Với Quy định số 144-QĐ/TW, ngày 9/5/2024 về “chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên giai đoạn mới” đã thể hiện quyết tâm của Đảng trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ vững vàng về phẩm chất chính trị, trong sáng về đạo đức, lối sống.
Một cẩm nang “lấy xây là căn cốt”
Khi nhiều vụ việc tiêu cực được làm rõ đã kéo theo không ít cán bộ lãnh đạo, trong đó, có cả cán bộ lãnh đạo cấp cao vướng vào kỷ luật, thậm chí cả xử lý hình sự, trong đó có cả Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên T.Ư. Các cán bộ này đã vi phạm nghiêm trọng quy định những điều đảng viên không được làm, vi phạm quy định về nêu gương, lạm dụng quyền lực, vi phạm pháp luật phải bị truy tố…
Có những vụ án liên quan đến rất nhiều cán bộ ở nhiều cấp, ngành, địa phương các vụ án xảy ra tại Công ty CP Công nghệ Việt Á, vụ “chuyến bay giải cứu”…, hay gần đây là vụ án liên quan đến Công ty CP Tập đoàn Phúc Sơn, Công ty CP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát… khiến cho câu chuyện về đạo đức càng thêm “nóng”.
Cùng với đó là tình trạng nói không đi đôi với làm, gây ra sự mất niềm tin trong Nhân dân. Điều đó cho thấy tình trạng suy thoái đạo đức trong một bộ phận cán bộ, đảng viên vẫn đang là vấn đề đáng báo động, đòi hỏi Đảng phải tiếp tục chấn chỉnh, xử lý, ngăn chặn và đưa ra giải pháp để mọi cán bộ, đảng viên đều phải chấp hành ý thức tự giác tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng.
Theo PGS.TS Lê Văn Cương (nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Bộ Công an), qua cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực đầy cam go thời gian qua cho thấy, những bản án, những quyết định kỷ luật nghiêm khắc là bài học đắt giá cho bất kỳ ai, dù ở cương vị quan trọng nào mà không tu dưỡng, suy thoái về đạo đức, lối sống sẽ để tham vọng địa vị, tiền tài lấn át. Đồng thời, càng cho thấy, để ngăn chặn những biểu hiện này, phải bắt đầu từ việc vun xới sao cho “gốc vững, cây bền” nghĩa là người cán bộ trước tiên đạo đức cách mạng phải thật vững.
Để tiếp tục vun bồi “cái gốc đạo đức” cho người cán bộ, ngày 9/5/2024, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 144-QĐ/TW “về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới”. Quy định này có tính hệ thống, khái quát, cập nhật và đồng bộ với các quy định về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên; có tính liên thông với các quy định về những điều đảng viên không được làm, về trách nhiệm nêu gương.
Như các chuyên gia nhận định, trong nhiệm kỳ XIII của Đảng, đã có rất nhiều văn bản quan trọng liên quan đến công tác cán bộ như chống chạy chức chạy quyền, chống tiêu cực, nêu gương, kiểm soát quyền lực…, nhưng phần lớn đang tập trung vào ngăn chặn, đẩy lùi theo hướng chống. Với Quy định 144-QĐ/TW lại “lấy xây là căn cốt, là cơ bản”, để từ đó tạo dựng một mối quan hệ chặt chẽ, lấy xây để chống, lấy tích cực để đẩy lùi tiêu cực, lấy cái đẹp dẹp cái xấu.
Các tiêu chuẩn trong Quy định 144-QĐ/TW đã làm rõ hơn nội hàm những phẩm chất của người cán bộ, đảng viên “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”, không chỉ yêu cầu sự tu dưỡng, giữ vững phẩm chất của người đảng viên, mà còn phải vạch rõ giới hạn, ngăn chặn tư lợi cá nhân từ gia đình, người thân và những người khác lợi dụng chức vụ, vị trí công tác của người cán bộ, đảng viên để trục lợi. Đây là điểm rất mới trong quy định về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên, truyền tải nhiều thông điệp quan trọng đến đảng viên và tổ chức cơ sở đảng.
GS.TS Mạch Quang Thắng (nguyên giảng viên cao cấp
Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh)
Các nghị quyết của T.Ư luôn xác định, trong mối quan hệ giữa “xây” và “chống” thì “xây” là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược, lâu dài; “chống” là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách. Nhìn nhận như vậy để thấy sự ra đời của Quy định số 144-QĐ/TW có ý nghĩa vô cùng quan trọng và cấp thiết.
Quy định thể hiện quyết tâm của Đảng trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ vững vàng về phẩm chất chính trị, trong sáng về đạo đức, lối sống. Quy định cũng là sự khẳng định sự quan tâm đặc biệt của T.Ư về tầm quan trọng của công tác xây dựng Đảng về đạo đức, nhất là trong thời điểm từ T.Ư đến cơ sở đang đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xây dựng, chỉnh đốn Đảng, hệ thống chính trị thật sự trong sạch, vững mạnh, để Đảng ta “là đạo đức, văn minh.”
Quy định 144-QĐ/TW có 5 điều về chuẩn mực đạo đức cách mạng, với 19 tiêu chí để đánh giá việc thực hiện các chuẩn mực này, gắn với 5 mối quan hệ và các nghĩa vụ, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong các mối quan hệ đó (với Đảng – Nước – Dân; với cơ quan, tổ chức, cộng đồng, xã hội; với công việc; với đồng chí, đồng nghiệp; với bản thân). Nội dung của từng điều về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên lại được cụ thể hóa thành từng khoản gắn với tên gọi của từng chuẩn mực đạo đức đã nêu ở tên từng điều. Điều này là thể hiện sự kế thừa của Đảng ta về những tư tưởng lớn của
Chủ tịch Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng, rèn luyện đạo đức cách mạng và yêu cầu về đạo đức cách mạng với mỗi cán bộ, đảng viên. Từng đảng viên, phải tự soi, tự sửa, tự rèn luyện phấn đấu để mỗi người là tấm gương sáng để quần chúng, Nhân dân noi theo.
Nội dung các chuẩn mực đạo đức cách mạng trong Quy định này cũng cô đọng, khái quát và dễ hiểu, bắt nguồn từ câu chuyện kế thừa, vận dụng và phát triển sáng tạo trong những điều kiện mới, bối cảnh mới. Ví dụ như Điều 3 “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”; liêm chính bây giờ đặt ra ở chỗ là danh dự, lương tâm: phải có tự trọng, có liêm sỉ, danh dự là điều thiêng liêng cao quý nhất. Danh dự không phải là gì cao xa mà là việc làm tròn bổn phận, trách nhiệm trên cương vị của mỗi cán bộ đảng viên được phân công – đây là điều cốt lõi.
Hay Điều 5 “Gương mẫu, khiêm tốn, tu dưỡng rèn luyện, học tập suốt đời” đã thể hiện vai trò gương mẫu, đi đầu trong công tác, lối sống, tu dưỡng, rèn luyện, học tập, giữ gìn bản thân trong sạch, không ngừng hoàn thiện bản thân. Đồng thời, trong Quy định có nhiều nội dung mới rất đáng chú ý, như bên cạnh việc yêu cầu cán bộ, đảng viên phải tự mình rèn luyện đạo đức cách mạng, thực hiện việc “giữ gìn phẩm giá của người cán bộ, đảng viên, không để tác động lôi kéo, cám dỗ tiêu cực”; thực hiện văn hóa từ chức khi không đủ khả năng, uy tín; không để gia đình, người thân và người khác lợi dụng chức vụ, vị trí công tác để trục lợi; bảo vệ uy tín, danh dự của bản thân và tổ chức đảng…
Như nhiều chuyên gia, các đảng viên nhận định, Quy định chính là cẩm nang cho các cấp ủy đảng trong công tác giáo dục đảng viên cũng như “tấm gương” để mỗi cán bộ, đảng viên tự soi, tự sửa hàng ngày, làm tròn bổn phận và trách nhiệm, luôn vững vàng trước khó khăn, thách thức, không bị cám dỗ trước tiền tài, vật chất, danh vọng. Cán bộ, đảng viên đề cao danh dự, tự trọng, liêm sỉ, văn hóa công vụ, văn hóa từ chức, để việc “có lên, có xuống, có vào, có ra” trở thành văn hóa trong Đảng, việc làm bình thường trong công tác cán bộ của Đảng.
Tư duy mới
Việc hoàn thiện hệ thống các quy định và quyết tâm chấn chỉnh đạo đức cán bộ, giải quyết những sai phạm, nỗ lực kiểm soát quyền lực thể hiện một tư duy hành động vì sự tồn vong của Đảng, của chế độ và hạnh phúc của Nhân dân. Theo PGS.TS Bùi Đình Phong (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), nếu như các quy định trước đây của Đảng tập trung vào nhận diện những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong Nghị quyết Hội nghị T.Ư 4 khóa XII; Quy định số 37-QĐ/TW về “Những điều đảng viên không được làm”… để tạo “rào chắn”, “lằn ranh đỏ” cảnh báo cán bộ, đảng viên trước thói hư tật xấu, thì Quy định số 144-QĐ/TW được nhìn nhận ở góc “xây”, tức là cán bộ, đảng viên phải hấp thu món ăn tinh thần bổ dưỡng, vun bồi những chuẩn mực đạo đức cách mạng, làm cho cơ thể trong sạch, lành mạnh, đủ sức đề kháng với mọi “bệnh tật” như tham nhũng, tiêu cực.
Điều này thể hiện tầm tư duy mới, nhận thức mới, hành động mới. Cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực đầy cam go thời gian qua cho thấy, chính “gốc đạo đức” không bền là nguyên nhân dẫn tới nhiều cán bộ, đảng viên trong đó có cả cán bộ lãnh đạo quản lý bị tha hóa, biến chất, có hành vi nhận tham ô, hối lộ. Để ngăn chặn những biểu hiện này, phải bắt đầu từ việc vun xới sao cho “gốc vững, cây bền” nghĩa là người cán bộ trước tiên đạo đức cách mạng phải thật vững.
Với nhận định xây dựng Đảng về đạo đức xuất phát từ thực tiễn trong công tác xây dựng Đảng, từ thực tiễn thời gian qua, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc (nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng) cho rằng, người cán bộ lãnh đạo và quản lý cấp chiến lược có đạo đức tốt, có nền tảng văn hóa đạo đức vững vàng là điều kiện cần thiết bậc nhất trước khi tính đến các tiêu chuẩn quan trọng khác.
Trách nhiệm đạo đức đang đòi hỏi văn hóa đạo đức của cán bộ các cấp phải được quan tâm đặc biệt, nếu không hậu quả về sự biến chất vô cùng khó lường. Với Quy định 144-QĐ/TW, khía cạnh “đạo đức” là cụ thể hóa nội dung xây dựng Đảng về đạo đức mà Đại hội XIII của Đảng, trong đó, chỉ ra rất cụ thể về từng chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới, đây là cơ sở để cán bộ, đảng viên dễ thực hành tu dưỡng, rèn luyện hành vi ứng xử trong công việc và cuộc sống hàng ngày. Nhưng điều đó cũng đòi hỏi tinh thần trách nhiệm chính trị cao của từng cán bộ, đảng viên để có thể “soi rọi” sửa đổi, sửa chữa những yếu kém, trên tinh thần không giấu diếm khuyết điểm.
Khi quán triệt về Quy định 144/QĐ-TW đến các tổ chức cơ sở Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư Nguyễn Trọng Nghĩa dẫn lại lời căn dặn của Bác Hồ “một dân tộc, một Đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến, ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”. Đây là nhận định sâu sắc, giá trị và đến nay phải suy ngẫm, nghiên cứu…
Cũng theo Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư Nguyễn Trọng Nghĩa, kết quả điều tra dư luận xã hội của Ban Tuyên giáo T.Ư cho thấy, có trên 83% cán bộ, đảng viên, Nhân dân khi được hỏi đều đồng tình phải kiên quyết xử lý nghiêm trách nhiệm chính trị của người đứng đầu để xảy ra tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực, địa bàn phân công, quản lý phụ trách. Phải kịp thời cho từ chức, miễn nhiệm, thay thế những cán bộ bị kỷ luật, năng lực hạn chế, uy tín giảm sút, thể hiện sự nghiêm minh và cũng rất nhân văn, đưa “có lên có xuống, có vào có ra” dần trở thành văn hóa, việc làm bình thường trong công tác cán bộ.
Hiện các địa phương đang chuẩn bị cho Đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng, Quy định 144-QĐ/TW chính là “cẩm nang”, là cơ sở để cấp ủy, tổ chức đảng các cấp xem xét, đánh giá, lựa chọn cán bộ, đảng viên đưa vào quy hoạch, chuẩn bị nhân sự cho Đại hội đảng các cấp. Bởi những tiêu chuẩn đạo đức đã được định lượng chính là thước đo để lựa chọn những cán bộ đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn về đạo đức, năng lực; có “bản lĩnh, đổi mới, sáng tạo, hội nhập”, biết sống “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”, là những cán bộ đủ đức đủ tài, có uy tín, năng lực. Đặc biệt, soi rọi để làm tốt các khâu của công tác cán bộ, nhất là khâu đánh giá cán bộ, tạo nguồn cán bộ… để chọn lọc được những cán bộ đủ phẩm chất, liêm chính vào tổ chức bộ máy.
Tại Hà Nội, đã có không ít cán bộ cưới con chỉ báo hỷ, việc hiếu không nhận tiền phúng viếng. Rồi nữa, từ năm 1992, Hà Nội đã phát động phong trào “Người tốt, việc tốt” theo lời dạy của Bác Hồ và gợi ý của cố Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng. Đến nay, phong trào “Người tốt, việc tốt” của TP Hà Nội đã đi vào chiều sâu, có sức lan tỏa mạnh mẽ, tạo nét văn hóa đặc sắc cho một “Thăng Long – Hà Nội nghìn năm văn hiến”.
Cứ đúng dịp kỷ niệm Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10 hàng năm, Hà Nội tổ chức tôn vinh hàng nghìn người tốt, việc tốt, trong đó có rất nhiều tấm gương sáng của cán bộ, đảng viên trên các lĩnh vực. Đây cũng là sự thể hiện sinh động về tính nêu gương của cán bộ, đảng viên; lấy xây để chống, lấy cái tốt để dẹp cái xấu.
(Còn nữa)
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/bai-3-quy-dinh-mang-tu-duy-hanh-dong.html