Hãng tin RT dẫn lời Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin cho biết, tỷ trọng của Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) trong Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu tính theo sức mua tương đương (PPP) sẽ tiếp tục tăng nhờ các thành viên mới và đạt khoảng 38% vào năm 2028.
Các nước BRICS được cho là động lực tăng trưởng kinh tế toàn cầu. (Nguồn: Bloomberg) |
Thủ tướng Mishustin đưa ra thông tin trên tại diễn đàn xuất khẩu quốc tế “Made in Russia” diễn ra ngày 14/10.
Theo ông, kim ngạch thương mại của các “quốc gia thân thiện” với Nga đang không ngừng tăng lên và có thể tạo điều kiện cho sự tăng trưởng nhanh chóng của BRICS.
“Điều này tương ứng với những thay đổi khách quan trong nền kinh tế toàn cầu, trước hết là tầm quan trọng ngày càng tăng của BRICS. Trong khi đó, Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) sẽ tiếp tục suy giảm vị thế”, Thủ tướng Nga nhấn mạnh.
Theo dữ liệu từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), tỷ trọng của G7 trong GDP toàn cầu theo PPP đã giảm đều đặn trong vài năm qua, từ 50,42% năm 1982 xuống còn 30,39% năm 2022 và dự kiến còn 29,44% trong năm nay.
Mới đây, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov cũng cho biết, các nước BRICS là động lực tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Ông chỉ rõ, tốc độ tăng trưởng trung bình hằng năm của các nền kinh tế trong nhóm này dự kiến sẽ vượt trội hơn G7.
BRICS được thành lập vào năm 2006, ban đầu có 4 thành viên là Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc. Nam Phi gia nhập BRICS vào năm 2011.
Nhóm đã có đợt mở rộng lớn trong năm nay khi Ai Cập, Ethiopia, Iran, Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) trở thành thành viên chính thức.
BRICS hiện có dân số khoảng 3,6 tỷ người, tương đương 45% dân số thế giới.
Nguồn: https://baoquocte.vn/nga-toc-do-tang-truong-trung-binh-hang-nam-cua-brics-du-kien-vuot-troi-hon-g7-290249.html