Báu vật vô giá
Sở hữu cây sầu riêng cổ thụ trăm tuổi, những ngày này gia đình ông Lê Văn Thành, thôn Tân Lập, xã Ea Yông, thành viên Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp sạch, huyện Krông Pắc thường xuyên đón các đoàn khách đến tham quan. Dẫn chúng tôi thăm cây sầu riêng trăm tuổi, ông Thành tự hào khoe: Đối với tôi, cây sầu riêng cổ thụ này là báu vật vô giá. Nó không chỉ mang ý nghĩa kinh tế và còn mang giá trị lịch sử, đánh dấu sự xuất hiện của loại cây ăn quả đặc sản trên vùng đất Tây Nguyên.
Năm 1977, ông Thành theo cha vào vùng đất đỏ bazan, lập nghiệp trên vùng đất bạt ngàn cà phê. Thời điểm đó, bà con chủ yếu độc canh cây cà phê, lác đác vài cây sầu riêng cao lớn, rợp bóng nằm giữa các lô cà phê. Trong rẫy của gia đình ông có cây sầu riêng rất to, hằng năm vẫn đơm hoa, kết trái, sản lượng trung bình mỗi năm vài tạ quả.
Ông Thành chia sẻ: Mặc dù vẫn chưa xác định chính xác tuổi của cây, song với những hốc mắt to xù và câu chuyện thế hệ trước kể lại, cây sầu riêng này khoảng hơn 100 năm tuổi. Mỗi năm cây cho hàng trăm quả, mỗi quả nặng khoảng 2kg, mặc dù hạt to nhưng vỏ mỏng, cơm dày, vàng, rất thơm và béo. Để cây sầu riêng cổ thụ khỏe mạnh, xanh tốt, tôi luôn chăm sóc theo cách đặc biệt, theo dõi sát sao kịp thời xử lý các loại sâu, bệnh.
Ngoài cây sầu riêng trăm tuổi này, trên địa bàn thôn Tân Lập vẫn còn có 2 cây sầu riêng cổ thụ khác, đông đảo du khách đến tham quan, chụp hình lưu niệm. Mùa thu hoạch du khách được thưởng thức sầu riêng ngay dưới gốc cây.
Giá trị lịch sử
Năm 2022, sản phẩm trái sầu riêng tươi huyện Krông Pắc đã được Cục Sở hữu trí tuệ Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận số 413207, chứng nhận đăng ký Nhãn hiệu “KRONG PAC DURIAN SẦU RIÊNG KRÔNG PẮC” cho tập thể Hội Nông dân huyện Krông Pắc (Quyết định số 16552/QĐ-STT, ngày 08/03/2022).
Krông Pắc là một trong những địa điểm được người Pháp lựa chọn để trồng những cây sầu riêng đầu tiên trên Cao nguyên đất đỏ. Hiện nay, trên địa bàn huyện còn một số cây sầu riêng có tuổi thọ trên dưới 100 năm, có độ cao vài chục mét, tán rộng, gốc to 2 – 3 người ôm. Những cây sầu riêng cổ thụ này đã góp phần không nhỏ vào việc thay đổi cơ cấu cây trồng của người dân trong vùng.
Tìm về nguồn cội của cây sầu riêng cổ thụ, ông Mai Đình Thọ, Chủ tịch HĐQT HTX Nông nghiệp sạch, huyện Krông Pắc chia sẻ: HTX có 3 cây sầu riêng cổ thụ người Pháp trồng thời kỳ khai thác thuộc địa, trong đó, có 1 cây sầu riêng hơn 100 năm tuổi. Thời kỳ đó, đồn điền cà phê trải rộng khắp vùng, cây sầu riêng cổ thụ này được trồng xen vào đường ranh của vườn cà phê. Di tích lịch sử quốc gia Đồn điền CADA ở xã Ea Yông, huyện Krông Pắc là đồn điền ra đời sớm nhất trong quá trình khai thác thuộc địa lần thứ 2 của thực dân Pháp ở Đông Dương chính là minh chứng lịch sử.
Cây sầu riêng ở huyện Krông Pắc góp phần quan trọng vào việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn huyện. Đến nay, cây sầu riêng đang đóng vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, mang lại lợi nhuận và thu nhập cao cho người dân địa phương.
Từ cây trồng phụ, sầu riêng trở thành cây trồng chủ lực. Hiện nay, huyện Krông Pắc có diện tích sầu riêng lớn nhất tỉnh Đắk Lắk với hơn 7.000ha, trong đó, 2.015ha sầu riêng được cấp mã vùng trồng xuất khẩu, tổng số 34 mã. Trên địa bàn huyện hiện có 13 cơ sở đóng gói các loại trái cây tươi xuất khẩu đã được cấp mã số hoạt động.
Bí thư Huyện ủy Krông Pắc Trần Hồng Tiến nhấn mạnh: Huyện có 35 thành phần dân tộc cùng sinh sống, trong đó đồng bào DTTS chiếm 36,49% dân số. Ban đầu, người dân trồng sầu riêng chỉ phục vụ trong gia đình, làm quà biếu tặng người thân, đến nay, sầu riêng Krông Pắc đã lan tỏa khắp năm châu. Những cây sầu riêng trăm tuổi trên địa bàn huyện không chỉ mang lại giá trị kinh tế, mà còn góp phần quảng bá cho ngành hàng
Nguồn: https://baodantoc.vn/chuyen-ve-nhung-cay-sau-rieng-tram-tuoi-1728635061452.htm