học giải quyết vấn đề có tỷ trọng cao hơn, mỗi phần thi 60 phút và tối đa là 40 điểm. Còn lại, phần Tư duy đọc hiểu có 30 phút thi, tối đa 20 điểm.
Cách tính điểm trong bài thi đánh giá tư duy khác với các bài thi đánh giá năng lực khác.
Theo đó, kết quả bài thi của thí sinh sẽ hiện tổng điểm và tổng số câu đúng của mỗi thành phần. Tuy nhiên, với cùng số câu đúng, các thí sinh có thể có số điểm không giống nhau.
Điều này phụ thuộc vào việc số câu đúng ở vị trí mức tư duy nào trong mỗi thành phần cũng như số lượng thí sinh trả lời đúng câu hỏi đó.
Hệ thống đo lường theo chuẩn quốc tế mà kỳ thi áp dụng sẽ căn cứ trên nhiều tham số khác để quy đổi điểm cho từng câu hỏi.
Tuy nhiên, điểm thi cũng được đo lường giữa các đợt thi. Do đó, thí sinh sẽ không phải lo ngại về sự thiếu công bằng khi mức độ khó, dễ của các bài thi theo từng đợt thi khác nhau.
Với dạng thức câu hỏi đúng sai có bảng, thí sinh trả lời sai một ý thì sẽ không được chấm điểm cả câu.
Trong bài thi đánh giá tư duy, thời gian làm bài nhanh hay chậm không ảnh hưởng đến kết quả bài thi. Thí sinh chỉ cần sử dụng hiệu quả quỹ thời gian tối đa của từng phần để giải quyết tốt nhất, nhiều nhất số câu hỏi.
Như các năm trước, các câu hỏi sẽ không đi chi tiết vào kiến thức của một môn học cụ thể nào mà chủ yếu đưa ra các ngữ liệu để thí sinh vận dụng tư duy, kinh nghiệm đã tích lũy để giải quyết một vấn đề khoa học.
Do vậy, thí sinh không cần học thuộc lòng các công thức, định lý phức tạp hoặc quá khó của các môn vật lý, hóa học, sinh học mà chỉ cần đánh giá câu hỏi và phân tích ngữ liệu đã cho để giải quyết yêu cầu đề bài.
Nếu như trong câu hỏi có cần sử dụng công thức nào khác ngoài kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa, đề bài sẽ cung cấp ngay trong ngữ liệu. Điều này đảm bảo thí sinh không học sâu các môn lý – hóa – sinh vẫn có thể đưa ra phương án trả lời chính xác.
PGS.TS Vũ Duy Hải cũng cho biết, các kiến thức trong chương trình cũ, nếu không xuất hiện trong chương trình mới thì cũng sẽ không xuất hiện trong bài thi đánh giá tư duy.
Ngân hàng câu hỏi đánh giá tư duy 2025 sẽ được rà soát và điều chỉnh, để đảm bảo bám sát chương trình giáo dục phổ thông 2018. Những câu hỏi có chứa kiến thức không có trong chương trình mới sẽ được loại bỏ.
Năm nay, Đại học Bách Khoa Hà Nội sẽ cung cấp các bài thi online trên hệ thống thi thử của kỳ thi đánh giá tư duy để thí sinh trải nghiệm, luyện kỹ năng làm bài cũng như có một nguồn ôn tập chính thống trước khi thi thật.
Bên cạnh đó, giấy chứng nhận kết quả thi sẽ được bổ sung thêm hình thức là gửi file ký số trên tài khoản của thí sinh, giúp thí sinh thuận tiện hơn trong việc sử dụng kết quả thi để nộp hồ sơ xét tuyển vào các trường đại học.
Căn cứ trên phổ điểm và điểm trúng tuyển đại học các năm trước, PGS.TS Vũ Duy Hải nhận định, với điểm đánh giá tư duy đạt từ 70 trở lên, thí sinh đỗ hầu hết các trường đại học.
Với điểm 80 trở lên, thí sinh có cơ hội cao trúng tuyển vào các ngành, chương trình đào tạo cạnh tranh nhất của Đại học Bách khoa Hà Nội.
Dự kiến vào cuối tháng này, nhà trường sẽ xuất bản cẩm nang chính thống về kỳ thi đánh giá tư duy năm 2025.
Trong đó, trường sẽ hướng dẫn chi tiết về nội dung câu hỏi, cách phân tích câu hỏi, các phương pháp làm bài để đạt kết quả tốt nhất.
Hiện có khoảng 40 trường đại học sử dụng kết quả bài thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội trong xét tuyển đầu vào, trong đó có nhiều trường tốp đầu như: Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Trường Đại học Dược, Học viện Tài chính, Trường Đại học Thương mại…
Nguồn: https://dantri.com.vn/giao-duc/thi-danh-gia-tu-duy-dai-hoc-bach-khoa-ha-noi-nam-2025-co-gi-thay-doi-20241017144638185.htm