Tại hội thảo “Phát triển du lịch đường sông ở Việt Nam – Định hướng và giải pháp” do Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch (ITDR) tổ chức ngày 18/9, các nguyên nhân khiến du lịch đường sông tại Việt Nam chưa phát triển tương xứng với tiềm năng đã được chỉ rõ.
Theo TS. Nguyễn Anh Tuấn – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, một trong những rào cản lớn nhất đối với phát triển du lịch đường sông tại nhiều địa phương hiện nay là hạ tầng giao thông đường thủy còn kém. Nhiều tuyến đường sông chưa được đầu tư đúng mức, gây khó khăn cho việc di chuyển và khai thác du lịch. Tại Đồng bằng sông Cửu Long, nhiều đoạn sông vẫn chưa được nạo vét, dẫn đến tình trạng bồi lắng, ảnh hưởng đến việc lưu thông của các phương tiện du lịch.
Ngoài ra, du lịch đường sông không chỉ là “trên sông” mà cần có liên kết với các điểm du lịch trên toàn tuyến. Tuy nhiên, việc thiếu bến tàu du lịch, giao thông kết nối từ bến sông đến điểm tham quan chưa được đầu tư, điểm tham quan du lịch chưa nhiều dịch vụ, cảnh quan hai bên bờ sông ở nhiều nơi chưa được chỉnh trang làm cho việc khai thác du lịch đường sông gặp nhiều bất lợi.
Hiện nay, du lịch đường sông ở Việt Nam vẫn chưa có một chiến lược hay phát triển tổng thể và dài hạn. Các hoạt động du lịch thường mang tính tự phát, manh mún, thiếu sự liên kết giữa các địa phương, dẫn đến việc khai thác không hiệu quả, dịch vụ nghèo nàn và giảm sức hút đối với du khách. Tình trạng ô nhiễm môi trường ở một số khu vực sông không chỉ làm suy giảm giá trị cảnh quan mà còn gây khó khăn cho việc phát triển du lịch.
Điều đáng quan tâm là các địa phương thiếu sự liên kết trong phát triển du lịch đường sông. Các tuyến du lịch đường sông trên sông Mê Kông hay sông Hồng đều có thể trở thành sản phẩm hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước. Tuy nhiên, do mỗi địa phương lại có chiến lược phát triển riêng, việc thiếu sự hợp tác và chia sẻ thông tin giữa các tỉnh, thành đã dẫn đến nhiều hạn chế trong việc xây dựng các sản phẩm du lịch liên vùng hấp dẫn. Các tour du lịch hiện nay thường chỉ dừng lại ở việc khám phá một địa phương, mà chưa khai thác hết tiềm năng của cả một vùng rộng lớn. Điều này làm giảm sức hấp dẫn của du lịch đường sông đối với những du khách mong muốn trải nghiệm đa dạng văn hóa và cảnh quan thiên nhiên.
Công tác xúc tiến, quảng bá và xây dựng thương hiệu cho du lịch đường sông của Việt Nam còn hạn chế. Hiện nay, du lịch đường sông ở Việt Nam vẫn chưa phát triển mạnh mẽ, một phần do công tác xúc tiến và quảng bá còn yếu làm hạn chế khả năng thu hút du khách và khó cạnh tranh so với các loại hình du lịch khác. Bên cạnh đó, du lịch đường sông Việt Nam chưa xây dựng được thương hiệu và sự nhận diện rộng rãi trên thị trường quốc tế, làm giảm năng lực cạnh tranh với các điểm đến du lịch đường sông nổi tiếng khác trong khu vực như ở Thái Lan, Campuchia.
Cần kể câu chuyện hấp dẫn về dòng sông
TS. Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, mỗi dòng sông ở Việt Nam đều có những câu chuyện lịch sử, giá trị văn hóa và hệ sinh thái riêng biệt. Việc phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù dựa trên những giá trị này sẽ tạo ra sự khác biệt và thu hút du khách. Các tour du lịch có thể kết hợp tham quan các di tích lịch sử, văn hóa ven sông, trải nghiệm các lễ hội truyền thống như lễ hội đua thuyền, đua ghe… hay tham gia vào các hoạt động nông nghiệp truyền thống tại các làng ven sông.
Để thu hút du khách trải nghiệm các sản phẩm du lịch đường sông, TS. Trần Diễm Hằng – Trưởng khoa Du lịch, Trường Đại học Hòa Bình cho rằng việc xây dựng một thương hiệu du lịch đường sông Việt Nam độc đáo và ấn tượng là vô cùng quan trọng. Cần tạo ra một hình ảnh du lịch gắn liền với văn hóa, thiên nhiên và con người Việt Nam. Việc kể những câu chuyện hấp dẫn về các dòng sông, các điểm đến, các trải nghiệm độc đáo sẽ giúp du khách hình dung rõ hơn về những gì họ sẽ được khám phá. Ngoài ra, cần thường xuyên tổ chức các sự kiện du lịch, các lễ hội, sự kiện văn hóa trên sông để thu hút du khách. Hợp tác với các công ty lữ hành để xây dựng các gói tour du lịch đường sông hấp dẫn cũng là hoạt động cần chú trọng.
Một trong những mô hình thành công về khai thác du lịch trên sông là dòng sông Nho Quế (Hà Giang). Trước đây thuyền di chuyển trên sông Nho Quế về cơ bản chỉ là một loại hình giao thông vận tải để vận chuyển hành khách và hàng hóa từ điểm này đến điểm khác. Tuy nhiên chính quyền địa phương đã nhìn thấy tiềm năng phát triển du lịch vì cảnh quan ven sông của Hà Giang có một vẻ đẹp, sự thu hút khác thường; sau đó đã cho triển khai thí điểm sản phẩm đầu tiên là đoạn sông Nho Quế khu vực dưới đèo Mã Pì Lèng.
Tỉnh Hà Giang đã gắn tour du lịch đi thuyền trên sông Nho Quế để du khách ngắm cảnh hùng vĩ của Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn, ngồi thuyền lướt nhẹ trên dòng sông ở độ cao hơn 1.000m so mực nước biển giữa vùng cao núi đá. Du khách cũng được ngắm hệ đa dạng sinh học, rừng nguyên sinh trên đá và nhiều loại động thực vật như khỉ vàng và nhiều loại chim thú khác.
“Lãnh đạo tỉnh Hà Giang các cấp, các đơn vị hoạt động du lịch Hà Giang đều khao khát phát triển du lịch bền vững để góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi Hà Giang và trực tiếp là nâng cao đời sống cho bà con các dân tộc thiểu số. Sau khi triển khai tour du lịch trên sông Nho Quế, kết quả về mặt kinh tế và xã hội đều vượt xa sự mong đợi của chính quyền và người dân nơi đây. Cụ thể với 51 thuyền hoạt động chở khách tham quan năm 2023 đã thu về 33 tỷ đồng. Năm 2023 Hà Giang đón hơn 3 triệu lượt khách du lịch, thì có lẽ có đến hơn 2 triệu du khách muốn trải nghiệm và một phần đã được đi thuyền trên sông Nho Quế, đó là một thắng lợi lớn của ngành du lịch Hà Giang”, ông Lại Quốc Tĩnh – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Giang cho biết.
Nguồn: https://vov.vn/du-lich/tu-van/viet-nam-thieu-cau-chuyen-hap-dan-ve-cac-dong-song-de-khai-thac-du-lich-post1122350.vov