Ông Nguyễn Hoàng Giang – người từng là “CEO chứng khoán nghìn tỉ trẻ nhất Việt Nam” khi làm tổng giám đốc VNDirect ở tuổi 24, nay là chủ tịch Chứng khoán DNSE – công ty chứng khoán công nghệ đầu tiên niêm yết.
Vì sao chứng khoán chưa vượt đỉnh dù GDP tăng vọt?
* Việt Nam vừa công bố tăng trưởng GDP quý 3 với mức cao gây bất ngờ. Dù vậy, thị trường chứng khoán vẫn gặp khó khi cố vượt lại đỉnh cũ. 20 năm, VN-Index loanh quanh mốc 1.200, ông nghĩ sao?
– Cơ cấu vốn hóa VN-Index, riêng nhóm tài chính ngân hàng, bất động sản chiếm khoảng 60%, từng có thời điểm lên tới 70-80%.
Nhiều người thấy “lạ”, nhưng tôi thấy chỉ số đang thể hiện khá sát định giá, kỳ vọng của thị trường với nhóm có vốn hóa lớn này.
Mức tăng trưởng kinh tế rất cao trong quý 3 và 9 tháng đầu năm nay, công lớn nhờ xuất khẩu, FDI.
Một số nhóm cổ phiếu xuất khẩu đã có định giá tốt. Nếu rổ hàng hóa có nhiều các cổ phiếu từ doanh nghiệp FDI, tôi nghĩ điểm số vừa qua có thể sẽ khác.
Nhìn sang Mỹ, thị trường có nhiều cổ phiếu công nghệ, góp phần thúc đẩy chỉ số chứng khoán Mỹ vượt hết đỉnh này đến đỉnh khác.
Dù vậy, dưới góc nhìn chúng tôi, định giá thị trường chứng khoán Việt Nam cơ bản còn thấp.
Nhìn tích cực hơn, VN-Index chưa tăng cao, thì cũng là cơ hội cho nhà đầu tư giải ngân mới.
* VN-Index tăng chưa được như kỳ vọng, thanh khoản thị trường vài tháng vừa qua liên tục giảm, những người làm trong ngành chứng khoán liệu có “tâm tư”?
– Năm 2024 là một năm có tăng trưởng GDP cao bất ngờ. Tăng trưởng này đến từ yếu tố phục hồi của nền kinh tế thế giới và Việt Nam được hưởng lợi trực tiếp từ chính sách thu hút FDI và thúc đẩy đầu tư công.
Nhưng với ngành chứng khoán nói chung thì năm 2024 có lẽ chưa phải là năm có tăng trưởng mạnh mẽ khi thanh khoản thấp.
Lý do doanh nghiệp ngại niêm yết
* Nhưng thị trường vừa lỡ “chuyến tàu” nâng hạng, nhìn lại nội tại, chúng ta cũng lo ngại hàng hóa “nghèo nàn” khó đón sóng vốn ngoại?
– Về cơ bản, nâng hạng sẽ là tác động tích cực với kỳ vọng thanh khoản cải thiện, thị trường sôi động hơn, định giá cao hơn.
Nhưng nâng hạng cũng giống như chúng ta có “tấm vé” vào cửa thôi. Còn bên trong màu hồng hay màu gì, thì phải phụ thuộc vào yếu tố cơ bản của doanh nghiệp, nội lực nền kinh tế.
Cần sớm cải thiện được số lượng lẫn chất lượng hàng hóa, sản phẩm mới trên thị trường. Hiện nay chúng ta vừa ít hàng mới lại thiếu hàng tốt. Suốt vài năm rồi, doanh nghiệp lên sàn đếm trên đầu ngón tay.
Đã đến lúc cần nghiêm túc xem vì sao doanh nghiệp lại ngại IPO, niêm yết vậy. Nếu tại tiêu chí ngày càng khắt khe, siết hơn, thì nên xem xét cơ chế thông thoáng hơn.
Việt Nam thúc đẩy kinh tế số, kinh tế sáng tạo, vậy cũng phải chấp nhận doanh nghiệp sáng tạo thường “dị biệt”, cần có tiêu chí khuyến khích nhóm này lên sàn.
Nhiều start-up vẫn phải thành lập tại nước ngoài
* Nhân Ngày Doanh nhân, ông có thể chia sẻ góc nhìn của mình về những khó khăn của doanh nghiệp hiện nay?
– Khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp có lẽ là sự không đồng bộ trong chính sách. Tỉ lệ thành công doanh nghiệp mới tham gia thị trường rất thấp.
Tại Việt Nam, việc đăng ký, huy động vốn nước ngoài còn nhiều thủ tục khó khăn. Nhiều doanh nghiệp start-up buộc phải thành lập tại nước ngoài.
Tôi luôn mong là Việt Nam có thể cởi mở xây dựng chính sách để là nơi các nhà đầu tư và các doanh nghiệp dù nhỏ hay lớn đều sẵn sàng mở và hoạt động. Như vậy, Việt Nam mới có cơ hội lớn mạnh và phát triển một nền kinh tế sáng tạo.
* Cảm ơn ông!
Nguồn: https://tuoitre.vn/chu-tich-dnse-giai-ma-chuyen-gdp-cao-bat-ngo-nhung-vn-index-van-kho-vuot-1-300-20241012174418202.htm