Những yếu tố thuộc về lối sống ảnh hưởng đến nguy cơ mắc bệnh tim là ít vận động, căng thẳng kéo dài, ăn nhiều đường và chất béo. Ngoài ra, những người mà gia đình có tiền sử mắc bệnh tim cũng có thể đối diện nguy cơ bị tim mạch cao hơn bình thường, theo chuyên trang sức khỏe Medical News Today (Anh).
Để giảm nguy cơ, những người mà gia đình có tiền sử bị tim cần áp dụng những cách sau:
Tìm hiểu về tiền sử sức khỏe gia đình
Điều cần làm đầu tiên là cần tìm hiểu sức khỏe những người thuộc trực hệ trong gia đình như mẹ, cha và anh chị. Cần xác định xem họ có bị đau tim, đột quỵ, nhịp tim không đều, huyết áp cao, cholesterol cao hay vấn đề động mạch vành hay không.
Hiểu rõ yếu tố nguy cơ
Nếu gia đình có người mắc bệnh tim và nghi ngờ có yếu tố di truyền thì cách tốt nhất là nên đi bác sĩ khám. Bác sĩ sẽ có những hướng dẫn cụ thể từ ban đầu để bảo vệ sức khỏe tim.
Có đủ kiến thức về bệnh di truyền
Một số tình trạng di truyền sẽ ảnh hưởng trực tiếp hoặc tăng đáng kể nguy cơ đau tim. Những tình trạng này gồm bệnh cơ tim phì đại, tăng cholesterol máu và một số loại rối loạn nhịp tim.
Tầm soát kỹ lưỡng sức khỏe tim mạch
Tầm soát tim mạch sẽ giúp phát hiện bệnh ngay từ khi mới còn ở giai đoạn đầu. Lúc này, bệnh chưa tiến triển đủ để xuất hiện triệu chứng. Do đó, các biện pháp can thiệp phù hợp sẽ giúp ngăn ngừa bệnh cực kỳ hiệu quả, đồng thời duy trì tốt sức khỏe tim mạch.
Các kỹ thuật thường dùng để tầm soát sức khỏe tim là điện tâm đồ, siêu âm tim và một số bài kiểm tra thể lực. Bác sĩ cũng sẽ đánh giá huyết áp, đường huyết và mức cholesterol trong máu. Tầm soát tim mạch nên được thực hiện hằng năm.
Tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ
Nếu phát hiện bất kỳ bất thường nào trong quá trình sàng lọc, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc điều trị bệnh và đề nghị thay đổi lối sống. Những thay đổi này gồm điều chỉnh chế độ ăn theo hướng lành mạnh hơn, tập thể dục thường xuyên, giảm căng thẳng và ngủ đủ giấc, theo Medical News Today.
Nguồn: https://thanhnien.vn/co-tien-su-gia-dinh-mac-benh-tim-can-lam-gi-de-bao-ve-tim-18524093016251962.htm