Theo các bác sỹ, ngày càng có nhiều người đến cơ sở y tế để giảm cân, giảm mỡ nội tạng, chủ yếu để đẩy lùi tiểu đường, đau khớp, gan nhiễm mỡ, cao huyết áp, ngủ ngáy do thừa cân.
Ở thời điểm hiện tại, có đến 70% trường hợp đến kiểm soát cân nặng với mong muốn đẩy lùi bệnh nền đang mắc, đặc biệt người bệnh đang gặp khó khăn để giảm cân bên cạnh điều trị bệnh nền; 30% còn lại là phòng ngừa nguy cơ biến chứng thừa cân và có nhu cầu làm đẹp, thu gọn dáng.
Theo các bác sỹ, ngày càng có nhiều người đến cơ sở y tế để giảm cân, giảm mỡ nội tạng, chủ yếu để đẩy lùi tiểu đường, đau khớp, gan nhiễm mỡ, cao huyết áp, ngủ ngáy… do thừa cân. |
TS.Lâm Văn Hoàng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát cân nặng và điều trị béo phì, hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh cho biết, hầu hết, người bệnh đến đăng ký giảm cân đều có những lo lắng giống nhau như ăn ít vẫn thừa cân hơn một số người ăn nhiều hoặc tập luyện cường độ cao, ăn uống khắt khe cũng khó giảm cân, giảm mỡ.
Thực tế, mỡ có vai trò nhất định trong cơ thể như một lớp đệm bảo vệ các cơ quan, dự trữ năng lượng, góp phần điều hòa nội tiết tố. Tuy nhiên, mỡ tích tụ quá nhiều lại gây ra nhiều vấn đề xấu đến sức khỏe, nhất là mỡ nội tạng.
Mỡ nội tạng có thể tác động lên cơ thể với nhiều cơ chế như tăng tình trạng đề kháng insulin gây tăng đường huyết, nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cao; tăng phản ứng viêm làm tăng tiết cytokine, làm giảm quá trình thải độc tố trong cơ thể góp phần gây đột quỵ, ung thư đại trực tràng, tim mạch…; ức chế hormon của chất béo dễ làm tăng cân hơn…
Ngoài ra chỉ số mỡ nội tạng bất thường còn gây ra một số vấn đề như sa sút trí tuệ, bệnh gút, hen suyễn, viêm xương khớp, đau lưng, ung thư vú, alzheimer…
TS.Lâm Văn Hoàng chia sẻ thừa cân béo phì do nhiều nguyên nhân gây ra như chế độ ăn, ít vận động mà còn liên quan gien di truyền, các bệnh nội tiết (gồm suy giáp, hội chứng Cushing, u tiết insulin, béo phì sinh dục…), do các thuốc, và một số bệnh lý về chuyển hóa… khiến cơ thể biến đổi, rối loạn các chu trình chuyển hóa thức ăn thành năng lượng và tích trữ chất béo.
Do đó, để giảm cân hiệu quả, ngăn ngừa và đẩy lùi cho một ca bệnh cụ thể thì không thể áp dụng công thức chung cho tất cả người bệnh.
Theo các bác sỹ, với người có chỉ số cơ thể BMI lớn hơn 30, theo nghiên cứu sẽ đối diện một hoặc nhiều nguy cơ cùng lúc như: 52% viêm khớp gối, 51% tăng huyết áp, 40% ngưng thở khi ngủ, 35% triệu chứng trào ngược dạ dày thực quản (GERD), 29% gan nhiễm mỡ không do rượu, 21% nhồi máu cơ tim, 21% đái tháo đường, 19% trầm cảm nặng, 9% hội chứng buồng trứng đa nang, 8% thiếu máu cục bộ, 3,5% suy tim sung huyết, 3% đột quỵ, tăng nguy cơ ung thư…
Tại Việt Nam có 13.9% người trưởng thành bị thừa cân và 1.7% bị béo phì, do đó đây là “tảng băng chìm” đang và sẽ sinh ra các bệnh nền, biến chứng tiềm ẩn của thừa cân, béo phì.
Do đó, người dân cùng ngành y tế cần nhận thức bảo vệ bản thân và gia đình, giảm cân, giảm mỡ nội tạng đẩy lùi bệnh tật, phòng các biến chứng kể trên.
Thế nhưng, người bệnh không nên tự giảm cân với các phương pháp như nhịn ăn cực đoan, uống thực phẩm chức năng và thuốc giảm cân không rõ nguồn gốc, hút mỡ và phẫu thuật tại các cơ sở chưa được cấp phép của Bộ Y tế vì nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Việc tự giảm cân không phù hợp với tình trạng sức khỏe có thể khiến các bệnh nền như: tiểu đường, tăng huyết áp, suy tim, suy thận,… nặng hơn.
Theo bác sỹ Lâm Văn Hoàng, điều trị béo phì không phải chuyện ngày một ngày hai mà cả một quá trình cần có đủ thời gian để giảm cân bền, hiệu quả, tránh tăng cân lại.
Người bệnh cần thăm khám với bác sỹ, thực hiện xét nghiệm cận lâm sàng, đưa ra giải pháp điều trị kết hợp dinh dưỡng, vận động, thuốc, quản lý bệnh nền, giảm nguy cơ biến chứng.
Nguồn: https://baodautu.vn/giam-can-vi-gan-nhiem-mo-cao-huyet-ap-d227277.html