Hai con gái của cô Vy Thị Thương (tên nhân vật được thay đổi theo yêu cầu), giáo viên tiểu học tại huyện miền núi thuộc một tỉnh ở Bắc Trung Bộ đều từng đạt thủ khoa trong kỳ thi tốt nghiệp THPT các năm trước đây.
Một cháu có mức điểm lập kỷ lục tại trường THPT từ trước đến nay, một cháu là thủ khoa của tỉnh. Trong đó, một cháu nối nghiệp mẹ thi vào sư phạm.
Sinh sống ở nơi còn khó khăn, việc đến trường của học sinh còn gặp nhiều trở ngại, không ít đứa trẻ dang dở việc học thì các con của cô Thương đều đạt kết quả học tập tốt.
Khi chia sẻ về thành tích học tập của con, cô Thương khẳng định, các con của mình có cơ hội học tập hơn bạn bè nhờ mẹ làm… giáo viên. Không chỉ về điều kiện vật chất mà còn về sự hỗ trợ, xây dựng môi trường học tập, tạo động lực cho con.
Cô Thương cho hay, lương giáo viên có thể còn thấp nhưng so với rất nhiều ngành nghề khác, nghề giáo giúp gia đình cô có điều kiện nuôi con ăn học ở mức cơ bản. Chồng cô làm ruộng, đi rừng chủ yếu chỉ kiếm thêm tiền gạo, tiền cơm hàng ngày.
Tuy vậy, với không ít gia đình làm công việc khác, họ khó kham nổi việc học của con, trẻ phải nghỉ học sớm đi làm kiếm tiền phụ gia đình.
“Mặt bằng chung, tôi chưa thấy con cái của giáo viên nào phải bỏ học giữa chừng vì không có tiền đóng học phí. Nếu có thì đó là những hoàn cảnh ngặt nghèo, bệnh tật”, cô Thương thẳng thắn.
Theo cô Thương, con của giáo viên có điều kiện và cơ hội học tập hơn hẳn những đứa trẻ có bố mẹ làm ngành nghề khác, không chỉ về tiền về bạc.
Mẹ làm nghề giáo, con được tiếp cận với sách vở từ sớm, mẹ cũng có thể kèm cặp, hỗ trợ con học hành, xây dựng môi trường học tập ngay trong gia đình, hỗ trợ định hướng nghề nghiệp…
“Gần 30 năm theo nghề, chưa bao giờ tôi than thở nghề giáo bạc thế này thế kia. Công việc mình lựa chọn thì phải nâng niu và có trách nhiệm với nghề. Nghề mang lại những giá trị với con cái, với gia đình mà không phải ngành nghề nào cũng có”, cô Thương nói.
Cô Nguyễn Thị Hậu, giáo viên về hưu ở Nghệ An chia sẻ, thời cô đi dạy, trong bối cảnh chung của xã hội, nghề giáo còn khó khăn phải chạy ăn từng bữa, việc nuôi con ăn học rất vất vả.
Nhưng, cô nhìn quanh mình, con cái của các đồng nghiệp thế hệ mình đều được ăn học đến nơi đến chốn, có việc làm ổn định, có nền tảng giáo dục tốt hơn so với mặt bằng chung ở địa phương.
Cô Hậu cho rằng không chỉ là vấn đề tài chính mà hơn hết khi bố mẹ theo nghề giáo, họ có điều kiện để xây dựng được cho con nền tảng học tập, định hướng được con đường cho con tốt hơn nhiều phụ huynh làm công việc khác.
Cô Hậu kể, hồi con gái đầu của cô học tiểu học, cháu có tên trong danh sách 3 học sinh trong lớp được nhận hỗ trợ 5 cuốn vở. Phần hỗ trợ này ngày đó rất giá trị với mọi người cũng như gia đình cô.
Tuy nhiên, sau khi trò chuyện, cân nhắc, hai mẹ con đã quyết định gửi lại phần hỗ trợ này cho một bạn học sinh khác trong lớp có hoàn cảnh mồ côi bố, một mình mẹ làm thuê làm mướn nuôi ba đứa con ăn học.
“Cũng chỉ học hết lớp 5, em học sinh này nghỉ học ở nhà phụ mẹ, hai đứa em sau cũng chỉ học hết lớp 9 rồi nghỉ. Nhà tôi thời đó cũng khó khăn nhưng so với nhiều gia đình, cả 3 đứa con của tôi đều vào đại học.
Nghề giáo cho tôi nhiều cơ hội để nuôi con ăn học không chỉ về vật chất mà về định hướng học tập cho con hơn so với bạn bè cùng thời với mình”, cô Hậu nói.
Cô Hậu ấm lòng trước đề xuất miễn học phí cho con giáo viên đang được thảo luận. Điều này cho thấy các cơ quan quản lý ngày càng quan tâm đến đời sống của nhà giáo hướng đến việc giúp họ yên tâm, gắn bó với công việc hơn.
Tuy nhiên, theo cô Hậu, nếu việc hỗ trợ thông qua việc miễn học phí, cần quan tâm đến những hoàn cảnh, đối tượng học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó tiếp cận với việc học, có nguy cơ thất học cao hơn con cái của giáo viên.
“Tôi nghĩ người thầy sẽ rất khó để nhận “ưu ái” con mình được miễn học phí khi mà học trò mình có những em có hoàn cảnh ngặt nghèo, có nguy cơ đứt gánh việc học”, cô bày tỏ.
Theo cô Hậu, quan tâm đời sống nhà giáo, thu hút người giỏi vào sư phạm cần những chính sách cụ thể, tập trung vào chính bản thân người thầy.
Đó có thể là cải cách chính sách tiền lương, nâng cao điều kiện làm việc của thầy cô, giảm những thủ tục hành chính, tăng cường các hoạt động bồi dưỡng nâng cao chuyên môn, cho họ không gian tự do và sáng tạo để họ phát huy được năng lực cá nhân…
Nguồn: https://dantri.com.vn/giao-duc/co-giao-co-2-con-thu-khoa-me-lam-nghe-giao-con-co-dieu-kien-hon-ban-be-20241014152004539.htm