Vốn có bệnh lý khớp gối lại được quảng cáo tiêm huyết tương giàu tiểu cầu giúp trẻ hóa khớp gối, không ít người tiền mất, tật mang khi hai khớp gối tăng đau nhức, tấy đỏ, đi lại khó khăn sau tiêm.
Mới đây, các bác sỹ Khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên tiếp nhận và điều trị hai bệnh nhân bị phản ứng sau khi tiêm huyết tương giàu tiểu cầu (PRP) từ cơ sở y tế tư nhân.
Ảnh minh họa |
Bà N.T.B (71 tuổi) và bà T.T.Đ (78 tuổi) cùng trú tại Thái Nguyên, đều vốn có bệnh lý về thoái hóa khớp gối. Khi tìm đến cơ sở chuyên về điều trị đông y, vật lý trị liệu, hai bà đã được tư vấn tiêm huyết tương giàu tiểu cầu giúp trẻ hóa khớp gối, đảm bảo có thể điều trị khỏi trong vòng 7, 8 năm.
Quyết định thực hiện liệu trình 5 mũi nhưng sau mũi tiêm thứ 3, khớp gối của hai bà đều bị đau nhức tăng lên, sưng to, nóng đỏ, đi lại khó khăn. Hai bệnh nhân được phòng khám tư kê thêm thuốc giảm đau, chống viêm, tuy nhiên cơn đau không giảm.
Tại khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, kết quả xét cho thấy, dịch khớp gối là dịch viêm cấp, số lượng bạch cầu trong dịch khớp tăng cao, kèm theo các chỉ số viêm trong máu cũng tăng cao. Cả hai bà được chỉ định dùng kháng sinh phối hợp đường tiêm truyền, giảm đau, chống viêm.
Sau khoảng 10 ngày điều trị tích cực, tình trạng viêm, sưng đau hai khớp gối và khả năng đi lại, vận động của hai người bệnh đã được cải thiện, các chỉ số viêm trong máu giảm đáng kể.
Ths.Hà Thị Thanh Tâm, Khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện Đa khoa Thái Nguyên cho hay, hiện có rất nhiều cơ sở tư nhân quảng cáo chữa bệnh thoái hóa khớp gối bằng tiêm huyết tương giàu tiểu cầu giúp giảm đau nhanh, cam kết chữa khỏi 100%.
Tuy nhiên, bệnh lý về khớp nói chung phần lớn nguyên nhân do thoái hóa, điều trị cần kiên trì, theo đúng phác đồ. Chính vì vậy, người dân khi đau khớp, có những biểu hiện bất thường thì cần đến các cơ y tế uy tín để khám và điều trị.
Theo các bác sỹ, tiêm khớp gối có tác dụng giảm đau, chống viêm và cải thiện chức năng vận động cho khớp trong điều trị các bệnh lý. Các loại thuốc thường được sử dụng phổ biến trong tiêm khớp gối là corticosteroid, acid hyaluronic, huyết tương giàu tiểu cầu.
Ngoài ra, kỹ thuật có thể được thực hiện để hút dịch viêm ra khỏi khớp gối để hạn chế tình trạng sưng đau. Tuy nhiên, phương pháp này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro nếu không được chỉ định, thực hiện tại cơ sở y tế uy tín bởi các bác sỹ chuyên khoa.
Các tai biến của tiêm khớp hoặc hút dịch khớp được chia thành hai nhóm chính là nhiễm khuẩn và không nhiễm khuẩn.
Trong đó, viêm khớp nhiễm khuẩn hoặc áp xe phần mềm quanh khớp do thủ thuật là tai biến nguy hiểm nhất có thể dẫn đến nhiễm trùng khớp, thậm chí là nhiễm khuẩn huyết, viêm màng tim, sốc nhiễm trùng nhiễm độc. Quá trình điều trị phức tạp, chi phí rất tốn kém và sức khỏe người bệnh bị ảnh hưởng cực kỳ nghiêm trọng.
Theo các bác sỹ chuyên khoa, tiêm khớp gối thường chỉ định cho những trường hợp thoái hóa khớp gối, viêm khớp dạng thấp gây tổn thương khớp, viêm khớp gối sau chấn thương…
Biện pháp điều trị này chống chỉ định với viêm khớp gối nhiễm khuẩn; nhiễm khuẩn ngoài da quanh khớp gối, nhiễm nấm; cơ địa suy giảm miễn dịch.
Thủ thuật tiêm nội khớp khá phức tạp và nguy cơ nhiễm trùng khớp cao. Nếu lạm dụng và tiêm không đúng cách, có thể dẫn đến các biến chứng nặng nề.
Do đó, chỉ định tiêm nội khớp cần thận trọng, cân nhắc giữa lợi và hại, cần được chỉ định và thực hiện bởi bác sỹ chuyên khoa xương khớp có kinh nghiệm, tại phòng khám vô khuẩn tuyệt đối.
Theo các chuyên gia, khớp gối được tạo thành bởi sự tiếp xúc giữa lồi cầu đùi và mâm chày. Sự vững chắc của khớp gối làm hai loại: Sự vững chắc chủ động được đảm bảo bởi cấu trúc gân cơ và sự vững chắc bị động được thực hiện qua hệ thống dây chằng, bao khớp.
Hệ thống dây chằng khớp gối bao gồm hai dây chằng chéo là chéo trước và chéo sau, dây chằng bên trong, dây chằng sau trong, dây chằng bên ngoài, các dây chằng khu sau ngoài…
Tổn thương đứt nhiều dây chằng khớp gối thường là do các chấn thương gây sai khớp dẫn đến đứt các dây chằng. Tổn thương các dây chằng này đều ảnh hưởng nhiều đến sự vững chắc của khớp gối. Để xử trí các tổn thương này cần phải phẫu thuật.
Thống kê tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương từ năm 2023 đến nay có rất nhiều bệnh nhân được phẫu thuật nội soi khớp gối, trong đó 80% là do chấn thương gây đứt dây chằng và tổn thương sụn chêm…
Các bệnh nhân được phẫu thuật 100% đạt kết quả tốt, trong đó trên 90% là các bệnh nhân đứt dây chằng chéo trước, còn lại dưới 10% là các bệnh nhân tổn thương sụn chêm và 1 số trường hợp đứt cả 2 dây chằng chéo trước và chéo sau.
Với tỷ lệ tổn thương do chấn thương hàng năm khoảng 3,5/1000 người, vì vậy tổn thương khớp gối là tổn thương hay gặp nhất trong chấn thương.
Các tổn thương khớp gối đa dạng và phức tạp. Mặc dù tỷ lệ chấn thương khớp gối là rất cao, tuy nhiên các tổn thương rất đa dạng, từ nhẹ đến nặng.
Có nhiều bệnh nhân gặp chấn thương khớp gối ở mức độ nhẹ, sau chấn thương vẫn vận động đi lại được dẫn đến chủ quan, bệnh lý nặng dần đến khi được khám và điều trị thì bệnh đã ở giai đoạn muộn.
Bên cạnh các chấn thương thì bệnh lý khớp gối cũng gặp ở người cao tuổi với các bệnh lý như thoái hóa khớp gối, viêm màng hoạt dịch, viêm hệ thống dây chằng khớp gối…
Mỗi giai đoạn của bệnh đều có những chỉ định điều trị nhất định. Vì vậy khi có vấn đề về chấn thương người dân không nên chủ quan mà phải thăm khám để điều trị kịp thời.
Nguồn: https://baodautu.vn/gap-hoa-khi-lam-dung-tiem-khop-goi-nham-giam-dau-tre-hoa-d227155.html