Tại Ga Đại học Hongik đông đúc của Seoul, du khách người Pháp Nagete Amandedano và chị gái cô đến quầy thông tin để hỏi đường bằng tiếng Pháp. Nhưng thay vì nói chuyện với nhân viên nhà ga, họ tương tác với màn hình OLED trong suốt.
Ở phía bên kia, một nhân viên người Hàn Quốc không biết tiếng Pháp nói chuyện với cặp đôi này. Tin nhắn của anh được dịch ngay lập tức để họ có thể hiểu.
Được lắp đặt vào cuối năm ngoái, dịch vụ dịch thuật hỗ trợ AI là một phần của sáng kiến nhằm hỗ trợ du khách trong những khu phố đông đúc nhất của Seoul. Hiện có tại 11 nhà ga với 13 tùy chọn ngôn ngữ và phần “Câu hỏi thường gặp” được thiết kế riêng, đây là bước tiến vượt bậc về cách công nghệ có thể được sử dụng để nâng cao trải nghiệm của du khách.
“Chúng tôi liên tục ngạc nhiên về cách công nghệ được tích hợp ở bất cứ nơi nào bạn đến ở đất nước này. Wi-fi rất nhanh ở mọi nơi và mọi người vào nhà thông qua cánh cửa mật khẩu màn hình cảm ứng”, Amandedano cho biết.
Hàn Quốc đang nỗ lực vươn lên ngang hàng với Mỹ và Trung Quốc để trở thành quốc gia hàng đầu về AI. Đầu năm nay, Bộ Khoa học và CNTT Hàn Quốc đã công bố kế hoạch đầu tư 710 tỷ won (528 triệu USD) vào AI trong năm 2024, với mục tiêu tạo ra tác động kinh tế hàng năm là 310 nghìn tỷ won (230,4 tỷ USD) vào năm 2026.
Ông Nam Chul-ki, giám đốc bộ phận chính sách AI của Bộ CNTT cho biết: “Năng lực cạnh tranh của đất nước chúng tôi về chất bán dẫn bộ nhớ AI, bằng sáng chế AI tạo sinh và khả năng sản xuất AI trên thiết bị là tốt nhất thế giới”, đồng thời nhấn mạnh rằng Hàn Quốc dẫn đầu Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế về tỷ lệ áp dụng AI trong các công ty.
Tuy nhiên, bất chấp những tiến bộ này, Hàn Quốc vẫn tụt hậu so với Mỹ, Trung Quốc và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất về đầu tư vào cơ sở hạ tầng AI.
Ông Yi Su-min, nhà sáng lập Wayne Hills Bryant AI, công ty chuyển đổi dữ liệu văn bản và giọng nói thành nội dung video kỹ thuật số, cho biết: “Đất nước chúng tôi chỉ mới bắt đầu đầu tư mạnh vào AI trong hai năm trở lại đây khi ngành công nghiệp này bắt đầu phát triển trên toàn cầu”.
Ông cho biết việc thiếu nhân sự tập trung vào đổi mới công nghệ AI là một rào cản đáng kể, vì lực lượng lao động của đất nước tập trung nhiều hơn vào “đảm bảo công việc được trả lương cao thay vì mạo hiểm đầu tư vào các công ty khởi nghiệp AI”.
Khi chính phủ thúc đẩy, SK Telecom (SKT), nhà khai thác viễn thông hàng đầu của Hàn Quốc, đang đi đầu trong việc mở rộng năng lực AI. Là thành viên của Hội đồng tư vấn cấp cao về chiến lược AI của Bộ CNTT, SKT đang triển khai công nghệ AI trên nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm cả thú y.
Bác sĩ thú y Heo Jung, giám đốc Trung tâm thú y Segaero tại Seoul, chia sẻ rằng ông đã tận mắt chứng kiến cách AI nâng cao hiệu quả làm việc như thế nào.
“Một chú chó Maltese 5 tuổi đã đến bệnh viện với tình trạng bụng quá to mà không rõ lý do”, ông kể.
Ban đầu, ông chẩn đoán chú chó bị gan to. Nhưng sau đó ông đã sử dụng X Caliber, một dịch vụ chẩn đoán X-quang hỗ trợ AI do SKT phát triển, có khả năng phân tích hình ảnh trong vòng 30 giây và có tỷ lệ phát hiện bệnh là 86%.
“X Caliber nói với tôi rằng 70% khả năng vấn đề liên quan đến dạ dày chứa đầy nước. Nếu tôi tiếp tục tập trung vào gan, thảm kịch có thể xảy ra chỉ trong vài ngày tới”, ông Heo nói.
Công nghệ này không chỉ đơn giản hóa việc chẩn đoán mà còn giúp các bác sĩ thú y như ông Heo xây dựng lòng tin với chủ vật nuôi bằng cách để họ xem xét phân tích cùng bác sĩ thú y của mình.
“Điều này đã thúc đẩy uy tín của chúng tôi. Rõ ràng là có sự chấp nhận và nhận thức ngày càng tăng về vai trò của AI trong công việc của chúng tôi”, ông Heo, cũng là Phó Chủ tịch của Hiệp hội Y khoa Thú y Seoul, cho biết.
Ngoài ra, SKT còn có dịch vụ AI dành cho những người khuyết tật về phát triển. Dịch vụ này đã giúp đỡ rất nhiều cho những người như Pyo Sung-min, giám hộ của đứa cháu trai 22 tuổi, người thỉnh thoảng lại bộc phát những hành vi bạo lực. Do không biết khi nào cháu trai lên cơn, Pyo đã phải rất khó khăn để tìm kiếm sự chăm sóc đầy đủ cho cháu.
“Sau khi bị nhiều trung tâm từ chối, cuối cùng chúng tôi cũng tìm được một trung tâm đồng ý chăm sóc thằng bé 3 giờ mỗi ngày”, Pyo nhớ lại. Với sự ra đời của CareVia, một dịch vụ AI phân tích hành vi bằng camera và phần mềm, Pyo đã có thể tăng thời gian 3 giờ đó lên 7 giờ.
Pyo cho biết: “Chúng tôi phát hiện ra rằng cháu trai tôi thường có ánh mắt đặc biệt trước khi hành động”. Điều này giúp cậu bé có thể dự đoán và kiểm soát những cơn bộc phát tiềm ẩn.
“Thằng bé vẫn đập phá đồ đạc và thỉnh thoảng đánh tôi, nhưng tôi cảm thấy cuối cùng mình cũng có thể giao tiếp với nó, từng chút một”, Pyo nói.
Tại Trung tâm chăm sóc ban ngày HopeWelfare dành cho người khuyết tật ở Daejeon, Giám đốc Hong Jeom-suk cũng nhận thấy những cải thiện tương tự ở những bệnh nhân của mình.
Bà cho biết: “Công nghệ này giúp chúng tôi đọc được biểu cảm và cảm xúc của bệnh nhân. Chúng tôi hy vọng sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ những tiến bộ công nghệ như vậy, giúp tăng cường sự tham gia xã hội cho người khuyết tật”.
Ngọc Ánh (theo SCMP)
Nguồn: https://www.congluan.vn/han-quoc-ung-dung-ai-trong-cuoc-song-hang-ngay-post316626.html