TP – Trên địa bàn thành phố Hà Nội có hơn 500 cầu đường bộ. Để đảm bảo an toàn và thực hiện chỉ đạo của thành phố, lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội đang khẩn trương rà soát tất cả các cầu đường bộ hiện có để sửa chữa hoặc kiến nghị sửa chữa, nâng cấp.
Lập dự án sửa chữa cầu Chương Dương
Qua rà soát và báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội, trên địa bàn thành phố có hàng chục cầu qua sông, riêng trên sông Hồng có 9 cầu. Trong đó có cầu: Thăng Long, Chương Dương, Vĩnh Tuy (giai đoạn 1 và giai đoạn 2), Thanh Trì, Nhật Tân, Vĩnh Thịnh, Long Biên, Việt Trì – Ba Vì. Trong 9 cầu này, có 2 cầu được đánh giá là yếu và có tuổi thọ lâu năm nhất, gồm: cầu Long Biên, cầu Chương Dương. “Khi mưa lũ đang xảy ra, để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện, hạ tầng giao thông thì hai cầu này cần có phương án bảo vệ, gia cố khẩn trương” – Đại diện Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội cho biết.
Chương Dương là cầu huyết mạch tại nội thành Hà Nội. Ảnh: Trọng Đảng |
Trao đổi với PV Tiền Phong về việc đảm bảo an toàn cho cầu Chương Dương và cầu Long Biên khi mùa mưa lũ đang diễn ra, ông Trần Hữu Bảo, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, ngay khi nước sông Hồng dâng cao và chạm mức báo động 1, Sở GTVT Hà Nội đã có phương án điều chỉnh lưu lượng xe lưu thông trên cầu. Cụ thể, thành phố quyết định cấm toàn bộ xe khách, xe hợp đồng và xe tải từ 0,5 tấn trở lên để giảm mật độ, tải trọng cho cầu. Do vậy trong ngày 10/9, xe lưu thông trên cầu chỉ còn ô tô con, xe buýt và xe máy, không còn tình trạng mật độ xe dày đặc, ùn ứ như những ngày trước đó. Về lâu dài, Sở GTVT đã có dự án kiểm định, sửa chữa cấp lớp theo chu kỳ 5 – 10 năm đối với cầu Chương Dương.
Đánh giá về mức độ an toàn của cầu Chương Dương, ông Bảo khẳng định, qua nhiều lần kiểm tra, duy tu bảo dưỡng gần đây thông số kỹ thuật cho thấy, cầu vẫn bảo đảm khả năng chịu lực, cơ bản vẫn an toàn và hoạt động bình thường.
Với cầu Long Biên, ông Bảo cho biết, đây là cầu do Tổng Cty đường sắt Việt Nam quản lý. Do vậy, việc kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn và sửa chữa là thẩm quyền của Bộ GTVT. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện đường bộ đang lưu thông trên hai bên đường cánh gà, hạ tầng trên cầu khi nước lũ đang dâng cao, sau khi có ý kiến của Tổng Cty Đường sắt, từ 15h chiều ngày 10/9, UBND thành phố đã chấp thuận cho Sở GTVT và Công an thực hiện phương án phân luồng, tổ chức lại giao thông tại đây theo phương án “đóng” cầu, cấm người và xe qua lại.
Cấm tàu thuyền hoạt động trên nhiều tuyến sông
Chiều 11/9, Sở GTVT Hà Nội có thông báo, từ ngày 11/9, cấm phương tiện tàu thuyền hoạt động trên các sông Đáy, sông Cà Lồ, suối Yến, Hồ Suối Hai…
Rà soát cấp bách để sửa chữa cầu yếu
Trước việc một số cầu trên sông mất an toàn, mới đây, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ký công điện yêu cầu các sở, ngành tăng cường công tác kiểm soát, đảm bảo an toàn khai thác công trình cầu trên địa bàn thành phố. “Việc này cần làm ngay theo hướng cấp bách để tránh các rủi ro do mưa bão gây ra”, ông Thanh chỉ đạo.
Cụ thể, Chủ tịch Hà Nội yêu cầu chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã khẩn trương tổ chức rà soát, kiểm tra, đánh giá toàn bộ các công trình cầu đang khai thác trên địa bàn thuộc trách nhiệm quản lý (đặc biệt là các công trình cầu vượt sông, cầu phao, cầu tạm) để kịp thời phát hiện đưa ra biện pháp xử lý ngay đối với các công trình có nguy cơ mất an toàn khai thác. “Căn cứ thực tế hiện trạng công trình, tình hình nước lũ, quyết định việc tạm dừng hoạt động khai thác kịp thời đối với công trình cầu không đảm bảo hoặc có nguy cơ mất an toàn giao thông; đồng thời phối hợp cùng Sở GTVT Hà Nội, Công an thành phố và lực lượng chức năng phân luồng đảm bảo giao thông, hướng dẫn người dân đi lại được an toàn và thuận lợi”, công điện yêu cầu.
Thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch thành phố, ông Trần Hữu Bảo – Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, ngoài 9 cầu trên sông Hồng, trên địa bàn thành phố còn có hơn 500 cầu đường bộ khác do thành phố trực tiếp giao cho Sở GTVT Hà Nội quản lý. Ngoài ra trên địa bàn các quận còn có hệ thống cầu đường bộ do địa phương quản lý. Với 500 cầu nói trên, Sở đã có chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ rà soát tổng thể, trong đó có các cầu trên sông Hồng. Trong quá trình rà soát nếu phát hiện có cầu yếu, xuống cấp Sở GTVT sẽ triển khai việc sửa chữa khẩn cấp. Đề cập đến phương án sửa chữa cầu Chương Dương, ông Bảo cho biết, Sở GTVT báo cáo UBND thành phố Hà Nội và được thành phố phê duyệt. Hiện, sở đang tổ chức đấu thầu lựa chọn đơn vị tư vấn thiết kế sau bước thiết kế cơ sở (thiết kế bản vẽ thi công). Dự kiến, dự án sẽ được triển khai trong giai đoạn 2025-2026. “Hiện, cầu Chương Dương vẫn bảo đảm khả năng chịu lực, cơ bản hoạt động bình thường”, ông bảo thông tin.
Theo đơn vị quản lý cầu Chương Dương, cầu được hoàn thành vào năm 1985 vượt qua sông Hồng nối hai quận Hoàn Kiếm – Long Biên. Đây là cây cầu đầu tiên do các kỹ sư Việt Nam tự thiết kế và thi công. Hiện mỗi ngày, cầu Chương Dương có khoảng 95.000 lượt xe qua lại, gấp hơn 8 lần so với thiết kế. Sau 40 năm đưa vào sử dụng, mặt cầu và khe co giãn bị xuống cấp nhanh chóng, công tác sửa chữa, duy tu thường xuyên không đáp ứng được yêu cầu nhất là khi lưu lượng phương tiện qua lại lớn.
Nguồn: https://tienphong.vn/ha-noi-ra-soat-hon-500-cau-duong-bo-post1672229.tpo