Thị trường tỷ đô
Theo thống kê của Công ty nghiên cứu thị trường Grand View Research (Hoa Kỳ) du lịch y tế đang phát triển nhanh chóng, dự báo đến năm 2030 doanh thu du lịch y tế trên toàn cầu sẽ lên đến gần 100 tỷ USD.
Với thị trường rộng lớn như vậy thời gian qua một số nước như Thái Lan, Hàn Quốc, Ấn Độ, Malaysia… đã đẩy mạnh khai thác loại hình du lịch này qua đó đón du khách Mỹ và các nước châu Âu. Cụ thể, đã có những thời điểm du lịch Thái Lan đón hơn 3 triệu lượt khách chữa bệnh, tạo doanh thu hơn 700 triệu USD, Ấn Độ cán mốc 3 tỷ USD, Malaysia đạt 1,7 tỷ USD doanh thu.
Tại Việt Nam, loại hình du lịch nghỉ dưỡng kết hợp khám chữa bệnh được đánh giá giàu tiềm năng phát triển, có thể đạt doanh thu mỗi năm khoảng 2 tỉ USD. Nguyên nhân là do dịch vụ y tế Việt Nam có giá cả phải chăng, nên thu hút nhiều du khách quốc tế, việt kiều sử dụng dịch vụ trong quá trình du lịch.
Chẳng hạn, chi phí phẫu thuật bắc cầu tim ở Việt Nam là 10.000 – 15.000 USD, trong khi ở Thái Lan 25.000 – 30.000 USD. Thống kê của Tạp chí International Living(Australia) cho thấy, hiện chi phí làm răng tại Việt Nam thấp hơn một số quốc gia như Mỹ, Canada, Australia từ 6 đến 10 lần. Còn so với một số quốc gia Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia thì chi phí làm răng ở Việt Nam cũng rẻ hơn từ 30-50%.
Phân tích nguyên nhân khiến du khách quốc tế sử dụng dịch vụ y tế trong quá trình du lịch tại Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Mắt công nghệ cao Tâm Anh PGS-TS Nguyễn Xuân Hiệp cho biết, mặc dù chi phí khám chữa bệnh tại Việt Nam khá rẻ nhưng chất lượng tay nghề của các bác sỹ cũng như việc đầu tư trang thiết bị, máy móc chữa trị cũng không thua kém so với bất kỳ quốc gia có nền ý tế tiên tiến.
Với lợi thế trên, trước khi xảy ra đại dịch Covid-19, theo thống kê của Cục Du lịch Quốc gia, hàng năm có khoảng trên 10.000 bệnh nhân nước ngoài sang Việt Nam để làm răng, đem về doanh thu trên 150 triệu USD.
Nâng chất lượng để tạo niềm tin
Đánh giá về tiềm năng khai thác loại hình du lịch này, các chuyên gia nêu rõ, mặc dù Việt Nam có nhiều thế mạnh để phát triển du lịch y tế, song trong quá trình khai thác đã bộc lộ điểm yếu là quá ít thông tin về các dịch vụ du lịch kết hợp chữa bệnh, còn ít hãng du lịch lữ hành tổ chức các tour kết hợp chăm sóc sức khỏe. Không ít bệnh viện chưa đạt các tiêu chuẩn quốc tế như JCI hay ISO, nên du khách nước ngoài còn ngần ngại đăng ký dịch vụ khám, chữa bệnh.
Phản ánh về những khó khăn trong quá trình liên kết với các phòng khám để xây dựng tour y tế, Giám đốc Công ty du lịch SUN SMILE TRAVEL Việt Nam Dương Thanh Hằng chia sẻ, điểm yếu đầu tiên trong quá trình khám bệnh của đội ngũ y bác sỹ Việt Nam là tiếng Anh chưa thông thạo.
Trong khi tại Thái Lan, các bác sĩ đều có thể giao tiếp thành thạo tiếng Anh với bệnh nhân nước ngoài. “Do đó, Việt Nam muốn thu hút được du khách quốc tế đến du lịch kết hợp khám chữa bệnh, cần cải thiện được trình độ ngoại ngữ của nhân viên y tế không phụ thuộc vào người phiên dịch” – bà Dương Thanh Hằng đề xuất.
Phản ánh những khó khăn trong quá trình xây dựng tour du lịch khám chữa bệnh cho khách quốc tế, doanh nghiệp du lịch có chung ý kiến hầu hết các phòng khám tư nhân của Việt Nam chưa được tổ chức y tế thế giới cấp giấy chứng nhận.
Giám đốc Công ty Du lịch Vòng Tròn Việt Phan Đình Huê cho biết, không ít bệnh viện chưa đạt các tiêu chuẩn quốc tế như JCI hay ISO nên du khách nước ngoài còn ngần ngại đăng ký dịch vụ khám, chữa bệnh. Trên website các bệnh viện chưa có nhiều thông tin, thậm chí còn không có cả tiếng Anh để tra cứu, cũng như chưa có các dịch vụ hỗ trợ kèm theo nên người nước ngoài khó tìm kiếm một dịch vụ du lịch y tế trọn gói để sử dụng.
Bên cạnh đó, sự hợp tác giữa cơ quan y tế, các cơ sở có điều kiện phát triển du lịch y tế với các hãng du lịch lữ hành còn thiếu đồng bộ. “Để thu hút được thêm du khách, các cơ sở y tế cần nâng cao tiêu chuẩn để được cấp các chứng nhận quốc tế để khách tin tưởng sử dụng dịch vụ” – ông Phan Đình Huê hiến kế.
Đồng tình với phản ánh này, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển du lịch Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ, hiện Việt Nam chưa có những nghiên cứu đầy đủ về tiềm năng, những yếu tố cần thiết, cũng như chưa có định hướng, chính sách cụ thể để phát triển loại hình du lịch này. Đặc biệt, Bộ Y tế chưa chuẩn hóa quy trình chăm sóc sức khỏe, điều này khiến phần lớn cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch như resort, khách sạn, homestay chăm sóc sức khỏe chỉ ở mức đáp ứng nhu cầu cơ bản cho du khách.
“Vừa qua ngành du lịch TP Hồ Chí Minh đưa ra 30 tour du lịch y tế nhưng chủ yếu cung ứng dịch vụ chăm sóc sức khỏe răng miệng, thưởng thức các món ăn thực dưỡng và được “check-in” chụp hình tại các điểm như Bệnh viện Răng-Hàm-Mặt, tham quan Nhà hát TP… Trong khi du khách nước ngoài khi tới Việt Nam sử dụng sản phẩm du lịch y tế chủ yếu tập trung vào điều trị hiếm muộn, tầm soát bệnh bằng công nghệ cao, y học cổ truyền, thẩm mỹ, nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe và y tế chuyên sâu…” – ông Nguyễn Anh Tuấn nêu rõ.
Để du lịch y tế phát triển, đại diện một số doanh nghiệp du lịch nêu ý kiến, ngành y tế cần xác định và phát huy thế mạnh của mình để đáp ứng yêu cầu và nhu cầu của du lịch y tế; Tăng cường phát triển thêm các loại hình tầm soát bệnh bằng công nghệ cao, xây dựng và cung cấp dịch vụ có chất lượng; Đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo ngành y tế; thành lập các trung tâm đào tạo nhân lực y tế chất lượng cao; Phát triển hạ tầng hiện đại, triển khai khu y tế kỹ thuật cao.
Ðồng thời, tiếp tục phát triển du lịch y tế kết hợp giữa y học hiện đại và y học cổ truyền nhằm cung ứng đầy đủ các loại hình chăm sóc sức khỏe có chất lượng, xây dựng mạng lưới chăm sóc chuyên khoa, từ đó nâng thương hiệu Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/du-lich-y-te-thi-truong-ti-usd-cho-doi-khai-thac.html