Chứng khoán tuần trước tiếp tục thất bại khi cố gắng vượt đỉnh cũ 1.300. Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, chuyên gia đưa ra nhiều thông tin có thể tác động đến thị trường.
Yếu tố nào hỗ trợ chứng khoán vượt đỉnh 1.300?
• Ông Nguyễn Thành Trung – giám đốc tư vấn đầu tư chứng khoán Thành Công:
– Một vài lý do khiến VN-Index gặp khó khi tiếp cận vùng 1.300 như lo ngại thanh khoản thị trường còn thấp, dòng tiền chỉ tập trung vào một số ngành như ngân hàng, thép…
Tuần trước đón nhận thông tin từ công bố CPI của Mỹ, mặc dù giảm nhưng vẫn cao hơn kỳ vọng thị trường nên cũng có sự biến động trong giữa tuần. Điều này ít nhiều dao động tâm lý giới đầu tư.
Dự báo về điểm số nói chung rất khó, nhưng nếu xét về trạng thái và những yếu tố cơ bản đang hỗ trợ có thể kỳ vọng VN-Index sẽ vượt được 1.300 điểm.
Chẳng hạn, thị trường toàn cầu liên tục vượt đỉnh, cùng với đó quay lại chu kỳ tiền rẻ hơn ở cả châu Âu, Mỹ và Trung Quốc. Xu hướng này sẽ tác động tích cực đến tâm lý của nhà đầu tư tại Việt Nam.
Kết quả kinh doanh quý 3 dần được công bố, thông tin tốt thường ra trước. Toàn thị trường dự kiến tăng 15-20%, thúc đẩy nền tảng cơ bản của các doanh nghiệp.
Một thông tin khác có thể tác động vài nhóm cổ phiếu trong tuần này, đó là tăng giá điện. Điều này có thể tác động tiêu cực đến một số ngành sản xuất tiêu thụ nhiều điện như xi măng, thép, hóa chất…
Trong cơ cấu giá vốn hàng bán của một số doanh nghiệp, chi phí điện chiếm tỉ trọng cao như: thép 10%, hóa chất 9%, xi măng 14-15%, giấy 4-5%…
Trái ngược với doanh nghiệp sản xuất, phân phối điện sẽ hưởng lợi từ việc tăng giá này. Theo đó khi EVN cải thiện tài chính sẽ giúp cải thiện dòng tiền thanh toán cho các nhà máy điện, đặc biệt là nhóm nhiệt điện như POW, PGV, NT2, và QTP…
Dòng tiền rụt rè khi sát mốc 1.300
• Ông Đoàn Minh Tuấn – trưởng phòng nghiên cứu và đầu tư FIDT:
– Trong 2 phiên đầu tuần trước, VN-Index đã hoàn thành nhịp điều chỉnh cần thiết tại khu vực 1.265 – 1.270. Sau đó nhanh chóng phục hồi, nhờ vào dòng tiền bắt đáy cao hơn kỳ vọng.
Nhưng dòng tiền tương đối rụt rè với khối lượng giao dịch tương đối thấp tại các thời điểm VN-Index chạm ngưỡng 1.300. Kịch bản khả thi là chỉ số tạo nền giá vững vàng vùng 1.280 – 1.300, tích lũy và chờ cơ hội vượt đỉnh.
Một điểm đáng chú ý là dòng tiền đầu tư đang phân hóa rõ ràng trước thềm báo cáo tài chính quý 3. Trong khi ngành ngân hàng, thép, bán lẻ thiết yếu và chăn nuôi đang thu hút dòng tiền rất tốt nhờ vào kỳ vọng kết quả tăng trưởng cao trong quý 3, ngành bất động sản, chứng khoán, bán lẻ không thiết yếu… lại chịu sức ép điều chỉnh khi dự kiến tăng trưởng đi lùi, thậm chí tăng trưởng âm.
Kịch bản cơ sở có thể là chỉ số tích lũy thành công hỗ trợ 1.270, tiếp tục dao động vùng 1.280 – 1.300 trong giai đoạn công bố kết quả kinh doanh quý 3.
Nhà đầu tư sẽ tiếp tục nghe ngóng?
* Ông Đinh Quang Hinh, trưởng bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường Chứng khoán VNDirect:
– Mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 3 bắt đầu sẽ phần nào trả lời cho nhà đầu tư về những lo ngại gần đây xung quanh ảnh hưởng siêu bão Yagi.
Kỳ vọng bức tranh lợi nhuận toàn thị trường quý 3 vẫn sẽ duy trì tích cực, được thúc đẩy bởi đà tăng trưởng quý vừa qua và mức nền so sánh thấp của cùng kỳ năm ngoái.
Nếu bức tranh lợi nhuận tích cực như kỳ vọng sẽ là cú hích tinh thần mạnh mẽ cho nhà đầu tư và xu hướng thị trường chứng khoán từ nay tới cuối năm 2024.
Ngoài ra, thị trường cũng hướng sự chú ý tới những diễn biến mới của nền kinh tế Mỹ cũng như cuộc họp chính sách của Ủy ban thị trường mở FOMC vào đầu tháng 11.
Hiện tại thị trường vẫn tin vào khả năng Fed sẽ tiếp tục cắt giảm 0,25 điểm % lãi suất điều hành trong cuộc họp sắp tới. Hơn thế nữa, sự kiện bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới cũng sẽ tác động nhất định tới thị trường tài chính toàn cầu.
Trong bối cảnh nhà đầu tư đang nghe ngóng những diễn biến quan trọng tới đây, việc thị trường giao dịch chậm và thận trọng có thể tiếp diễn tuần này.
Nguồn: https://tuoitre.vn/chung-khoan-tuan-moi-evn-tang-gia-dien-nhom-co-phieu-nao-thap-thom-20241013214707386.htm