Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Quảng Ngãi giai đoạn 2011-2015có tốc độ tăng trưởng GRDP cao khoảng 8,4%. Trong đó, động lực tăng trưởng của tỉnh là Khu kinh tế Dung Quất, Nhà máy lọc hóa dầu Dung Quất, nhà máy thép. Tuy nhiên theo Bộ trưởng, tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh đang chậm lại. Ngoài ra, dù tỉnh đạt tốc độ tăng trưởng GRDP và thu ngân sách cao trong một giai đoạn dài song thu nhập bình quân đầu người rất thấp, tỷ lệ đô thị hoá rất thấp. “Có phải tỉnh đang quá phục thuộc vào dầu, thép hay không?”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đặt vấn đề.
Do đó, theo Bộ trưởng, thời gian tới, tỉnh Quảng Ngãi cần cơ cấu lại các ngành, không được quá phụ thuộc vào Khu kinh tế Dung Quất, vào các nhà máy lọc dầu, thép. Cùng với đó, Quảng Ngãi cần tận dụng hết các mối liên kết kinh tế với Quảng Nam, Bình Định, nhất là với Khu kinh tế Chu Lai của Quảng Nam; tận dụng các cảng nước sâu, sân bay Chu Lai…. “Quan điểm là cần dựa vào nhau để phát triển trong bối cảnh liên kết vùng đặt ra rất lớn. Hai khu kinh tế bên cạnh nhau, cần tạo ra mối liên kết chặt chẽ để trở thành một tổ hợp công nghiệp lớn của cả nước”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Bộ trưởng nhấn mạnh, việc lập quy hoạch tỉnh là cơ hội để tỉnh định vị lại mình, xác định những điểm nghẽn, nút thắt cần phải giải quyết cũng như tìm ra những động lực mới, xung lực mới để tỉnh tận dụng được các tiềm năng lợi thế. Từ đó mới có thể phát triển nhanh, bền vững.
Góp ý tại Hội nghị, các ý kiến chuyên gia đánh giá, Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 có nội dung thể hiện tư duy mới, tầm nhìn mới phù hợp với định hướng phát triển của Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội đất nước, của vùng giai đoạn 2021-2030; từ đó mở ra những cơ hội phát triển mới và định hình các giá trị mới cho tỉnh Quảng Ngãi trong thời kỳ quy hoạch.
Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, tỉnh cần làm rõ nguyên nhân tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm trong thời gian qua; tỷ trọng FDI gần như thấp nhất vùng, thu nhập bình quân đầu người thấp hơn so với trung bình của cả nước.
Đặc biệt quan tâm tới liên kết vùng, chuyên gia quy hoạch Phạm Trung Lương, đề nghị làm rõ mối quan hệ vùng, liên kết phát triển của Quảng Ngãi với vùng kinh tế trọng điểm miền Trung để thấy được sự liên kết vùng của hai địa phương là Quảng Nam và Bình Định trong vùng và cả với Vùng Tây Nguyên.
Góp ý cho quy hoạch tỉnh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị cần đánh giá công tác đầu tư cho nhiệm vụ xây dựng và hoạt động của khu vực phòng thủ tỉnh; kết quả huấn luyện dân quân tự vệ, dự bị động viên; hoạt động của dân dân thường trực biển trong bảo vệ sản xuất, phát triển kinh tế…
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh cho biết, công tác tổ chức lập Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 có vai trò và ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc hoạch định tầm nhìn dài hạn để phát triển tỉnh Quảng Ngãi.
Một số nội dung trọng tâm, nổi bật của quy hoạch, đó là: Quy hoạch tỉnh đưa ra 3 tầm nhìn chiến lược gồm: Quảng Ngãi phát triển dựa trên những ưu thế riêng có của mình – hướng đến mô hình phát triển kiểu mẫu bền vững; Quảng Ngãi một điểm đến mới, chuyên sâu trên cung kinh tế trọng điểm miền Trung, liên kết với thành phố Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và Bình Định trở thành trung tâm kinh tế khu vực miền trung Tây Nguyên, Quảng Ngãi (kết hợp Quảng Nam) phát huy lợi thế riêng có để trở thành trung tâm công nghiệp, hậu cần cảng biển, kinh tế biển-đảo, kinh tế rừng xanh, hành lang kinh tế Đông Tây.
Tin, ảnh: VŨ DUNG