Thượng đỉnh Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO) diễn ra từ ngày 15-16/10 tại thủ đô Islamabad, Pakistan với sự tham dự của lãnh đạo cấp cao các nước thành viên cùng các nước quan sát viên và “đối tác đối thoại”.
Thủ tướng nước chủ nhà Pakistan Shehbaz Sharif phát biểu tại phiên khai mạc SCO tại Trung tâm Hội nghị Jinnah, Islamabad, ngày 16/10. (Nguồn: PID) |
Mặc dù phải đối mặt với bạo lực và bất ổn chính trị, nhưng với vai trò chủ nhà và chủ tịch luân phiên SCO, Islamabad đã nỗ lực cao nhất để bảo đảm an ninh cho sự kiện.
Khai mạc trong bất ổn
Trước thềm Thượng đỉnh SCO, chủ nhà Pakistan đối mặt với thách thức an ninh do các nhóm biểu tình, ly khai và bất đồng chính kiến gây ra. Đặc biệt, đảng Pakistan Tehreek-e-Insaf (PTI) đối lập của cựu Thủ tướng Imran Khan phát động một loạt các cuộc biểu tình đòi “sự độc lập của ngành tư pháp” trong khi Chính phủ xúc tiến sửa đổi Hiến pháp. PTI còn đe dọa sẽ tổ chức biểu tình lớn tại khu trung tâm ở Islamabad, nơi sẽ diễn ra Thượng đỉnh SCO hòng làm “mất mặt” chính phủ của Thủ tướng Shabaz Sharif.
Không chỉ ở thủ đô, các nhóm ly khai ở tỉnh Balochistan giáp biên với Iran thường xuyên tấn công công dân Trung Quốc đang làm việc trong các dự án thuộc Hành lang kinh tế Trung Quốc – Pakistan (CPEC) và Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI).
Sự việc nhóm ly khai tấn công đoàn xe chở kỹ sư Trung Quốc tại thành phố cảng Karachi mới đây khiến hai người thiệt mạng càng làm tình hình an ninh trở nên đáng lo ngại hơn trước thềm Hội nghị. Giới quan sát cho rằng, đây chính là thời điểm hoàn hảo để các nhóm ly khai gây bất ổn an ninh và tạo sự chú ý với quốc tế.
Những “đầu tiên”
Bất chấp tình hình an ninh Pakistan diễn ra phức tạp, đại diện của 10 quốc gia thành viên, bao gồm Trung Quốc, Nga, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Uzbekistan, Belarus, Iran, Ấn Độ tham dự cùng đại diện từ 16 quốc gia liên kết, quan sát viên hoặc “đối tác đối thoại”. Trong đó, điểm nhấn là sự hiện diện của Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar.
Đây là chuyến thăm đầu tiên của một quan chức cấp cao Ấn Độ tới Pakistan trong gần chín năm qua. Sự tham dự của Thủ tướng Lý Cường đặc biệt quan trọng, là chuyến thăm đầu tiên của người đứng đầu chính phủ Trung Quốc, đối tác “trong mọi điều kiện thời tiết” của Pakistan, sau 11 năm.
Trong chuyến thăm, hai bên rà soát các vấn đề liên quan an ninh và tiến độ triển khai CPEC, khánh thành sân bay quốc tế do Trung Quốc tài trợ tại Gwadar, tỉnh Balochistan, nơi có cảng nước sâu chiến lược mà Islamabad đã cho Bắc Kinh thuê trong thời gian 99 năm. Hiện CPEC là chặng quan trọng nhất thuộc BRI của Trung Quốc ở Nam Á và đã đầu tư, cam kết các khoản vay vào CPEC hơn 50 tỷ USD.
Thượng đỉnh SCO lần này còn đánh dấu sự xuất hiện lần đầu của phái đoàn Iran do Phó Tổng thống thứ nhất Mohammad Reza Aref dẫn đầu. Đây là cơ hội quan trọng để Islamabad thúc đẩy hợp tác với Tehran giải quyết các vấn đề đang nổi lên tại khu vực, đặc biệt là căng thẳng gần đây giữa Iran và Israel. Đáng chú ý, Thủ tướng Mikhail Mishustin dẫn đầu phái đoàn Nga tham dự, trong khi Thủ tướng Mông Cổ cũng góp mặt với tư cách nước quan sát.
Hợp tác trong bất đồng
Thượng đỉnh SCO Islamabad tập trung thảo luận nhiều lĩnh vực, từ kinh tế – thương mại, môi trường, an ninh khu vực, văn hóa – xã hội với kỳ vọng đạt được sự đồng thuận để tăng cường kết nối, hợp tác hơn nữa giữa các thành viên. Phát biểu khai mạc, Thủ tướng nước chủ nhà Shehbaz Sharif khẳng định, SCO là “ngọn hải đăng của chủ nghĩa đa phương”, tin rằng “không chỉ có tiềm năng mà còn có ý chí để tạo ra một tương lai thịnh vượng và an toàn hơn cho người dân”.
Thủ tướng Pakistan kêu gọi thiết lập một khuôn khổ trong SCO để thúc đẩy thương mại và tầm nhìn về một Âu – Á kết nối. Ông cũng kêu gọi mở rộng các dự án trọng điểm như BRI, CPEC và Hành lang giao thông quốc tế Bắc – Nam (INSTC) để tăng cường hội nhập và hợp tác trên toàn khu vực. Tuy nhiên, những bất đồng còn tồn tại giữa các thành viên SCO chính là thách thức và trở ngại trong việc đưa ra đồng thuận về nhiều vấn đề cấp bách như “điểm nóng” Trung Đông, tranh chấp Kashmir giữa Ấn Độ và Pakistan, an ninh khu vực và các vấn đề toàn cầu.
Hội nghị thượng đỉnh SCO là sự kiện đa phương quy mô lớn đầu tiên được Pakistan đăng cai tổ chức sau nhiều năm và vào thời điểm tình trạng bất ổn an ninh, chính trị đang leo thang. Mặc dù phải đối mặt với các vấn đề an ninh và kinh tế nhưng Hội nghị lần này là cơ hội để Pakistan nâng cao vị thế ngoại giao và thể hiện hình ảnh một quốc gia tham gia tích cực trong các diễn đàn đa phương.
Đồng thời, các sự kiện song phương bên lề Hội nghị giúp Pakistan tăng cường hợp tác kinh tế với Nga, Trung Quốc và các nước Trung Á.
Sự tham dự của Thủ tướng Lý Cường giúp Trung Quốc gia tăng quan hệ mật thiết hơn với các nước Trung Á, thúc đẩy vai trò của Bắc Kinh đối với các vấn đề chung của khu vực. Hiện nay, Trung Quốc đang thể hiện vai trò tích cực trong giải quyết các điểm nóng như xung đột Hamas – Israel, xung đột Nga – Ukraine.
Đối với SCO, trong bối cảnh môi trường quốc tế và khu vực đối mặt với nhiều thách thức chưa từng có, khối kinh tế – an ninh này được kỳ vọng sẽ có kết quả hợp tác thiết thực hơn, là nơi để các quốc gia thành viên tiếp tục phát huy “Tinh thần Thượng Hải”, thúc đẩy gắn kết để đóng góp nhiều hơn cho hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực.
Nguồn: https://baoquocte.vn/thuong-dinh-sco-tim-on-dinh-trong-bat-dinh-290432.html