Cả nhà làm thuê chạy chữa cho bố bị ung thư
Chỉ vài ngày sau khi Phạm Hoàng Việt ở thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn (Sơn La) nhận giấy báo trúng tuyển, mẹ cậu từ Sơn La phải đi Bắc Ninh. Bà Lò Thị Hải xin được một chân làm thời vụ trong một nhà máy sản xuất bánh kẹo.
“Tôi phải đi làm để có thêm tiền cho con đóng học” – bà Hải cho hay.
Lương của lao động thời vụ được hơn 4 triệu đồng, không được tăng ca như lao động có hợp đồng chính thức của nhà máy. Bà Hải làm hơn một tháng trời, tiết kiệm được hơn 3 triệu đồng.
Mẹ Việt gần như không có ngày nghỉ. Ai cần thuê gì bà cũng làm, từ rửa bát, dọn dẹp quán ăn đến phát nương, làm cỏ… Ngày công phụ thuộc vào sự vất vả của công việc. Việc nhẹ thì mỗi ngày bà Hải được trả 170.000 đồng. Việc nặng, không nghỉ cả ngày được trả 250.000 đồng.
Ở nhà, tân sinh viên Trường cao đẳng nghề Bách khoa (Hà Nội) Phạm Hoàng Việt tranh thủ đi làm thuê. Lúc thì dọn vườn, làm cỏ, lúc chăm cây, phun thuốc cho vườn cây, lúc đi bóc long nhãn thuê. Ngày công của cậu sinh viên này chưa đến 100.000 đồng. Cậu vẫn phải cố để mẹ đỡ vất vả.
Cú sốc của gia đình Phạm Hoàng Việt là ngày phát hiện khối u trong não bố. Hai năm trước, ông Phạm Minh Đức, bố Việt, đang là trụ cột của gia đình suy sụp khi đôi mắt gần như không nhìn thấy gì. Bao nhiêu khoản tiền cả nhà dồn lại để đưa ông đi khám. Sau khi chuyển đến 3 bệnh viện ở Hà Nội, ông nhận được kết quả mình bị u não.
Lúc ấy cậu con cả Phạm Hoàng Việt đang học lớp 10, em út học lớp 4. Mẹ Việt là công nhân thời vụ của Nhà máy đường Sơn La. Mỗi năm bà chỉ có việc vào mùa thu hoạch mía. Những tháng còn lại bà đi rửa bát, phục vụ quán ăn để kiếm thêm chút tiền phụ chồng.
Ngày ông Đức chuẩn bị mổ, vợ chồng ông nhờ anh em đi vay lãi ngoài hơn 100 triệu đồng. Số tiền này vừa đủ viện phí và ít thuốc thang. Từ đó, tháng nào ông Đức cũng tốn 3 triệu đồng tiền thuốc để duy trì. Số tiền này đúng bằng số tiền công hằng tháng bà Hải kiếm được. Tiền cho cậu con trai đi học ở Hà Nội, cả nhà lại đi vay.
Bố bệnh, cậu học trò học kém sử bừng tỉnh
Phạm Hoàng Việt từng là học sinh học môn sử tiến bộ nhanh nhất ở thị trấn Hát Lót. Ngày bố chưa phát hiện bị u não, điểm thi thử môn của cậu học trò này chỉ được 3,5 điểm. Bố bị bệnh, cậu giật mình thay đổi cách học. Mục tiêu của Việt là phải đạt ít nhất 24 điểm của tổ hợp khối C00. Việt ước mơ vào Trường đại học Luật Hà Nội.
Thế rồi những lần thi thử sau, điểm số của Việt tăng vọt. Từ 3,5 lên 6 điểm rồi 9 điểm, 9,5. Kết quả thi tốt nghiệp, Việt đạt 25 điểm. “Tôi nghĩ tôi phải học. Chỉ có học sau này mới giúp đỡ được bố mẹ” – Việt tâm sự.
Chọn cao đẳng vì không có tiền, mai này sẽ học đại học
Nhưng cậu học trò nghèo ngậm ngùi khi đủ điểm đi học ngành luật mà mình mơ ước, nhưng mẹ cậu sẽ không thể nuôi nổi cậu học đại học trong 4 năm tới. Thu nhập của gia đình chỉ đủ trang trải cuộc sống và thuốc thang cho bố.
Nhiều người khuyên Việt bỏ học đi làm để có thêm tiền giúp bố mẹ. Nhưng như vậy, sự cố gắng của cậu bao năm nay thật uổng. Việt vẫn mơ ước được tới trường, chính bố mẹ cậu ủng hộ Việt đi học. Bố Việt từng là một thợ nhôm kính có ngày công khá cao, nhưng công việc cứ ráo mồ hôi là hết tiền. Lúc ngã bệnh mới thấm thía cảnh lao động tự do, không ổn định.
Không học được đại học thì Việt chọn trường cao đẳng nghề để sớm ra trường, đi làm phụ bố mẹ và vẫn nuôi ước mơ học tiếp đại học. “Tôi ưu tiên có việc làm trước để giúp bố mẹ. Tôi vẫn nuôi ước mơ, khi đi làm có tiền sẽ tiếp tục học lên đại học”, Việt nói.
Mời bạn đồng hành cùng Tiếp sức đến trường
Chương trình Tiếp sức đến trường 2024 của báo Tuổi Trẻ khởi động ngày 8-8, dự kiến trao 1.100 suất học bổng với tổng kinh phí hơn 20 tỉ đồng (15 triệu đồng cho tân sinh viên khó khăn, 20 suất học bổng đặc biệt trị giá 50 triệu đồng/suất trong suốt 4 năm học và thiết bị học tập, quà tặng…).
Với phương châm “Không để bất kỳ bạn trẻ nào vì nghèo khó mà không thể đến với giảng đường”, “Tân sinh viên gặp khó, có Tuổi Trẻ” – như một lời cam kết sẵn sàng hỗ trợ tân sinh viên trong hành trình 20 năm qua của Tuổi Trẻ.
Chương trình được sự đóng góp, ủng hộ của Quỹ “Đồng hành nhà nông” – Công ty cổ phần phân bón Bình Điền, Quỹ khuyến học Vinacam – Công ty cổ phầntập đoàn Vinacam và các Câu lạc bộ “Nghĩa tình Quảng Trị”, Phú Yên; Câu lạc bộ “Tiếp sức đến trường” Thừa Thiên Huế, Quảng Nam – Đà Nẵng, Tiền Giang – Bến Tre và CLB Doanh nhân Tiền Giang, Bến Tre tại TP.HCM, Công ty Dai-ichi LifeViệt Nam, ông Dương Thái Sơn và những người bạn cùng các doanh nghiệp và đông đảo bạn đọc báo Tuổi Trẻ…
Ngoài ra, Công ty cổ phần Tập đoàn Vinacamcòn tài trợ 50 máy tính xách tay cho tân sinh viên đặc biệt khó khăn, thiếu thiết bị học tập trị giá khoảng 600 triệu đồng, Công ty TNHH Nestlé Việt Nam tài trợ 1.500 ba lô trị giá khoảng 250 triệu đồng.
Hệ thống Anh văn Hội Việt Mỹ tài trợ 50 suất học bổng ngoại ngữ miễn phí trị giá 625 triệu đồng. Thông qua ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng TMCP Bắc Á tài trợ 1.500 quyển sách về giáo dục tài chính, hướng dẫn kỹ năng quản lý tài chính cho tân sinh viên…
Doanh nghiệp, bạn đọc có thể ủng hộ học bổng cho tân sinh viên vui lòng chuyển vào tài khoản báo Tuổi Trẻ:
113000006100 Ngân hàng Công Thương (VietinBank), chi nhánh 3 TP.HCM.
Nội dung: Ủng hộ “Tiếp sức đến trường” cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể tỉnh/thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.
Bạn đọc, quý doanh nghiệp ở nước ngoài có thể chuyển khoản về báo Tuổi Trẻ:
Tài khoản USD 007.137.0195.845 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM;
Tài khoản EUR 007.114.0373.054 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM
với Swift code BFTVVNVX007.
Nội dung: Ủng hộ “Tiếp sức đến trường” cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể tỉnh/thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.
Ngoài tài trợ kinh phí học bổng, bạn đọc có thể ủng hộ thiết bị học tập, chỗ ở, việc làm… cho tân sinh viên.
Nguồn: https://tuoitre.vn/tu-3-5-diem-den-9-5-nam-sinh-son-la-chien-thang-ban-than-khi-bo-mac-u-nao-20241012092459566.htm