Việc triển khai Trung tâm giám sát, điều hành thông minh tỉnh Quảng Bình được coi là một trong những giải pháp trọng tâm nhằm thúc đẩy chuyển đổi số cũng như xây dựng chính quyền điện tử trên địa bàn. Thời gian qua, cùng với việc triển khai dùng thử phần mềm lõi IOC tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với Tập đoàn VNPT, Tập đoàn Viettel triển khai 10 phần mềm, dịch vụ thông minh thuộc nhóm cơ bản và nâng cao, trong đó 03 phần mềm được UBND tỉnh cấp kinh phí đầu tư và 07 phần mềm, dịch vụ triển khai thử nghiệm giải pháp.
Tính đến cuối tháng 8/2024, Hệ thống tiếp nhận và xử lý phản ánh hiện trường đã tiếp nhận 630 phản ánh, trong đó có 482 phản ánh được điều phối đến các cơ quan, đơn vị xử lý; 148 phản ánh không đủ điều kiện tiếp nhận. Chất lượng xử lý phản ánh được người dân đánh giá tương đối tốt (Hài lòng 70,54%; Chấp nhận 13,28% và Không hài lòng 16,18%). Tổng đài Call Center đã tiếp nhận và thực hiện gần 1.500 cuộc gọi đến/đi yêu cầu hỗ trợ các vấn đề liên quan đến phản ánh hiện trường từ tổ chức, cá nhân và hướng dẫn về quy trình, nghiệp vụ xử lý phản ánh hiện trường trên Hệ thống phần mềm cho các cơ quan, đơn vị; có 41 cơ quan, đơn vị tham gia xử lý phản ánh trên Hệ thống phần mềm (trong đó có 08 doanh nghiệp); tỷ lệ phản ánh được các cơ quan, đơn vị xử lý đúng hạn 67,2%, trễ hạn 32,8%.
Ngoài ra, Hệ thống giám sát thông tin trên không gian mạng được tỉnh đầu tư (0,5 tỷ đồng, theo dự án “Triển khai thí điểm một số dịch vụ đô thị thông minh trên địa bàn tỉnh Quảng Bình”) do Tập đoàn VNPT cung cấp, đưa vào sử dụng tháng 9/2021 và duy trì đến nay. Tính đến cuối tháng 8/2024, hệ thống đã rà quét, phân tích và phát hiện trên 15.000 tin, bài viết về Quảng Bình phục vụ xây dựng trên 670 bản tin điểm báo hàng ngày, kịp thời thông tin và tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo định hướng dư luận và xử lý vi phạm trong hoạt động thông tin, báo chí.
Hệ thống giám sát an toàn thông tin mạng của tỉnh giám sát hơn 100 máy chủ (ảo) tại Trung tâm dữ liệu điện tử tỉnh và của UBND thành phố Đồng Hới; giám sát hơn 2.510 máy tính client của cán bộ các sở, ban, ngành và địa phương trong toàn tỉnh. Ngoài chức năng giám sát, hệ thống còn có chức năng phòng chống mã độc, phòng chống virut từ không gian mạng cho các máy trạm của cán bộ tại các đơn vị, địa phương. Hệ thống được kết nối và đồng bộ dữ liệu liên tục lên hệ thống giám sát an toàn không gian mạng quốc gia. Trong tháng 8/2024, đã ghi nhận và xử lý hơn 69.600 cảnh báo mất an toàn thông tin, trong đó có 19.879 cảnh báo mức độ cao, 47.752 cảnh báo mức độ trung bình và thấp.
Đồng chí Hoàng Xuân Tân – Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu kết luận tại buổi làm việc
Tuy nhiên, công tác triển khai thực hiện hệ thống giám sát, điều hành thông minh trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp một số khó khăn, hạn chế như: Nghiên cứu, lựa chọn giải pháp và tổ chức xây dựng, triển khai hệ thống Trung tâm giám sát, điều hành thông minh (IOC), các phần mềm, dịch vụ thông minh phù hợp với đặc điểm của địa phương là việc mới, phức tạp và khó khăn đòi hỏi sự tham gia tích cực và chủ động của tất cả các cấp, các ngành. Nhưng hiện nay sự tham gia trên một số lĩnh vực như xây dựng, môi trường, giao thông… vẫn chưa cao. Trung tâm giám sát, điều hành và các ứng dụng, dịch vụ thông minh muốn hoạt động tốt phải dựa vào dữ liệu nhưng do điều kiện ngân sách khó khăn, việc đầu tư phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu và hạ tầng thiết bị IoT (chứa camera, cảm biến…) chuyên ngành, lĩnh vực của tỉnh còn rất hạn chế, ảnh hưởng đến việc kết nối, chia sẻ, hình thành dữ liệu dùng chung, dữ liệu mở để khai thác, sử dụng.
Phát biểu kết luận cuộc họp, đồng chí Hoàng Xuân Tân đánh giá, ghi nhận những kết quả vượt bậc của Trung tâm IOC trong thời gian qua. Để phát huy hiệu quả và nâng cao chất lượng hoạt động của Trung tâm như tập hợp, kết nối và xử lý số liệu để tạo ra giá trị mới, đưa công cuộc chuyển đổi số của tỉnh đi vào thực chất, hiệu quả, đồng chí Hoàng Xuân Tân đề nghị các sở, ngành, địa phương, đặc biệt là Sở Thông tin và Truyền thông, các sở, ban ngành, địa phương cần quyết liệt hơn nữa trong xây dựng và tạo lập dữ liệu của ngành, lĩnh vực quản lý để làm giàu dữ liệu trên Hệ thống IOC tỉnh.
Đồng chí Phó Chỉ tịch tỉnh cũng đề nghị các Sở chức năng: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nội vụ quan tầm về nguồn lực, bao gồm cả nhân lực và vật lực để cùng với Sở Thông tin và Truyền thông tập trung triển khai hiệu quả hệ thống điều hành thông minh tỉnh, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số trên địa bàn tỉnh./.
Nguồn: https://mic.gov.vn/trung-tam-dieu-hanh-thong-minh-tinh-quang-binh-bo-nao-so-xay-dung-thanh-pho-thong-minh-197241005103735948.htm