Để khai thác thế mạnh từ cây dừa, từ năm 2021, tỉnh Trà Vinh đã khuyến khích nông dân thực hiện phương thức canh tác tiên tiến đạt tiêu chuẩn hữu cơ; đáp ứng các tiêu chuẩn châu Âu – UE, Mỹ – USDA, Nhật – JAS, Australia – ACO, GlobalGAP… Đến nay, tỉnh đã phát triển được gần 27.400 ha diện tích trồng dừa, với hơn 20.000 ha đang cho trái, sản lượng đạt 3,9 triệu tấn/năm, trong đó có khoảng 5.100ha dừa hữu cơ. Diện tích dừa hữu cơ đang được các doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết trồng và bao tiêu sản phẩm với mức giá cao hơn giá thị trường từ 10-15%. Hiện đã có trên 1.240 ha dừa đáp ứng được yêu cầu về kiểm dịch thực vật đối với dừa tươi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
“Xác định dừa là cây chủ lực của xã, do đó UBND xã chủ động phối hợp với doanh nghiệp để tiến hành xác định vùng dừa nguyên liệu hữu cơ; phối hợp với ngành chuyên môn như Phòng Nông nghiệp, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thường xuyên tổ chức tập huấn công tác phòng, chống theo hướng hữu cơ để đảm bảo sản phẩm dừa sản xuất ra là sạch, đáp ứng được nhu cầu thị trường trong nước cũng như xuất khẩu” – ông Nguyễn Văn Nguyên, Phó Chủ tịch UBND xã Huyền Hội, huyện Càng Long, địa phương có hơn 300ha dừa hữu cơ chia sẻ.
Tỉnh Trà Vinh đặt mục tiêu đến năm 2025, mở rộng diện tích cây dừa, ứng dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất dừa đạt khoảng 16 tấn/ha/năm và có ít nhất 8.000 ha dừa trồng theo hướng hữu cơ; trong đó, có 6.000 ha đạt chứng nhận hữu cơ quốc tế. Theo đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành chức năng hướng dẫn, tạo điều kiện các tổ chức, cá nhân tiếp cận các chính sách của Trung ương và tỉnh trong sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường tiêu thụ cho sản phẩm, nhất là thông tin truyền thông, khai thác các kênh bán hàng trực tuyến để quảng bá sản phẩm đặc trưng của Trà Vinh cho khách hàng trong nước và ngoài nước.
Cùng với mở rộng diện tích vườn dừa hữu cơ, cây dừa sáp cũng đang được tỉnh đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ, khuyến khích nông dân phát triển. Đến nay, toàn tỉnh có hơn 1.000ha dừa sáp đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận Chỉ dẫn địa lý và Hiệp hội Dừa Việt Nam đã công nhận “Cây dừa sáp được trồng tại tỉnh Trà Vinh là cây dừa Việt Nam. Trong số các sản phẩm chế biến từ dừa sáp đã có 8 sản phẩm đạt OCOP đạt thứ hạng 4 và 5 sao, được tiêu thụ rộng rãi ở thị trường trong nước và xuất khẩu.
“Sở NN&PTNT đang phối hợp với các sở ban ngành, địa phương tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư, phát triển liên kết giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã với các hộ trồng dừa; tiếp tục hỗ trợ hướng dẫn các tổ chức cũng như cá nhân tiếp cận các chính sách trong khâu sản xuất và chứng nhận, đánh giá việc quản lý các vùng dừa của tỉnh” – ông Lê Văn Đông, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Trà Vinh thông tin.
Trước tác động của biến đổi khí hậu, cây dừa hiện là một trong những cây mang lại giá trị kinh tế chính cho nông dân Trà Vinh. Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2030, diện tích trồng dừa tăng lên 30.000 ha; diện tích dừa sáp ổn định 1.500 ha và có ít nhất 3 doanh nghiệp liên kết với các tổ hợp tác, hợp tác xã và hộ trồng dừa sáp xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ chế biến và tiêu thụ các chuỗi sản phẩm dừa sáp có giá trị gia tăng cao, cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước.
Nguồn: https://vov.vn/kinh-te/tra-vinh-nang-cao-chuoi-gia-tri-cay-dua-theo-huong-huu-co-post1128806.vov