PGS. TS. Doãn Hồng Nhung – đại diện nhóm nghiên cứu – cho rằng, cần đảm bảo 4 vấn đề quan trọng. Đó là: Phải có khu vực bảo vệ nghiêm ngặt ở lõi rừng nhằm bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ động thực vật rừng quý hiếm; Bổ sung quy định về vấn đề trợ giúp pháp lý, yêu cầu phải có hoạt động tư vấn pháp luật miễn phí như một công đoạn bắt buộc trong các giao dịch liên quan đến đất đai đối với đồng bào DTTS khó khăn, đặc biệt khó khăn; Bổ sung quy định về vấn đề cán bộ đến tận nơi hướng dẫn, tuyên truyền trực tiếp chính sách đất đai bằng tiếng dân tộc ở nơi đồng bào sinh sống thay vì tiếng Kinh; Cần quy định cụ thể về vai trò, trách nhiệm của truyền thông – để đồng bào nói tiếng dân tộc của mình trong lĩnh vực đất đai để đồng bào tiếp cận thông tin một cách chính xác nhất.
Để thực hiện chủ trương đảm bảo quyền tiếp cận đất đai của đồng bào DTTS, nhóm tác giả đề xuất một số giải pháp.
Thứ nhất, xây dựng vùng quy hoạch và tăng cường lấy ý kiến đóng góp về các quy định của pháp luật về chính sách đất đai đối với đồng bào DTTS.
Vấn đề đất đai đối với đồng bào phải có vùng quy hoạch. Và quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phải phù hợp với phong tục tập quán truyền thống của đồng bào, đảm bảo không gian, điều kiện sống đế phát triển hài hòa đối với động – thực vật rừng quý hiếm và cả đối với đồng bào sống ở trong khu vực đó để vừa bảo tồn đa dạng sinh học, vừa bảo tồn các giá trị truyền thống, đồng bào vừa có thể canh tác để đảm bảo cuộc sống mưu sinh, tránh cho việc rơi vào vòng xoáy của sự đói nghèo, hậu quả gây ra các tệ nạn xã hội khác.. Cần thực hiện đầy đủ, thực chất việc công khai kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất và lấy ý kiến của người dân khi thực hiện quy trình xây dựng giá đất, phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, nhất là các khu vực dự kiến có dự án đầu tư. Đồng thời, cần quy định cụ thể hơn, nhất là nội dung, cách thức lấy ý kiến và trách nhiệm thực hiện của địa phương trong việc lấy ý kiến. Ngôn ngữ chính là một trong những rào cản của đồng bào DTTS trong việc nêu lên các ý kiến, nguyện vọng của mình. Chính vì vậy, cần nâng cao năng lực và trách nhiệm của cán bộ vùng trong việc quản lý và tiếp thu ý kiến đóng góp xây dựng của đồng bào.
Thứ hai, Nhà nước cần kết hợp với chính quyền địa phương để đưa ra những giải pháp chuyển đổi sinh kế, tăng thu nhập cho đồng bào, nhất là đồng bào thiếu đất sản xuất trên nguyên tắc phát huy tiềm năng tại chỗ của vùng gắn với đặc điểm của người lao động và nhu cầu thị trường địa phương. Theo đó, cần có chính sách tạo hỗ trợ, tạo điều kiện cho người lao động bằng việc triển khai đồng bộ các hoạt động hướng nghiệp, đào tạo nghề để đồng bào thiếu đất có thể làm nghề mới hoặc cách để tận dụng những nông sản của địa phương để phát triển giúp tạo thu nhập ổn định, chống đói nghèo cho đồng bào. Đối với các dự án sử dụng nhiều đất, cần có cơ chế để chủ dự án sử dụng lao động là đồng bào DTTS tại chỗ và trích kinh phí thực hiện an sinh xã hội.
Thứ ba, đưa ra những giải pháp nhằm khắc phục tình trạng suy thoái môi trường đất và tài nguyên đất, suy thoái chất lượng rừng và suy giảm đa dạng sinh học.
Cần hướng dẫn bà con kết hợp áp dụng khoa học kỹ thuật mới với tri thức địa phương; đẩy mạnh trồng rừng đầu nguồn; trồng rừng mới, trồng lại rừng sau khai thác; khoanh nuôi, xúc tiến tái sinh, phục hồi, bổ sung rừng, nâng cao giá trị đa dạng sinh học, khả năng cung cấp lâm sản, khả năng phòng hộ và các giá trị khác của rừng.
Có cơ chế quản lý, giám sát chặt chẽ các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng đất và rừng, nhất là các dự án phát triển thủy điện, khai thác khoáng sản, xây dựng các khu công nghiệp, dịch vụ du lịch… Và kiên quyết xử lý đối với cá nhân, tổ chức có sai phạm.
Cần nhìn nhận và đánh giá một cách đúng đắn những giá trị tích cực của các phong tục, luật tục của đồng bào, đan xen giữa quy định pháp luật và hương ước của bản. Đồng thời, có chính sách đầu tư bảo tồn và phát huy tri thức địa phương.
Nghiêm cấm việc mua bán động-thực vật quý hiếm trái phép và săn bắt các loại thú trong mùa sinh sản. Hạn chế mở đường giao thông đi qua các khu bảo tồn. Đồng thời, nâng cao vai trò, ý thức và trách nhiệm của cảnh sát môi trường. Việc khai thác tài nguyên đất, rừng phải phù hợp với phát triển bền vững quốc gia. Vì thế, phải cảnh giác với các chiêu trò thâm độc của các láng giềng nước ngoài có phá hoại sản xuất và sử dụng đất ở VN. Vì thế, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật nói chung và chính sách, pháp luật về đất đai đối với đồng bào DTTS nói riêng và nâng cao ý thức bảo tồn đa dạng sinh học cho đồng bào.
Thứ tư, nâng cao hiểu biết của đồng bào để hạn chế tối đa hiện tượng kết hôn cận huyết thống nhằm bảo vệ sức khỏe đồng bào cũng như bảo vệ nguồn gen. Ngoài ra, khu vực biên giới nơi đồng bào DTTS sinh sống chủ yếu thường xảy ra hiện tượng đồng tộc, kết hôn xuyên biên giới khiến cho ý thức dân tộc của người dân bị mai một dẫn đến nhiều nguy cơ nghiêm trọng cho lĩnh vực an ninh quốc phòng. Vì thế, cần hướng dẫn, nâng cao ý thức của đồng bào để vừa bảo tồn các giá trị truyền thống gắn với đất, vừa bảo đảm an ninh quốc phòng.
Khai thác đất đai luôn song hành với việc bảo vệ môi trường sinh thái và đa dạng sinh học. Đặc biệt với những đặc thù của đồng bào DTTS và vùng đồng bào sinh sống, để chính sách, pháp luật đất đai đối với đồng bào DTTS đạt được hiệu quả, cần kết hợp hài hòa trong việc bảo tồn các giá trị truyền thống với bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển bền vững quốc gia. Chính sách đất đai đối với vùng này phải vừa bảo đảm điều kiện cho đồng bào đang sinh sống nhưng cũng phải tạo điều kiện bảo vệ nơi sống cho động thực vật rừng quý hiếm.