Tối 15-10, đêm hòa nhạc Chamber music đã diễn ra tại Nhạc viện TP.HCM.
Chương trình là một phần của hoạt động trao đổi hợp tác giữa Nhạc viện TP.HCM và Trường đại học Nebraska Lincoln nhằm mục đích nâng cao chất lượng đào tạo, mở ra nhiều cơ hội học tập và nghề nghiệp cho các bạn học sinh, sinh viên.
Nhiều tiết mục được biểu diễn dưới hình thức hòa tấu thính phòng như: Nối vòng tay lớn của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn; Histoire du Tango của Astor Piazzolla; Cello Suite No. 1 in G Major, Prélude của Johann Sebastian Bach.
Múa đương đại kết hợp âm nhạc trong Chamber Music – Video: HỒ LAM
Âm nhạc và múa đương đại kết hợp
Đêm hòa nhạc Chamber music diễn ra trong gần 3 tiếng với nhiều tiết mục do 7 nghệ sĩ thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau trong âm nhạc như: violin, đàn phím, cello, thanh nhạc, múa, sáng tác… của Đại học Nebraska Lincoln biểu diễn.
Không chỉ có hòa tấu thính phòng, đêm nhạc còn độc đáo bởi sự kết hợp giữa âm nhạc và múa đương đại qua phần trình diễn tổ khúc Cello Suite No. 1 in G Major, Prélude của Johann Sebastian Bach.
Cuối chương trình, các nghệ sĩ cùng biểu diễn hòa tấu thính phòng với ca khúc Nối vòng tay lớn của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
ThS Võ Ngọc Diệu Tịnh, trưởng Văn phòng Hợp tác quốc tế, Nhạc viện TP.HCM, chia sẻ thêm với Tuổi Trẻ Online về mục đích của những đêm hòa nhạc như Chamber music:
“Những buổi hòa nhạc là cơ hội để giảng viên của cả hai trường có thể cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, giao lưu về âm nhạc của mỗi nước.
Ca khúc Nối vòng tay lớn của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được trình diễn dưới hình thức hòa tấu thính phòng – Ảnh: HỒ LAM
Chamber Music là chương trình mở đầu như lời chào mừng đến với khán giả TP.HCM và trong tương lai sẽ có những chương trình hợp tác biểu diễn với quy mô lớn hơn giữa Nhạc viện TP.HCM và Đại học Nebraska Lincoln”.
Còn tiến sĩ Felix Olschofka, giáo sư violin, giám đốc Trường Âm nhạc Glenn Korff, cũng là một trong những nghệ sĩ biểu diễn trong chương trình Chamber Music, cho biết:
“Sau 4 chuyến đến thăm, dạy Masterclass và biểu diễn hòa tấu thính phòng cùng với các nghệ sĩ Việt Nam, tôi nhận thấy trình độ giảng dạy và biểu diễn âm nhạc cổ điển ở đây rất cao.
Trong những hoạt động hợp tác với Nhạc viện, tôi hy vọng có thêm nhiều chương trình trao đổi và giao lưu văn hóa giữa sinh viên, giảng viên về nghệ thuật âm nhạc để có thể cùng nhau phát triển về mặt chuyên môn”.
Nguồn: https://tuoitre.vn/noi-vong-tay-lon-cua-trinh-cong-son-trong-trinh-dien-cua-nghe-si-my-20241015172511868.htm