Tiềm năng của các địa phương trong khu vực Duyên hải Trung bộ là rất rõ ràng. Song, để phát huy tối đa những tiềm năng, lợi thế đó, các địa phương trong khu vực còn nhiều việc phải làm. Một trong số đó là phải tìm được lời giải cho bài toán liên kết khu vực…
Khu vực tiềm năng thu hút đầu tư
Duyên hải Trung bộ gồm các tỉnh: Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định và Quảng Ngãi. Đây là vùng có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế, thu hút đầu tư, góp phần phát triển kinh tế – xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh biển, đảo của cả nước.
Trên thực tế, Duyên hải Trung bộ sở hữu bờ biển dài, nhiều đầm, vịnh, bãi tắm đẹp, môi trường sống trong lành, đồng thời có nhiều khu, cụm công nghiệp với quỹ đất sạch lớn. Bên cạnh đó, chính sách thu hút đầu tư ở khu vực ngày càng hoàn thiện, hạ tầng giao thông từng bước được cải thiện. Con người miền Trung có ý chí tự lực, tự cường, năng động, sáng tạo… Thêm một lợi thế cho các địa phương trong vùng khi vị trí địa lý gần với đầu tàu kinh tế lớn nhất cả nước là TP. Hồ Chí Minh.
Phát triển nhanh và bền vững vùng Duyên hải Trung bộ là chủ trương lớn của Đảng, được thể hiện trong Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, các địa phương trong khu vực Duyên hải Trung bộ có vị trí địa lý thuận lợi khi gần TP. Hồ Chí Minh; tập trung nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng. Đặc điểm chung của các tỉnh trong khu vực có nhiều tiềm năng phát triển du lịch, kinh tế biển, sản xuất công nghiệp…
Duyên hải Trung bộ – khu vực có nhiều tiềm năng để thu hút đầu tư. |
Bên cạnh những tiềm năng, lợi thế đó, trong thời gian qua, các địa phương trong khu vực cũng đã có những nỗ lực mạnh mẽ, chủ động khai thác tiềm năng, lợi thế, đẩy mạnh thu hút đầu tư, đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế – xã hội và đã đạt được những kết quả tích cực. Nhiều nhà đầu tư đã chọn Duyên hải Trung bộ làm điểm dừng chân.
Ông Trần Phước Hiền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi chia sẻ, khi đầu tư dù ở địa phương nào trong vùng, doanh nghiệp, nhà đầu tư cũng sẽ được tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện dự án thành công và phát triển. Hy vọng trong thời gian tới, sẽ có nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư đến với Duyên hải Trung bộ, trong đó có Quảng Ngãi, để khảo sát thực tế, tìm hiểu sâu hơn về môi trường đầu tư, kinh doanh ở nơi đây.
Cần tiếng nói chung
Tiềm năng của các địa phương trong khu vực Duyên hải Trung bộ là rất rõ ràng. Song, để phát huy tối đa những tiềm năng lợi thế đó, các địa phương trong khu vực còn nhiều việc phải làm. Một trong số đó là phải tìm được lời giải cho bài toán liên kết khu vực…
Trên thực tế, Duyên hải Trung bộ là có quá nhiều tiềm năng, nhưng không biết liên kết phát triển, tập trung vào lĩnh vực nào. Theo TS. Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia, bài toán của khu vực miền Trung là có quá nhiều tiềm năng nhưng không biết phát triển, tập trung vào lĩnh vực nào, địa phương nào cũng giống nhau nên không biết liên kết kiểu gì.
Để thu hút đầu tư, Duyên hải Trung bộ phải tìm được lời giải cho bài toán liên kết khu vực. |
Bởi vậy, tiềm năng cũng lại là thách thức không nhỏ. Với miền Trung nói riêng và Việt Nam nói chung, trong 10 – 15 năm tới, vấn đề tiềm năng phát triển công nghiệp vẫn là đứng đầu. Công nghiệp sắp tới bắt buộc phải chuyển đổi, trên cả 2 lĩnh vực là chuyển đổi số và chuyển đổi xanh. Hai vấn đề cốt lỗi này cũng đặt ra bài toàn cho miền Trung. Các địa phương trong khu vực cũng cần có tiếng nói chung để cùng nhau phát triển.
Trên thực tế, hiện ở khu vực đang có sự thu hút đầu tư theo hướng cạnh tranh tràn lan trên tất cả các lĩnh vực làm triệt tiêu lợi thế lẫn nhau, ảnh hưởng đến sức hút đầu tư cũng như việc phát triển kinh tế – xã hội trong vùng. Trong khi đó, nếu liên kết tốt, cùng bắt tay với nhau, các địa phương ở Duyên hải Trung bộ có thể thu được nhiều nhà đầu tư hơn.
Nhìn nhận ở góc độ của một nhà đầu tư, ông Nguyễn Văn Lăng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Becamex Bình Định cho biết, dự án Khu Công nghiệp, Đô thị và Dịch vụ Becamex VSIP tại huyện Vân Canh (Bình Định) được xem là một trong những dự án trọng điểm kiểu mẫu. Đến nay, khu công nghiệp này đã thu hút 5 dự án với số vốn 170 triệu USD, đầu tư trên quy mô 60 ha, của các nhà đầu tư đến từ Đức, Hàn Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc), Hà Lan, Singapore…
Cũng theo ông Nguyễn Văn Lăng, trên con đường phát triển, hệ thống Becamex – VSIP sẽ tiếp tục mở rộng mạng lưới đến các tỉnh khác trong khu vực. Với cơ sở đó, Becamex mong các doanh nghiệp, chính quyền địa phương sẽ cùng kết nối liên kêt, cùng phát triển và lớn mạnh, đem lại lợi ích không chỉ cho doanh nghiệp mà còn cho người dân và các địa phương
Nguồn: https://thoibaonganhang.vn/duyen-hai-trung-bo-can-bat-tay-de-thu-hut-dau-tu-156621.html