Sáng 13.10, Công ty CEI Vietnam tổ chức ngày hội giáo dục Canada 2024 tại TP.HCM, thu hút khoảng 1.000 phụ huynh, người học và đại diện Tổng lãnh sự quán Canada cùng cả trăm cơ sở giáo dục sau trung học ở nước này tham dự. Trao đổi với Thanh Niên bên lề sự kiện, ông Tùng Phan, Giám đốc văn phòng CEI Toronto (Canada) kiêm Giám đốc Phan Immigration (Canada), chia sẻ nhiều lưu ý dành cho du học sinh Việt.
Canada liên tục đổi chính sách, cần biết gì?
Cụ thể, ông Tùng cho biết kể từ đầu năm 2024 đến nay, Canada đã 4 lần cập nhật chính sách liên quan đến du học sinh. Lần đầu vào tháng 1, nước này nói sẽ giới hạn chỉ tiêu cấp giấy phép du học xuống còn 360.000, giảm 35% so với 2023, và yêu cầu nộp thêm thư chứng thực từ tỉnh bang hay vùng lãnh thổ (PAL) trong hồ sơ xin giấy phép du học.
Cũng theo Bộ Di trú, tị nạn và quốc tịch Canada (IRCC) vào thời điểm đó, sinh viên tốt nghiệp thạc sĩ và các chương trình sau ĐH ngắn hạn khác được xin giấy phép làm việc sau tốt nghiệp (PGWP). Ngoài ra, giấy phép lao động mở rộng (open work permit) chỉ được cấp cho vợ/chồng của sinh viên quốc tế theo học các chương trình thạc sĩ, tiến sĩ.
Vào tháng 4 và tháng 6, IRCC lần lượt ra hai thông báo mới. Một là, IRCC sẽ cho phép du học sinh được làm việc nhiều hơn, từ 20 giờ lên 24 giờ/tuần, song đến nay vẫn chưa có thông tin chính thức “nên sinh viên quốc tế vẫn phải tuân thủ quy định cũ”, ông Tùng lưu ý. Hai là, Canada sẽ ngừng cấp PGWP cho người nước ngoài tại biên giới nước này.
Gần đây nhất vào tháng 9, IRCC công bố giảm thêm 10% chỉ tiêu cấp giấy phép du học cho năm sau, và chỉ tiêu này giờ sẽ bao gồm thêm bậc thạc sĩ và tiến sĩ. Ngoài ra, đương đơn theo học các chương trình thạc sĩ có thời lượng đào tạo từ 16 tháng trở lên mới đủ điều kiện để vợ/chồng xin giấy phép đi làm, thay vì chỉ cần học thạc sĩ như trước.
Tiếp nối các thông tin công bố hồi tháng 9, vào đầu tháng 10, IRCC đã đưa ra nhiều cập nhật chi tiết hơn. Cụ thể, từ ngày 1.11 tới, đương đơn muốn xin PGWP giờ phải bổ sung chứng chỉ tiếng Anh hoặc tiếng Pháp theo yêu cầu của cấp độ học. Ngoài ra, với những trường hợp không tốt nghiệp cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ ở trường ĐH, đương đơn phải học những ngành trong danh sách mà IRCC công bố mới được xin PGWP.
“Quy định mới nhất chỉ áp dụng với những ứng viên lần đầu tiên xin giấy phép du học, còn nếu đang học tại Canada thì vẫn sẽ theo quy định cũ”, chuyên gia có giấy phép hành nghề tư vấn định cư (RCIC) nêu quan điểm, đồng thời lưu ý chính phủ Canada hiện chỉ mới công bố thông cáo báo chí, chưa đưa hướng dẫn về cách thực hành nên du học sinh vẫn phải chờ thông tin chi tiết hơn.
Ông Tùng cho biết thêm, thời gian này các bên đang rà soát lại chương trình đào tạo để xác định đâu là những chương trình được xin PGWP và một số trường đã ra danh sách chính thức, trong khi số còn lại thì chưa. Dự kiến đến cuối tháng này các trường sẽ hoàn tất công việc trên, nam giám đốc nhận định, đồng thời lưu ý nhóm ngành có nhiều tiềm năng định cư là chăm sóc sức khỏe và STEM.
Lời khuyên cho du học sinh Việt
Theo ông Tùng, việc Canada liên tiếp siết quy định thời gian gần đây không ảnh hưởng quá lớn đến du học sinh Việt so với các nước như Ấn Độ, Trung Quốc hay Nigeria. Tính đến nay, IRCC thống kê có 5.405 giấy phép du học được cấp cho người Việt, và con số này dự kiến tiếp tục tăng trong thời gian tới. Trong khi đó, tổng số giấy phép du học cấp vào các năm 2021, 2022, 2023 lần lượt là 9.225, 9.910, 10.760.
Một lưu ý khác, theo chuyên gia, là việc thắt chặt quy định cũng mang đến nhiều cơ hội mới cho du học sinh Việt. Như với yêu cầu phải xin thêm PAL, giờ đây hồ sơ được xét duyệt ở cả 3 cấp là nhà trường, chính quyền tỉnh bang hoặc vùng lãnh thổ, và cuối cùng là chính phủ liên bang. Điều này giúp chất lượng hồ sơ ngày càng cải thiện, đồng nghĩa các bạn học chung lớp với du học sinh Việt cũng sẽ chân chính hơn, theo ông Tùng.
“Dựa trên dữ liệu về số lượng giấy phép du học cấp cho các nước, chúng ta cũng có thể thấy lớp học Canada sẽ đa dạng về quốc tịch, văn hóa… hơn trước, giúp trải nghiệm học tập của các bạn ngày càng tốt hơn. Ngoài ra, vì ảnh hưởng bởi biến động kinh tế, chính sách, số du học sinh đến Canada năm nay sẽ giảm, giúp các bạn tăng cơ hội trúng tuyển vào các ngành, trường vốn rất cạnh tranh và tăng cơ hội định cư”, ông Tùng phân tích.
Trong khi đó, bà Sarah Scott, chuyên viên tuyển sinh và tuyển dụng quốc tế của College of the Rockies (British Columbia, Canada), chia sẻ một điều đáng lưu ý là yêu cầu ngoại ngữ của trường hiện cao hơn mức để xin PGWP. Đây cũng là điểm chung ở nhiều trường ĐH, CĐ khác, thế nên các bạn không cần lo về việc mình mất cơ hội đi làm vì khả năng ngoại ngữ.
Một lưu ý khác, theo bà Scott, là quy định mới chưa nêu rõ liệu ứng viên tốt nghiệp cử nhân ở trường CĐ có được xin PGWP hay không, vì có trường CĐ vẫn đào tạo bậc cử nhân. Quy định mới chỉ thông tin ứng viên tốt nghiệp trường CĐ ở các ngành thiếu nhân lực dài hạn mới được xin PGWP, còn ai tốt nghiệp cử nhân ở trường ĐH thì có thể tự do xin PGWP, không bị giới hạn bởi ngành học.
“Nhưng các bạn vẫn có thể học ở CĐ rồi chuyển tiếp lên ĐH để lấy bằng cử nhân, vì không phải ngành nào ở trường cũng nằm trong diện thiếu nhân lực mà chính phủ công bố”, bà Scott chia sẻ.
Bà Margaret Cameron, Giám đốc tuyển sinh và tuyển dụng quốc tế của Mount Allision University (New Brunswick, Canada), nhận định các thay đổi mới chủ yếu tác động đến các trường CĐ, không ảnh hưởng nhiều đến trường ĐH. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu mới, trường yêu cầu du học sinh phải nộp tiền đặt cọc cao hơn để đảm bảo các bạn cam kết theo học. “Khoản này sau đó sẽ được trừ vào học phí”, bà Cameron nói.
“Để tăng cơ hội, chúng tôi khuyến khích sinh viên du học Canada theo diện miễn chứng minh tài chính (SDS) và chuẩn bị hồ sơ xin giấy phép du học khoảng 6 tháng trước kỳ nhập học chính thức. Tôi cũng biết nhiều bạn hiện rất choáng ngợp bởi lượng thông tin khổng lồ, vậy nên hãy nói chuyện với đại diện trường hoặc công ty du học để được giải thích một cách đơn giản nhất”, bà Cameron khuyên.
“Hãy lưu ý rằng nếu bạn là một sinh viên nghiêm túc, chuẩn bị hồ sơ xin giấy phép du học đầy đủ, có kế hoạch tài chính rõ ràng và nộp đơn sớm thì cơ hội du học Canada vẫn rất cao. Bởi các động thái siết chặt gần đây chỉ nhắm đến những trường hợp không thực sự có ý định đến Canada học tập”, nữ giám đốc nhấn mạnh.
Theo báo cáo từ IRCC, Canada thu hút hơn 1 triệu sinh viên quốc tế đến học trong năm 2023. Thống kê của IRCC cũng cho thấy tổng số người Việt học tập tại Canada từng có xu hướng giảm liên tục, từ 21.480 người vào 2019, đến 2022 còn 16.140 người. Nhưng vào năm 2023, du học sinh Việt ở Canada tăng nhẹ, lên 17.175 người và giữ vị trí thứ 8 về số lượng.
Nguồn: https://thanhnien.vn/canada-siet-quy-dinh-du-hoc-sinh-viet-co-the-huong-nhieu-loi-ich-tich-cuc-185241013171432807.htm