Cuộc thi viết là cách làm sáng tạo trong tuyên truyền thực hiện Chỉ thị 03 và Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về học tập và làm theo gương Bác, nhân lên những giá trị cao đẹp trong đời sống xã hội.
Tiếp nối thành công, lan tỏa những nghĩa cử cao đẹp
Cuộc thi viết lần thứ 10 (2018-2019) do Báo QĐND, Vụ Báo chí-Xuất bản (Ban Tuyên giáo Trung ương), Nhà xuất bản QĐND và Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) phối hợp tổ chức đã khép lại thành công. Suốt hơn 11 năm qua, các cây bút chuyên nghiệp và không chuyên, các cộng tác viên (CTV) ở mọi miền đất nước đã nhiệt tình tham gia. Cuộc thi lần thứ 10 với hơn 150 tác phẩm gửi về ban tổ chức. Nhiều tác phẩm của CTV có chất lượng tốt, đoạt giải cao, như: “Ông vua” lúa giống miền Tây” (tác giả Dương Út), “Luôn xứng là công bộc của dân” (tác giả Đỗ Văn Dinh); “Kình ngư trẻ Nguyễn Huy Hoàng-niềm tự hào của thể thao Việt Nam” (tác giả Nguyễn Văn Bình); “Tuổi trẻ dấn thân và luôn khát khao cống hiến” (tác giả Hồ Cầm)…
Các tác phẩm tham dự Cuộc thi viết lần thứ 10 đã phát hiện, tôn vinh, phản ánh sinh động về những tập thể, cá nhân, những tấm gương tiêu biểu của cán bộ, đảng viên, người dân thuộc mọi ngành nghề, lĩnh vực… đã nỗ lực cống hiến cho đất nước, vì cộng đồng, làm được nhiều việc tốt, nghĩa cử nhân văn, tạo sức lan tỏa, ảnh hưởng sâu rộng trong xã hội.
Tác giả Dương Út (Báo Đồng Tháp) rất vui khi biết tác phẩm “Ông vua” lúa giống miền Tây” của mình đoạt giải nhất Cuộc thi viết lần thứ 10, cho biết: “Để có tư liệu, hình ảnh thực hiện tác phẩm viết về cựu chiến binh Trần Anh Dũng ở huyện Lấp Vò (Đồng Tháp), người đã lai tạo thành công nhiều giống lúa mới, tôi phải dành không ít thời gian, đi xe gắn máy về địa phương, ra tận ruộng lúa trong tiết trời nắng gắt để gặp gỡ, tìm hiểu. Qua đó, tôi cảm nhận ông rất gần gũi, mộc mạc khi chia sẻ những kinh nghiệm, cách làm mới trong sản xuất nông nghiệp và ít nói về mình. Chính vì vậy, tôi càng mến phục và giàu cảm xúc để hoàn thành tác phẩm của mình và gửi tham gia Cuộc thi viết”.
|
Theo tác giả Dương Út, mặc dù chỉ có trình độ trung cấp nhưng ông Dũng đạt được thành công là nhờ ý chí vươn lên, mạnh dạn đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm, ham học hỏi nâng cao trình độ, không chùn bước trước khó khăn, thậm chí cả thất bại. Những năm gần đây, ông đã lai tạo thành công 6 giống lúa mới, cho năng suất cao, chất lượng gạo đặc sản thơm ngon và còn luôn nhiệt tình ủng hộ các hoạt động an sinh xã hội, như: Tặng quà học sinh nghèo, hỗ trợ kinh phí, vật liệu để xây dựng cầu, đường, xây nhà tặng người nghèo… Hiện ông vẫn không ngừng say mê nghiên cứu, tạo ra các giống lúa mới. Ông Dũng tâm sự: “Niềm vui và hạnh phúc lớn nhất của tôi là góp phần giúp bà con nông dân tăng thu nhập, làm giàu trên chính quê hương mình…”.
Tác giả Hữu Dương (Báo QĐND) với tác phẩm đoạt giải nhì: “Người bác sĩ nặng lòng với vùng trũng y tế”, viết về Hội trưởng Hội Bác sĩ tình nguyện (BSTN)-Thiếu tá Ngô Tuấn Anh (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108), đến giờ vẫn đầy ắp cảm xúc về chuyến đi đầu tiên vào cuối năm 2017 cùng Hội BSTN về khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho bà con vùng biên xã Lóng Phiêng (Yên Châu, Sơn La), nhất là khi cả đoàn phải bỏ lại ô tô, đi bộ vượt chặng đường dài vào địa điểm khám bệnh (do một chiếc xe tải bị lật chắn ngang đường), rồi cả đoàn lại hành quân bộ nhiều cây số trong cơn mưa rừng, gió lạnh thấu xương. Sau này, anh tiếp tục tham gia và phản ánh nhiều chương trình khám, chữa bệnh của Hội BSTN tại không ít địa phương và thường ghé qua trụ sở của Hội BSTN, chứng kiến và tham gia nhiều hoạt động xã hội, nhân đạo tại đây. Đó chính là nguồn tư liệu phong phú, nguồn cảm hứng để anh viết bài tham gia cuộc thi, với mong muốn góp phần làm lan tỏa những nghĩa cử cao đẹp, tấm lòng nhân ái vì cộng đồng, thiết thực học tập và làm theo gương Bác. Sau khi bài viết được đăng trên Báo QĐND và được chia sẻ, có thêm nhiều người biết đến và ủng hộ các hoạt động của Hội BSTN. Mới đây, có người bạn của tác giả đã ủng hộ khoản kinh phí hỗ trợ mổ tim bẩm sinh cho cháu Nguyễn Thị Hải Yến ở tỉnh Bắc Ninh.
Là Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú-THCS Lầu Thí Ngài (Bắc Hà, Lào Cai), thầy giáo Đỗ Văn Dinh dù bận nhiều công việc nhưng vẫn nhiệt tình gửi 3 bài tham gia Cuộc thi viết lần thứ 10, trong đó, tác phẩm “Luôn xứng là công bộc của dân” đoạt giải nhì. Ông Giàng Seo Hòa, người dân tộc Mông (nhân vật trong tác phẩm) từng nhiều năm làm Chủ tịch UBND, Bí thư Đảng ủy xã Lầu Thí Ngài, luôn tận tụy, hết mình vì dân, vì việc chung, góp phần quan trọng để xã nhiều năm được UBND tỉnh khen thưởng về phong trào làm đường giao thông nông thôn, kiên cố hóa trường, lớp học, thực hiện dự án giảm nghèo… Nghỉ hưu năm 2010 nhưng ông Hòa không nghỉ việc, vẫn năng nổ vận động người dân và luôn gương mẫu đi đầu tham gia các phong trào: Xây dựng trường, lớp học; sưu tầm, phổ biến ca dao, dân ca; viết dư địa chí địa phương, lịch sử đảng bộ xã; hướng dẫn người dân trồng lúa nước… Đặc biệt, ông rất say sưa trồng và bảo vệ hàng chục héc-ta rừng phòng hộ, góp phần mang lại màu xanh no ấm cho quê hương. Những việc làm, tình cảm, trách nhiệm của ông Giàng Seo Hòa như “bếp lửa hồng” mang đến những điều tốt đẹp, no ấm cho đồng bào các dân tộc ở xã vùng cao Lầu Thí Ngài. Tác giả Đỗ Văn Dinh cho biết: “Đọc bài báo viết về mình, gặp tôi, ông Hòa cười vui và nói: “Suốt đời tôi chỉ học tập và làm theo Bác Hồ, hết lòng phục vụ nhân dân thôi, không muốn được lên báo, đài đâu! Những thành tích mà xã nhà đạt được chính là do cán bộ luôn sâu sát, thấu hiểu đời sống nhân dân, phát huy sức mạnh và tinh thần đoàn kết của nhân dân xây dựng quê hương. Người Mông chúng tôi có câu: “Thương nhau ăn quả trứng cũng không hết, không thương nhau mổ trâu ăn cũng không đủ”, thầy giáo ạ”.
Thật trân trọng và đáng quý khi được biết, cựu chiến binh Nguyễn Huy Thắng, 67 tuổi-nhân vật trong tác phẩm “Chất “lửa, hoa và thép” của một kiều bào Đức” (tác giả Linh Oanh, Báo QĐND; đoạt giải ba) là Việt kiều, đã hơn 30 năm sinh sống ở Cộng hòa Liên bang Đức; ông đã về Việt Nam hơn 30 lần, trong đó 28 lần ông trở lại chiến trường xưa tìm kiếm phần mộ liệt sĩ, tri ân đồng đội. Dù sức khỏe không tốt do tuổi cao và bị nhiễm chất độc da cam/dioxin khi tham gia chiến đấu ở chiến trường miền Nam, nhưng ông rất nhiệt tình với đồng đội, với công việc của cộng đồng, giỏi kinh doanh và đã có dự án đầu tư sản xuất chè rất thành công ở Yên Bái, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều lao động địa phương.
Còn rất nhiều những gương sáng tiêu biểu, người tốt, việc tốt được phát hiện, tôn vinh qua Cuộc thi viết lần thứ 10. Đó là những cán bộ, chiến sĩ ngày đêm làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc và luôn gắn bó, tận tụy giúp dân, nhất là ở những nơi “đầu sóng ngọn gió”; là gương các sĩ quan trẻ QĐND Việt Nam tham gia lực lượng Gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc; là các cựu chiến binh, dù đã về với đời thường vẫn giữ nét đẹp, phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ trên mặt trận mới. Từ “Trưởng bản ở vùng biên” đến “Mẹ Phụng” hết lòng dành tình thương cho trẻ mồ côi, cơ nhỡ; từ “Chị Chư “hai giỏi” ở Pá Hu” đến “Ông chủ tịch hội “có duyên” giúp người nghèo”; từ “Tuổi trẻ dấn thân và luôn khát khao cống hiến” ở Công ty Khí Cà Mau (Tổng công ty Khí Việt Nam) đến “Ông Chín cầu đường”, “Ông Mói dân vận”, rồi “Ba thế hệ trong một gia đình tự nguyện chăm sóc nghĩa trang liệt sĩ”… và rất nhiều những tấm gương bình dị mà cao quý khác được phản ánh qua cuộc thi, tạo cảm xúc lay động lòng người, nhân lên những điều tốt đẹp, giá trị nhân văn trong cuộc sống.
Cách làm sáng tạo, hiệu quả trong tuyên truyền, nhân rộng điển hình
Cuộc thi viết do Báo QĐND phối hợp với một số cơ quan, đơn vị phát động từ tháng 4-2008, nhân kỷ niệm 60 năm Ngày Bác Hồ ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”, đến nay đã duy trì liên tục hơn 11 năm, với 10 lần tổng kết, trao giải và hàng nghìn tác phẩm được lựa chọn đăng tải. Theo đánh giá của Ban tổ chức, Ban giám khảo, những năm gần đây, số lượng, chất lượng các tác phẩm dự thi vẫn được giữ vững và nâng cao. Dù nội dung, cách thể hiện trong các tác phẩm khác nhau nhưng cùng với những cây bút chuyên nghiệp, đông đảo CTV, các cây bút không chuyên đã tích cực tham gia, tạo nên sắc màu, sự phong phú, sinh động của cuộc thi và sự lan tỏa ngày càng rộng rãi những tấm gương bình dị mà cao quý, nghĩa cử nhân văn cao đẹp.
Các tấm gương tiêu biểu, người tốt, việc tốt được phản ánh qua cuộc thi rất đa dạng, thuộc mọi thành phần, lứa tuổi, nghề nghiệp, địa vị xã hội… thực sự là những gương sáng điển hình trong các phong trào thi đua yêu nước trên tất cả lĩnh vực, là nhân tố tích cực góp phần đưa việc học tập và làm theo gương Bác theo tinh thần Chỉ thị 03, Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị đi vào cuộc sống, cổ vũ các tầng lớp nhân dân cùng nỗ lực tham gia công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Lễ tổng kết, trao giải Cuộc thi viết và chương trình giao lưu nghệ thuật tổ chức hằng năm được các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, các ban, bộ, ngành, địa phương… tới dự, biểu dương, đánh giá cao, khẳng định Cuộc thi viết rất thành công, có uy tín và sức lan tỏa mạnh mẽ, là cách làm sáng tạo, hiệu quả của Báo QĐND và các cơ quan, đơn vị phối hợp, góp phần đẩy mạnh tuyên truyền và thực hiện hiệu quả Chỉ thị 03, Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị. Nhà xuất bản QĐND đã lựa chọn, tập hợp các tác phẩm xuất sắc tham gia Cuộc thi viết, xuất bản được 15 tập sách “Những tấm gương bình dị mà cao quý” thuộc tủ sách “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Tác giả Trần Văn Bình, cán bộ Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Bình những năm qua luôn tích cực tham gia, có nhiều tác phẩm gửi về Ban tổ chức và đã hai lần đoạt giải, cho rằng: “Cuộc thi viết là nơi tôi và các tác giả gửi gắm tâm tư, nguyện vọng, phát hiện, xây dựng, nhân rộng điển hình tiêu biểu để cán bộ, đảng viên, quần chúng học tập, làm theo; qua đó khẳng định tính đúng đắn, cần thiết và hiệu quả của Chỉ thị 03, Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, nhất là khi phẩm chất, đạo đức, lối sống của một bộ phận trong xã hội bị xói mòn, xuống cấp, cùng những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; các thế lực thù địch tăng cường chống phá, thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa”.
Đồng chí Nguyễn Hồng Vinh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó trưởng ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương, nhiều năm là Ủy viên Hội đồng chung khảo Cuộc thi viết cho rằng: Với số lượng lớn các tác phẩm dự thi hằng năm; đối tượng được phản ánh, tôn vinh rất đa dạng… gợi lên sự xúc động, lòng trân trọng của toàn xã hội đối với những việc làm hằng ngày, tuy bình dị nhưng sâu nặng tình người, nghĩa nước, khi mà trong thời cơ chế thị trường, có lúc, có nơi những mặt trái, cái ác chưa được đẩy lùi; cái giả và cái thật còn khó phân minh… Bằng những người thật, việc thật trên mọi miền đất nước, người đọc được bồi đắp niềm tin yêu cuộc đời, tin yêu chế độ trên nền bức tranh kinh tế-xã hội ngày thêm nhiều gam màu sáng, át đi những gam màu tối. Qua hàng nghìn bài dự thi được đăng tải, càng sáng lên phẩm chất yêu nước, thương người, cần cù, sáng tạo, khát vọng vượt khó làm giàu cho mình, cho cộng đồng và đất nước, cùng những “kế sách” để giáo dục, cổ vũ, bồi đắp nhân tài trong thế hệ trẻ… Đó là thành công bao trùm của Cuộc thi viết. Điều đó còn mang thêm một ý nghĩa thực tế đầy sức thuyết phục rằng, việc học tập và làm theo Bác không phải điều gì cao xa, khẩu hiệu, mà trên thực tế đang thấm sâu, trở thành việc làm tự giác, thường xuyên trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân; đã và đang xuất hiện, lan tỏa hàng ngàn, hàng vạn tấm gương “Sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại”.
Nhiều bạn đọc, CTV, tác giả cũng cho rằng, Cuộc thi viết thực sự là “mảnh đất tốt” để quảng bá, tôn vinh, nhân rộng những nhân tố mới, điển hình tiêu biểu, người tốt, việc tốt. Tham gia Cuộc thi viết, chính mỗi tác giả cũng học tập được nhiều điều từ các điển hình, những “bông hoa đẹp” để hoàn thiện mình hơn, đồng thời rèn luyện, nâng cao tay nghề, nhất là luôn bám sát cơ sở, cuộc sống, tìm tòi, phát hiện những đề tài mới, những gương điển hình tiêu biểu có sức thuyết phục, lan tỏa mạnh mẽ hơn.
Thiếu tướng Phạm Văn Huấn, Bí thư Đảng ủy, Tổng biên tập Báo QĐND, Trưởng ban tổ chức Cuộc thi viết khẳng định: Báo QĐND phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức thành công, đã tạo uy tín và “thương hiệu” của Cuộc thi viết trong suốt hơn 11 năm qua; với 10 lần tổng kết, trao giải, gắn với các chương trình giao lưu nghệ thuật, đã tôn vinh, nhân rộng hàng nghìn tấm gương tiêu biểu, bình dị mà cao quý, góp phần đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện hiệu quả Chỉ thị 03, Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị. Nhân vật, sự kiện trong tác phẩm dự thi là người thật, việc thật, những gương người tốt, việc tốt, nghĩa cử cao đẹp “mình vì mọi người”… là minh chứng sinh động, rất có giá trị trong công tác tuyên truyền, cổ vũ, tạo chuyển biến rõ nét về nhận thức và hành động trong học tập và làm theo gương Bác. Góp phần vào thành công của Cuộc thi viết nhiều năm qua có sự đồng hành của Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC); Nhà hát Ca Múa Nhạc Quân đội cùng nhiều tập thể, cá nhân.
Theo quyết định của Ban tổ chức, Cuộc thi viết lần thứ 11 (2019-2020) được đổi tên thành Cuộc thi viết “Noi theo gương sáng Bác Hồ”, nhằm mở rộng đối tượng, nhân vật phản ánh; tôn vinh các tập thể, cá nhân điển hình học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; dám nghĩ, dám làm, đặt lợi ích của đất nước, của cộng đồng lên trên hết, góp phần đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước ở các cấp, các ngành và toàn xã hội.
Nhân dịp kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ (1969-2019), 71 năm Ngày Bác Hồ ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” (11-6-1948 / 11-6-2019), 94 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21-6-1925 / 21-6-2019), Báo QĐND phối hợp với Tổng công ty PTSC và các cơ quan, đơn vị tổ chức Lễ tổng kết, trao giải Cuộc thi viết lần thứ 10 và phát động Cuộc thi viết “Noi theo gương sáng Bác Hồ” năm 2019-2020, cùng chương trình giao lưu nghệ thuật với chủ đề “Trọn đời theo gương Bác”. Đây là dịp gặp gỡ, tôn vinh các tác giả đoạt giải; các nhân vật, các tấm gương điển hình tiêu biểu được phản ánh; các tập thể, cá nhân đã đồng hành với Cuộc thi viết trong suốt nhiều năm qua. Chúng ta hy vọng và chờ đợi những “mùa gặt” mới của Cuộc thi viết “Noi theo gương sáng Bác Hồ” những năm tiếp theo.
ANH QUÂN