Báo cáo Phó Thủ tướng về giải ngân đầu tư công, ông Phan Văn Mãi – Chủ tịch UBND TPHCM cho hay, năm 2024, Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch vốn cho thành phố là 79.263 tỷ đồng, thành phố đã giao vốn 100% và tính đến thời điểm này đã giải ngân 16.871 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 21,29%.
Ông Phan Văn Mãi thừa nhận, lệ này rất thấp so với kế hoạch của thành phố và mức trung bình chung của cả nước. Nguyên nhân, do đặc thù của thành phố có nguồn vốn lớn và chậm bố trí nguồn vốn trong trung hạn nên công tác chuẩn bị đầu tư chậm.
Hiện, thành phố còn 63.000 tỷ đồng vốn đầu tư cần giải ngân từ nay đến cuối năm, trong đó nằm ở khâu giải phóng mặt bằng khoảng 30.000 tỷ đồng. Lãnh đạo thành phố khẳng định, đã chia thành các nhóm để giải ngân số vốn còn lại. “TPHCM vẫn kiên trì chỉ tiêu là giải ngân 95% mặc dù phải tính từng ngày để có thể đạt được mục tiêu đó”, ông Mãi nói.
Đại diện tỉnh Bình Dương cho hay, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng vẫn là điểm nghẽn ảnh hưởng đến tiến độ thi công các dự án. Trình tự, thủ tục thực hiện công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư các dự án kéo dài, phức tạp, chính sách bồi thường, hỗ trợ chưa phù hợp với thực tế.
Ngoài ra, công tác phối hợp trong giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho các đơn vị chủ đầu tư có lúc, có nơi còn chưa kịp thời, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các công trình.
Trước đó, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung thông tin, tổng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2024 được Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ giao cho 6 địa phương trong vùng Đông Nam bộ là hơn 128.580 tỷ đồng.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, nguyên nhân chậm giải ngân vẫn là do công tác tổ chức triển khai thực hiện tại các địa phương còn bất cập. Cùng mặt bằng pháp lý, có Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương giải ngân tốt và ngược lại.
Theo số liệu giải ngân của Bộ Tài chính, tổng số vốn ước giải ngân đến 30/9 của 6 địa phương trong vùng là hơn 45.594 tỷ đồng, đạt 35,46% kế hoạch.
Phó Thủ tướng Lê Thành Long khẳng định, tỷ lệ giải ngân của 6 địa phương vùng Đông Nam bộ (thuộc diện kiểm tra, đôn đốc của Tổ Công tác số 3) còn thấp, tính chung mới đạt 35,46%, thấp hơn mức bình quân chung cả nước (47,29%). Do đó, các địa phương phải quyết tâm hơn, bám sát các giải pháp để triển khai tốt hơn.
Phó Thủ tướng yêu cầu, các địa phương tập trung rà soát, phân loại, đánh giá sát hơn các khó khăn, vướng mắc, những vấn đề gì thuộc thẩm quyền của mình thì quyết liệt khắc phục.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng lưu ý các địa phương tăng cường công tác phối hợp, năng lực điều phối cũng như trách nhiệm của cán bộ thực thi công vụ. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cũng như tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện những quyền được phân cấp.
Nguồn: https://daidoanket.vn/tphcm-giai-ngan-95-von-dau-tu-cong-phai-tinh-tung-ngay-10292494.html